Chặn suy giảm kinh tế: Cần giảm thuế, phí

Theo TS. Bùi Quang Tín -Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh/nld.com.vn

Trước tác động từ dịch Covid-19, ngoài chính sách giảm lãi suất, các quốc gia cần giảm thuế, phí... cho doanh nghiệp nhằm hạn chế suy giảm kinh tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Trong bối cảnh dịch bệnh đang lan rộng đến 103 quốc gia và vùng lãnh thổ, mới đây, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IFM) dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 giảm 0,1% - còn 3,3% (trước đó IMF dự báo tăng trưởng 3,4%). Còn tại Việt Nam, nếu Covid-19 được khống chế trong quý I/2020 thì kinh tế nước ta được dự báo tăng trưởng 6,3%, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đặt ra.

Giảm lãi suất vẫn chưa đủ

Để giảm thiểu suy giảm kinh tế toàn cầu, cách đây vài ngày, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã giảm 5 điểm % lãi suất USD, từ 1,5%-1,75% xuống còn 1%-1,25% - mức cắt giảm mạnh nhất kể từ năm 2008 đến nay. Đồng thời, Fed còn cho biết sẽ giảm thêm lãi suất vào ngày 18/3 tới nhưng lại không đề cập tới gói kích thích kinh tế như đã từng thực hiện trong đợt khủng khoảng tài chính giai đoạn 2007-2008.

Cùng mục tiêu với Fed, Ngân hàng Thế giới (World Bank), IMF cũng đưa ra gói hỗ trợ khẩn cấp tổng cộng 62 tỉ USD cho nhiều quốc gia. Theo đó, các quốc gia nhận vay vốn sẽ được miễn lãi suất hoặc chỉ trả lãi suất rất thấp.

Ngoài lãi suất, hiện doanh nghiệp cần thêm hỗ trợ khác về thuế, phí cũng như đầu tư công để vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt. Ảnh: TẤN THẠNH  
Ngoài lãi suất, hiện doanh nghiệp cần thêm hỗ trợ khác về thuế, phí cũng như đầu tư công để vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt. Ảnh: TẤN THẠNH  

Tuy nhiên, thị trường tài chính lại có phản ứng thiếu tích cực với những quyết sách nói trên. Điển hình là ngay khi FED giảm lãi suất vào rạng sáng 4/3, thị trường chứng khoán quốc tế đỏ sàn, giá vàng thế giới tăng gần 50 USD/oune. Giới đầu tư cho rằng thị trường tài chính có thể gia tăng rủi ro, kinh tế toàn cầu khó tránh khỏi suy giảm, nên không ít người đã chuyển tài sản vào vàng khiến giá kim loại quý thế giới trong các ngày gần đây tăng gần 70 USD/ounce.

Dù rằng việc giảm lãi suất sẽ giúp cho kinh tế tăng trưởng nhưng thực tế cho thấy trong năm 2019, Mỹ đã 3 lần giảm lãi suất với tổng cộng 7,5 điểm % nhưng kinh tế nước này chỉ tăng trưởng 2,1%. Hàng chục quốc gia khác cũng liên tục giảm lãi suất, thậm chí có nhiều nước áp dụng lãi suất âm nhưng kinh tế vẫn tăng trưởng không đáng kể, riêng kinh tế Nhật Bản năm 2019 tăng trưởng âm.

Như vậy, giảm lãi suất chỉ là biện pháp thúc đẩy kinh tế đi lên trong dài hạn. Còn trong ngắn hạn, đặc biệt là trước ảnh hưởng Covid-19, lãi suất chưa đủ lực để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) vượt qua khó khăn, hạn chế suy giảm kinh tế.

Cần thêm chính sách hỗ trợ

Vấn đề mà DN mong muốn lúc này là chính phủ các quốc gia, vùng lãnh thỗ cần tăng thêm hỗ trợ qua việc giảm thuế, phí… và tăng chi tiêu của chính phủ (chính sách tài khóa). Bởi, khi giảm thuế, phí, DN sẽ giảm bớt gánh nặng về tài chính. Còn việc chính phủ tăng chi tiêu tức là số tiền dành cho đầu tư công sẽ nhiều hơn, tạo thêm việc làm giúp cho nền kinh tế có thêm tiền, làm tăng sức mua, kích thích DN sản xuất hàng hóa. Như thế, tại thời điểm này, việc hỗ trợ DN thông qua chính sách tài khóa sẽ quan trọng hơn chính sách tiền tệ (giảm lãi suất, chính phủ bơm thêm tiền ra thị trường…).

Tại Việt Nam, tỉ giá hối đoái những ngày qua biến động không đáng kể. Giá vàng trong nước cao hơn thế giới 1 triệu đồng/lượng nhưng không có hiện tượng nhập lậu vàng vì nhu cầu thị trường rất thấp. Mặt khác, do ảnh hưởng Covid-19 nên cung - cầu USD không có sự đột biến; thị trường lãi suất, ngoại tệ không bị xáo trộn… tạo điều kiện cho nhà nước kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo đó, để hỗ trợ DN bị ảnh hưởng Covid-19, các ngày gần đây, Chính phủ Việt Nam đã nhanh nhạy thúc đẩy các bộ, ngành giải ngân vốn đầu tư công; định hướng Bộ Tài chính sớm ban hành gói hỗ trợ khoanh, giãn thuế 30.000 tỉ đồng. Các ngân hàng thương mại cũng đã tính đến việc khoanh, giãn nợ, dành sẵn 285.000 tỉ đồng cho vay với lãi suất thấp.

Thế nhưng, cũng như các quốc gia khác, cái mà DN Việt Nam cần gấp trong năm 2020 là Chính phủ sớm có lộ trình giảm thuế để giảm chi phí, hỗ trợ sản xuất - kinh doanh, ngăn chặn kinh tế suy giảm. Do đó, trước mắt nhà nước có thể giảm thuế khoán đối với hộ kinh doanh vì thuế suất của sắc thuế này do chính quyền các tỉnh, thành phố quyết định. Còn việc giảm lãi suất sẽ hỗ trợ một phần cho DN tăng năng lực sản xuất trong vài năm tới, tiếp tục thúc đẩy kinh tế đi lên.

Mặt khác, trong xu hướng Mỹ giảm lãi suất, chi phí vay vốn nước ngoài của Việt Nam sẽ giảm theo, giúp cho nền kinh tế có thêm nguồn lực để phát triển. Đặc biệt, mới đây, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) cam kết tài trợ gần 300 triệu USD cho 4 ngân hàng thương mại của Việt Nam với giá rẻ, DN nước ta có thể tiếp cận nguồn vốn này để vượt qua khó khăn.

Như thế, nếu trong năm 2020, Mỹ và nhiều quốc gia khác tiếp tục giảm lãi suất, tăng thêm chính sách giảm thuế, phí… cho DN, nhiều khả năng kinh tế toàn cầu sẽ kìm hãm được đà suy giảm do Covid-19.