Chất lượng việc làm trong các cơ sở sản xuất kinh doanh phi chính thức tại Việt Nam

Phạm Văn Hiếu - Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội

Thông qua việc xác định và phân tích chất lượng việc làm trong các cơ sở sản xuất kinh doanh phi chính thức tại Việt Nam, nghiên cứu đề xuất một số khuyến nghị nhằm nâng cao chất lượng việc làm đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh phi chính thức tại Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nghiên cứu này được thực hiện nhằm xác định và phân tích chất lượng việc làm trong các cơ sở sản xuất kinh doanh phi chính thức tại Việt Nam bằng việc sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính. Trên cơ sở tổng quan các nghiên cứu trước đó và sau khi phỏng vấn chuyên gia, nghiên cứu đã xác định và phân tích 6 thang đo (thuộc tính thành phần) của chất lượng việc làm trong các cơ sở sản xuất kinh doanh phi chính thức bao gồm: Giờ làm việc bình quân cao, Thu nhập thấp, Việc làm chưa được bảo vệ đầy đủ bởi các chính sách bảo hiểm xã hội, Việc làm nhiều biến động, Chất lượng lao động thấp, và Mức độ an toàn thấp. Dựa trên kết quả này, nghiên cứu đề xuất một số khuyến nghị nhằm nâng cao chất lượng việc làm đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh phi chính thức tại Việt Nam.

Giới thiệu

Cũng giống như các nước đang phát triển trên thế giới, ở Việt Nam, các hoạt động phi chính thức tồn tại bởi nó có thể tạo ra việc làm, thu nhập cho lực lượng lao động không có chuyên môn, lao động tự do hay bị ảnh hưởng việc làm khi có biến động lớn nền kinh tế. Không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập và xoá đói giảm nghèo trực tiếp cho chính chủ sở hữu hoạt động phi chính thức, mà còn gián tiếp cải thiện cuộc sống cho những người có thu nhập thấp, người nghèo ở thành thị và nông thôn, giúp người nghèo tiếp cận các hàng hoá, dịch vụ nhanh hơn với giá cả bình dân.

Lao động phi chính thức là đối tượng được nhiều học giả quan tâm phân tích, đặc biệt đặt trong bối cảnh cú sốc hay bất bình đẳng thu nhập (Komin và cộng sự, 2020). Hơn nữa, trong bối cảnh COVID-19, một lượng lớn lao động chính thức buộc phải nghỉ việc, lâm vào tình trạng thất nghiệp hoặc chuyển sang làm công việc phi chính thức. Việc làm trong các cơ sở sản xuất kinh doanh phi chính thức là một phần không thể thiếu, góp phần quan trọng trong giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người lao động. Người lao động buộc phải làm công việc phi chính thức như là một trong những lựa chọn không thể khác để đảm bảo cuộc sống mưu sinh trong bối cảnh các điều kiện phúc lợi xã hội còn hạn chế hoặc thu nhập từ công việc chính thức chưa đảm bảo.

Nghiên cứu này xác định và phân tích chất lượng việc làm trong các cơ sở sản xuất kinh doanh phi chính thức tại Việt Nam. Nghiên cứu cũng cung cấp một bức tranh có hệ thống cho các nhà nghiên cứu, các cơ sở sản xuất kinh doanh phi chính thức về việc làm trong các cơ sở sản xuất kinh doanh phi chính thức.

Tổng quan nghiên cứu

Lao động phí chính thức

Theo Tổng cục Thống kê (2022), lao động phi chính thức bao gồm những người làm việc trong khu vực phi nông, lâm nghiệp và thủy sản và lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có đăng ký kinh doanh, thuộc một trong bốn nhóm sau: (i) Lao động gia đình không được hưởng lương, hưởng công; (ii) Người chủ của cơ sở, lao động tự làm trong khu vực phi chính thức; (iii) Người làm công ăn lương không được ký hợp đồng lao động hoặc được ký hợp đồng có thời hạn nhưng không được cơ sở tuyển dụng đóng bảo hiểm xã hội theo hình thức bắt buộc; (iv) Xã viên hợp tác xã không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho rằng, lao động phi chính thức được xác định là lao động có việc làm phi chính thức. Định nghĩa này bao gồm cả lao động làm việc trong khu vực phi chính thức và lao động làm việc phi chính thức tại khu vực chính thức. Trong đó, việc làm phi chính thức bao gồm tất cả các thỏa thuận việc làm mà không trang bị cho cá nhân người lao động sự bảo vệ về mặt pháp lý hoặc xã hội thông qua công việc của họ, khiến họ dễ gánh chịu các rủi ro kinh tế. Họ được cho là một trong những đối tượng dễ bị tổn thương trước các cú sốc bởi vì ít nhận được sự quan tâm và hỗ trợ của Nhà nước (ILO, 2021).

