Chặn đà giảm tốc mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Theo Lê Thúy/thoibaokinhdoanh.vn

Hai tháng đầu năm 2019, kim ngạch nhiều sản phẩm xuất khẩu chủ lực giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước là điều cần phải lưu ý, đặc biệt là nhóm mặt hàng nông lâm thủy sản. Tìm được lý do sẽ giúp cơ quan chức năng, doanh nghiệp có đối sách ứng phó kịp thời, tránh kịch bản xấu xảy ra cho cả năm.

Kim ngạch nhiều sản phẩm xuất khẩu chủ lực giảm mạnh so với cùng kỳ. Nguồn: Internet
Kim ngạch nhiều sản phẩm xuất khẩu chủ lực giảm mạnh so với cùng kỳ. Nguồn: Internet

Tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ mới đây, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng cho rằng việc xuất khẩu (XK) của nhiều sản phẩm chủ lực giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước là điều cần lưu ý và cần biện pháp tháo gỡ kịp thời.

Nông, lâm, thủy sản "bết bát"

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, hai tháng đầu năm 2019, kim ngạch XK đạt 36,68 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ 2018, tuy nhiên nhiều nhóm hàng chủ lực có dấu hiệu giảm tốc ngay từ đầu năm.

Cụ thể, tính chung hai tháng đầu năm, kim ngạch XK nhóm nông, lâm, thuỷ sản ước đạt 3,41 tỷ USD, giảm 11,8% so với cùng kỳ. Trong đó, chỉ có 3 mặt hàng có kim ngạch XK tăng nhẹ so với cùng kỳ là chè, thủy sản và cao su.

Có tới 6/9 mặt hàng có kim ngạch XK giảm so với cùng kỳ: rau quả giảm 14,4%, hạt điều giảm 21%, cà phê giảm 26,9%, gạo giảm 17,5%, sắn và các sản phẩm từ sắn giảm 8,9%, hạt tiêu giảm 20,6%.

Ngay trong những tháng đầu năm 2019, XK nhóm hàng nông, thủy sản đã gặp khá nhiều khó khăn về đầu ra cũng như giá bán. Thống kê ước tính cho thấy trong 2 tháng đầu năm, hầu hết mặt hàng nông, thủy sản có giá XK giảm so với cùng kỳ năm 2018: Hạt điều giảm 19,1%, cà phê giảm 9,2%, hạt tiêu giảm 26,3%, gạo giảm 13,3%, cao su giảm 13%…

Kim ngạch XK nhóm nhiên liệu và khoáng sản hai tháng đầu năm 2019 ước đạt 941 triệu USD, tăng 26,6% so với cùng kỳ năm 2018, chủ yếu là do XK dầu thô tăng mạnh 76,8% về lượng và 82,1% về kim ngạch. Trong khi đó, kim ngạch XK các mặt hàng còn lại của nhóm hàng này như than đá, xăng dầu đều giảm so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, với kim ngạch 6,79 tỷ USD, điện thoại các loại và linh kiện tiếp tục đứng đầu về kim ngạch XK hàng hóa của Việt Nam, nhưng so với hai tháng năm 2018 đã giảm tới 7,3%…

Như vậy có thể thấy nhiều mặt hàng XK chủ lực có dấu hiệu suy giảm trong hai tháng đầu năm 2019. Đặc biệt, riêng đối với nhóm hàng nông, lâm, thủy sản không phải nguyên nhân mang tính khách quan do nghỉ Tết Nguyên đán, mà do phải đối mặt với nhiều khó khăn. Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chỉ ra 5 nhóm khó khăn mà XK nhóm mặt hàng này phải đối mặt.

Trong đó, khó khăn phải kể tới là các nước nhập khẩu nông sản lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc… đều gia tăng bảo hộ hàng hóa nông sản thông qua các tiêu chuẩn về quản lý và an toàn vệ sinh thực phẩm, yêu cầu truy xuất nguồn gốc.

Dự báo năm 2019, XK trái cây sang Mỹ tiếp tục sẽ có tăng trưởng cao nhờ XK thêm xoài. Tuy nhiên, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho biết, đây là thị trường có ảnh hưởng rất lớn từ nguồn trái cây tại Mexico – nước có sản lượng xoài lớn nhất khu vực châu Mỹ, với tiêu chuẩn chất lượng cao và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Để XK thành công vào thị trường Mỹ, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam ngoài việc tuân thủ các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm cần phải chủ động thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, đặc biệt là tại các khu vực có cộng đồng người Á châu và Mỹ La tinh một cách mạnh mẽ.

Đồng thời, DN cũng cần truyền tải các thông điệp khuyến khích người tiêu dùng tăng cường tiêu thụ xoài, trong đó nhấn mạnh hương thơm độc đáo của trái xoài, các giá trị dinh dưỡng và lợi ích về sức khoẻ mà xoài mang lại, song song là hướng dẫn cách sử dụng, chế biến quả xoài…

Rào cản thị trường

Với Trung Quốc, bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch CTCP Bagico, đánh giá thị trường này lớn nhưng không ổn định. Hiện nay, phía Trung Quốc thông báo quản lý chặt truy xuất mã vùng sản xuất, đóng gói chế biến.

DN rất cần các thông tin yêu cầu mã vùng, mã xưởng sản xuất được quy định theo tiêu chuẩn nào, nhưng lại không thể tìm được trên các trang thông tin của bộ, ngành như Tổng cục Hải quan, Cục Bảo vệ thực vật (đơn vị phụ trách cấp mã vùng, mã xưởng).

