Cạnh tranh khốc liệt ngay trên sân nhà
Đi cùng với các hiệp định thương mại tự do (FTA), thị trường nội địa ngày càng mở cửa rộng hơn cho hàng ngoại, đồng nghĩa sự cạnh tranh sẽ rất khốc liệt. Ngoài việc phải đảm bảo chất lượng, hàng Việt cần phải cạnh tranh về giá, đặc biệt là gây dựng được niềm tin với người tiêu dùng trong nước.
Không chỉ hàng điện tử, điện thoại và ô tô, các sản phẩm như trái cây, thịt, quần áo, giầy dép… của nước ngoài cũng đang dần "lấn sân" ở thị trường trong nước.
Tính đến nay, theo Bộ Công Thương, Việt Nam đã ký và thực thi 10 FTA, kết thúc đàm phán 2 FTA, đang đàm phán 4 FTA khác. Đây là cơ hội để hàng hóa Việt vươn ra thế giới, nhưng đồng thời việc mở cửa thị trường trong nước chắc chắn sẽ là thách thức đối với các doanh nghiệp (DN).
Hàng ngoại ồ ạt đổ bộ
Thời gian gần đây, hàng nông, lâm, thủy sản nhập về Việt Nam ngày một nhiều. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhập khẩu nông, lâm, thủy sản 9 tháng đầu năm 2018 đạt 23,42 tỷ USD, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2017.
Chính vì vậy, có ý kiến cho rằng nông sản Việt cứ xuất khẩu 3 đồng thì lại nhập 1 đồng. Các sản phẩm nông nghiệp của Thái Lan, Trung Quốc, Mỹ, New Zealand, Australia… xuất hiện ở thị trường Việt Nam với số lượng ngày một tăng.
Đối với hàng dệt may, các phân khúc từ cao cấp đến bình dân đều có "bàn tay" chi phối của các thương hiệu thời trang ngoại.
Ở phân khúc hàng cao cấp, khả năng cho giá trị gia tăng cao hơn, các hãng thời trang danh tiếng của nước ngoài đang lấn lướt, trong khi DN Việt vắng bóng.
Ở phân khúc hàng giá rẻ, hàng Trung Quốc đang chiếm lĩnh thị phần lớn. Còn lại, ở phân khúc trung bình, thời gian qua đang có sự cạnh tranh quyết liệt với các hãng ngoại.
Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc, cạnh tranh ở thị trường trong nước càng trở nên khốc liệt hơn.
Ông Nguyễn Công Thừa, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX nông nghiệp tổng hợp Anh Đào (Anh Dao Co.op), cho biết thời gian gần đây – từ khi cuộc chiến tranh thương mại xảy ra, số lượng hàng nông sản Trung Quốc xuất sang Việt Nam nhiều hơn. Như tỉnh Lâm Đồng, nông sản Trung Quốc tăng gấp 3 lần về số lượng, tăng gấp 2 lần về mã hàng (tăng thêm 7-8 mặt hàng) so với trước.
Trước đây, khoai tây, cà rốt, hành tây là những mặt hàng nông sản Trung Quốc xuất sang Việt Nam nhiều nhất, nay có thêm cả bông cải xanh, cà chua… Điều đó dẫn tới hệ lụy là giá nông sản Đà Lạt rớt thê thảm thời gian qua.
Mối lo của các DN Việt Nam khi phải cạnh tranh với hàng ngoại được thể hiện trong báo cáo của Tổng cục Thống kê công bố mới đây.
Cụ thể, trong các yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của DN quý III/2018, Tổng cục Thống kê cho biết có 59,6% số DN cho rằng khả năng cạnh tranh cao của hàng hóa trong nước là yếu tố ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN; 45,1% số DN cho rằng do nhu cầu thị trường trong nước thấp và 23,8% số DN cho rằng tính cạnh tranh của hàng hóa nhập khẩu cao là yếu tố quan trọng…
Phải có chiến lược
Không chỉ là hàng hóa, mà các DN bán lẻ, dịch vụ, logistics… cũng "đứng ngồi không yên". Theo TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin dự báo Kinh tế – xã hội Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), sức cạnh tranh của DN Việt, hàng Việt còn thấp, dễ bị lấn át trong cuộc cạnh tranh khốc liệt với hàng ngoại, DN ngoại.
Đặc biệt với Việt Nam, ngành dịch vụ nói chung "đóng cửa" quá lâu, sức chống chịu thấp nên khi mở cửa nền kinh tế tạo ra cú sốc cho toàn ngành. Mở cửa hội nhập kinh tế càng sâu rộng, các lĩnh vực như bán lẻ, logistics, du lịch… sẽ bị ảnh hưởng, tác động càng nhiều.
Cho rằng DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có những thuận lợi hơn Việt Nam, như có quản trị, có chuỗi phân phối toàn cầu, dòng tài chính tốt hơn…, nhưng Ts. Trần Du Lịch, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Tp.HCM, Thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cho rằng không còn cách nào khác là DN trong nước cần tính lại con đường mình đi.
Nếu không làm thì sẽ mất cơ hội và để nước ngoài đầu tư, hưởng lợi tại Việt Nam. Muốn làm được, DN phải xây dựng chiến lược dài hạn, liên kết mới có thể giúp nhau tham gia vào chuỗi giá trị. Trong đó, những DN lớn cần dẫn dắt các DN nhỏ vào chuỗi sản xuất của mình.
Đối với thể chế kinh tế, theo ông Lịch, cần cải cách mạnh mẽ hơn. Cơ quan quản lý cần nỗ lực cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục hải quan, thông quan, thuế hành chính… để nền kinh tế có dư địa phát triển cao hơn.
Mặt khác, ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Vinamit, cho rằng việc DN nước ngoài đưa hàng vào Việt Nam là chuyện bình thường. Khi làm ra sản phẩm, DN phải xác định đối thủ của mình là trên đấu trường quốc tế và tìm sự khác biệt cho sản phẩm để cạnh tranh.
Vấn đề là DN Việt Nam phải biết mình có lợi thế gì, phải có chính sách ứng phó với hàng ngoại nhập, nếu không sẽ thua ngay trên "sân nhà".
Đi cụ thể vào vấn đề mà ngành dệt may đang gặp phải, PGs.Ts. Phạm Tất Thắng, Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương), cho rằng đây là thời điểm để ngành dệt may Việt Nam quay về nước, dù muộn còn hơn không.
Ngành dệt may Việt Nam phải sản xuất hàng hóa cho người Việt, chứ không phải sản xuất cho người nước ngoài, không xuất khẩu được mới bán ở thị trường nội địa.
Chưa kể tình trạng vô số hàng hóa gắn mác "hàng Việt Nam xuất khẩu" nhưng thực chất là hàng không rõ nguồn gốc, trôi nổi khiến người tiêu dùng trong nước mất niềm tin.
DN ngoại luôn tìm cách ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để hạ giá thành sản phẩm, tập trung khâu thiết kế, cập nhật mẫu mã theo xu hướng thời trang thế giới.
Còn DN Việt Nam trong thời gian dài vẫn làm gia công, dựa vào lao động giá rẻ, mẫu mã đơn điệu, chậm đổi mới. Đó là những điểm mà các DN cần phải cạnh tranh nếu muốn giành được lợi thế trên sân nhà.