Cảnh báo 3 nguy cơ tiềm ẩn tác động đến thị trường bất động sản
Thị trường bất động sản vẫn đang duy trì sự ổn định và chưa có những dấu hiệu của khủng hoảng hay bong bóng. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho rằng, hiện đang có 3 nguy cơ tiềm ẩn có thể sẽ gây rủi ro cho thị trường bất động sản nếu không có những giải pháp kịp thời.
Tại Hội nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng gặp mặt và làm việc với Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), ông Nguyễn Trần Nam – Chủ tịch VNREA cho biết: Lượng giao dịch bất động sản (BĐS) tăng đều từ đầu năm đến nay. Tổng số giao dịch tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh trong 6 tháng đầu năm khoảng 15.300 giao dịch, giảm hơn so với 18.000 giao dịch cùng kỳ năm 2015, song chất lượng giao dịch cao hơn. Giá BĐS tăng 3-7%, cao hơn so với cùng kỳ 2015 là 3-5%.
Hiện hàng tồn kho còn 37.489 tỷ đồng so với cùng kỳ là 67.443 tỷ đồng. Nguồn vốn FDI đổ vào thị trường BĐS tăng thêm 604,8 triệu USD với 25 dự án mới.
Theo ông Nguyễn Trần Nam, hệ thống chính sách mới về lĩnh vực BĐS đã bắt đầu phát huy tác dụng trên thực tế và từng bước đi vào cuộc sống. Các doanh nghiệp lớn vẫn đang dẫn đầu xu hướng thị trường. Tuy nhiên, cơ cấu hàng hóa trên thị trường mất cân đối, thiếu vắng sản phẩm giá trung bình và thấp.
Việc phát triển nhà ở xã hội có xu hướng chậm lại, phân khúc nhà ở cho thuê chưa có điều kiện phát triển; năng lực phần lớn các chủ đầu tư còn yếu cả vềtài chính, năng lực quản lý, triển khai dự án… Nếu không có những cảnh báo và giải pháp kịp thời, thị trường BĐS rất dễ có thể xảy ra tình trạng khủng hoảng như những giai đoạn trước
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho rằng, thị trường tiếp tục xu hướng ổn định và có sự tăng trưởng hơn, tuy nhiên có 3 nguy cơ tiềm ẩn trên thị trường cần đặc biệt lưu ý:
Một là, hiện thị trường đang có sự lệch pha cao trong cung – cầu sản phẩm. Bộ trưởng cho rằng, hiện nguồn cung căn hộ cao cấp, BĐS nghỉ dưỡng nhiều hơn nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp. Nếu hoàn thành hết các dự án BĐS thì có khả năng cuối năm 2016 và đầu năm 2017, chúng ta sẽ dư thừa nguồn cung cao cấp nhưng thiếu nhà cho người thu nhập thấp.
Trong khi đó, nguồn cầu nhà ở xã hội rất nhiều nhưng cung rất ít, hiện có nhu cầu tới 10 triệu m2 nhà ở xã hội nhưng mới đáp ứng được khoảng 3 triệu m2, mà đây mới là phân khúc phục vụ cho đại đa số nhu cầu người dân.
Hai là, tốc độ tăng dư nợ tín dụng BĐS hiện vẫn ở giới hạn an toàn – ở mức khoảng 8%, tuy nhiên phần lớn tín dụng lại chỉ chảy vào phân khúc BĐS cao cấp hoặc chỉ tập trung ở một số nhà đầu tư, điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Ba là, đã bắt đầu có những hiện tượng đầu cơ, tăng giá sản phẩm do tác động của nhà đầu tư thứ cấp, với mức tăng từ 3-7%, cục bộ ở một số dự án có sự tăng giá cao đột biến.
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà khuyến cáo Hiệp hội BĐS cần chú ý kiểm soát chặt chẽ các dự án của mình, bảo đảm cung cầu sản phẩm, tính thanh khoản, hạn chế rủi ro; tiếp tục nghiên cứu và đưa ra một số cơ chế chính sách mới cho thị trường BĐS; nâng cao chất lượng quản lý nhà nước trong lĩnh vực BĐS. Đồng thời cần chủ động lường trước việc thắt chặt room tín dụng có thể xảy ra.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh chương trình phát triển nhà ở xã hội; thực hiện tốt các quy định về đảm bảo quyền lợi của các bên tham gia trên thị trường BĐS; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về thị trường nhưng không được cản trở hoạt động của các doanh nghiệp BĐS…