Thông qua địa phương là Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bắc Giang, bà Thực cho biết đã nhận được câu trả lời bằng miệng là Trung Quốc chưa yêu cầu cao như thị trường Australia mà chỉ yêu cầu sản phẩm được sản xuất ở địa chỉ nào.

"Thị trường XK lớn như Trung Quốc, hàng ngày giao thương với khối lượng hàng rất lớn mà DN, thương nhân được trả lời bằng miệng như vậy là rất lo và rủi ro", bà Thực chia sẻ.

Bên cạnh đó, tổng diện tích trồng cây ăn trái của Việt Nam hiện là gần 1 triệu héc ta, nhưng thông báo của Hải quan Trung Quốc cho biết họ chỉ mới thống kê Việt Nam có xấp xỉ 6.000ha. "Đây là vấn đề mà cơ quan chức năng phải quan tâm vì người tiêu dùng Việt Nam cũng như các nước trên thế giới đều quan tâm tới những yêu cầu, tiêu chuẩn này", bà Thực chia sẻ.

Bổ sung thêm, ông Hồ Tỏa Cẩm, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Trung Quốc, cho biết năm 2018, thương mại hai nước Việt Nam – Trung Quốc đạt tổng mức gần 150 tỷ USD, Việt Nam trở thành bạn hàng lớn nhất của Trung Quốc tại ASEAN. Tuy nhiên, trong 150 tỷ USD này phần lớn thuộc về DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), còn DN Việt Nam, nhất là DN nông nghiệp, sản xuất nông sản, hưởng lợi ích rất khiêm tốn.

Năm ngoái, Trung Quốc nhập gần 100 tỷ USD nông sản từ nước ngoài nhưng không ít hàng Việt Nam có ưu thế chưa vào được thị trường này như sữa và sản phẩm sữa, thịt lợn, thịt bò…

"Việt Nam cần phải biết Trung Quốc cần sản phẩm gì, loại nào, khối lượng bao nhiêu, chất lượng thế nào, tìm hiểu càng kỹ càng tốt. Đồng thời, tăng cường nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản thông qua cải tiến, đổi mới công nghệ, giống, bao bì", ông Cẩm nhấn mạnh.

Bộ Công Thương cho biết, hai tháng đầu năm 2019, XK của khối DN trong nước tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động thương mại của Việt Nam với mức tăng trưởng 9,9%, cao hơn so với tăng trưởng 4,3% của khối DN FDI.

Tuy nhiên, khối DN FDI vẫn đang là khu vực kinh tế có đóng góp lớn vào tốc độ tăng trưởng chung khi chiếm tới 70,8% tổng kim ngạch XK. Đây là lý do khiến nhiều nhóm hàng công nghiệp XK bị chi phối bởi khối ngoại, nên thẳng thắn mà nói, nếu DN FDI "hắt hơi", nền kinh tế Việt Nam chắc chắn sẽ "sổ mũi" .

Trước thực tế trên, Bộ Công Thương khẳng định sẽ tập trung mạnh vào đổi mới, nâng cao hiệu quả của cơ chế phối hợp với các bộ ngành, địa phương và hiệp hội DN để tạo sự kết nối, phối hợp đồng bộ hơn trong việc xử lý các vấn đề phát sinh trong thương mại quốc tế như vượt qua các rào cản thương mại, kiểm dịch động thực vật, các vấn đề về chống trợ cấp, chống bán phá giá của nước ngoài đối với hàng hóa XK của Việt Nam.

Bộ cũng sẽ là đầu mối phối hợp với các cơ quan có liên quan theo dõi, tổng hợp, xây dựng Đề án tranh chấp thương thương mại nói chung và tranh chấp thương mại Mỹ - Trung ảnh hưởng tới thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam để có đối sách phù hợp với những diễn biến mới có thể xảy ra nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy XK.

Ông Hồ Tỏa Cẩm - Tham tán Thương mại Đại sứ quán Trung Quốc

Việt Nam cần phải đặc biệt quan tâm tới vấn đề chế biến, đây là khâu quan trọng trong chuỗi giá trị. Để hỗ trợ XK thuận lợi cho nông sản, Việt Nam cần phải phát huy vai trò của Chính phủ, Hiệp hội, DN lớn trong việc xây dựng mạng lưới xúc tiến sản xuất chế biến, tiêu thụ nông sản.

Bà Nguyễn Thị Thành Thực - Chủ tịch CTCP Bagico

Trong giai đoạn hiện nay, các nước đều tập trung quay trở lại sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, nông sản Việt Nam ngoài lợi thế cạnh tranh về tính thời vụ và các sản phẩm đặc sản, yếu tố cạnh tranh sẽ ngày càng khó khăn. Muốn sản xuất hàng hóa phải tuân thủ theo tiêu chuẩn, luật chơi của thị trường.

Ông Trần Tuấn Anh- Bộ trưởng Bộ Công Thương

Đầu tư phát triển công nghệ sẽ là một trong những chìa khóa quan trọng giúp DN tăng năng suất và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường. Hiện nay, trình độ công nghệ của các DN XK của Việt Nam còn lạc hậu nên cần nghiên cứu và xác định được vị trí của mình cũng như đối thủ trong phân khúc cạnh tranh trên thị trường, từ đó có hướng phát triển công nghệ phù hợp với khả năng.