Chất lượng việc làm trong các cơ sở phi chính thức

Trên thế giới, ước tính khoảng 20% đến 30% tổng số lao động ở các nước phát triển và hơn 40% lao động ở các nước đang phát triển làm việc trong khu vực phi chính thức (Hu & Yang, 2001). Nghiên cứu của Messier và Floro (2008) đã đánh giá chất lượng của việc làm giữa các đô thị, hộ gia đình có thu nhập thấp tại Ecuador, tổng quan về chất lượng công việc trong khu vực phi chính thức và nêu bật tầm quan trọng của chất lượng việc làm trong bối cảnh đói nghèo, giảm nghèo và phát triển chiến lược. Các tác giả cũng xây dựng chỉ số việc làm, đề xuất biện pháp đo chỉ số chất lượng công việc, và áp dụng biện pháp này để đo chất lượng việc làm của người lao động trong các đô thị nghèo tại Ecuador. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, có những khác biệt giữa chất lượng việc làm của phụ nữ và nam giới trong các hộ gia đình.

Bacchetts và cộng sự (2009) nghiên cứu về toàn cầu hóa và việc làm phi chính thức ở các nước đang phát triển, các tác giả đề cập đến mối liên hệ giữa toàn cầu hóa và việc làm phi chính thức ở các nước đang phát triển. Kết quả nghiên cứu cho thấy, ở các nước đang phát triển, đa số người lao động đang làm việc với thu nhập thấp, hạn chế an ninh công việc và không có an sinh xã hội. Toàn cầu hóa và đặc biệt là thương mại có tiềm năng để nâng cao phúc lợi xã hội toàn cầu và cải thiện kết quả việc làm, tuy nhiên cũng có những tác động xấu đi do hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Bảng 1: Thang đo chất lượng việc làm trong các cơ sở sản xuất kinh doanh phi chính thức tại Việt Nam

Mã số

Diễn giải

Nguồn

QEIE1

Giờ làm việc bình quân cao

ILO (2002), Messier và Floro (2008), Bacchetts và cộng sự (2009), Cling và cộng sự (2009), Cling và cộng sự (2010), Nguyen Huu Chi và cộng sự (2010), Cling & cộng sự (2011), Nguyễn Thị Lan Hương và cộng sự (2012), Rand & Torm (2012), Trần Quang Tuyến (2019), Phạm Thị Bích Duyên và Phạm Thị Kiều Khanh (2022)

QEIE2

Thu nhập thấp

QEIE3

Việc làm chưa được bảo vệ đầy đủ bởi các chính sách bảo hiểm xã hội

QEIE4

Việc làm nhiều biến động

QEIE5

Chất lượng lao động thấp

QEIE6

Mức độ an toàn thấp

Nguồn: Tổng hợp của Tác giả

Giờ làm việc bình quân cao

Cling và cộng sự (2010) khẳng định, mặc dù có khoảng 10% số lao động làm dưới 24 giờ/tuần, song cũng có khoảng 30% số lao động trong khu vực phi chính thức làm việc trên 60 giờ/tuần. Theo CIEM (2014), thời gian làm việc của lao động khu vực phi chính thức lớn hơn mức trung bình xã hội với gần 10 giờ/ngày. Với số giờ làm việc trong tuần cao nhưng thu nhập thấp cho thấy sự không phù hợp giữa lao động và tiền công. Khảo sát sơ bộ cho thấy, đến nay ở Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung, hầu hết người lao động trong khu vực phi chính thức có số giờ làm việc vượt quá 48 giờ/tuần.

Thu nhập thấp

Theo Cling và cộng sự (2010), thu nhập trung bình tháng của lao động trong khu vực phi chính thức tại Việt Nam khoảng 1,04 triệu đồng năm 2007, chỉ cao hơn thu nhập ngành nông nghiệp và thấp hơn tất cả khu vực thế chế khác. Mức thu nhập này gần bằng mức thu nhập bình quân chung của công nhân trên phạm vi toàn quốc (1,1 triệu đồng/tháng). Ngoài thu nhập, người lao động trong các cơ sở sản xuất kinh doanh phi chính thức không được hưởng gì về phúc lợi khác, tiền thưởng không phải là phần bổ sung trực tiếp cho lương mà trong một số trường hợp nó chỉ là yếu tố thay thế. Nghiên cứu của Cling và cộng sự., (2010) cho thấy, chỉ có 0,6% lao động được chia lợi nhuận, 0,8% được trả lương cho những ngày lễ, tết.

Nghiên cứu tại Việt Nam, Phạm Thị Bích Duyên và Phạm Thị Kiều Khanh (2022) cho rằng, người lao động phi chính thức thường có thu nhập thấp và không thường xuyên, giờ làm việc dài và không được bảo vệ bởi các thể chế của thị trường lao động, đặc biệt là chính sách bảo hiểm xã hội. Một nghiên cứu trước đó của Rand và Torm (2012) cũng khẳng định sự tồn tại của khoảng cách tiền lương giữa khu vực phi chính thức và chính thức (mức lương trong khu vực chính thức cao hơn trung bình từ 10% đến 20% so với khu vực phi chính thức), sự khác biệt này ảnh hưởng đến phân phối thu nhập và bất bình đẳng thu nhập tại đây.

Việc làm chưa được bảo vệ đầy đủ bởi các chính sách bảo hiểm xã hội

Nghiên cứu của Cling và cộng sự (2009) cho thấy, tỷ lệ lao động trong khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội rất thấp với 0,4% ở Hà Nội và 5,4% ở TP. Hồ Chí Minh. Sau 4 năm thực hiện, bảo hiểm xã hội tự nguyện đã bao phủ hơn 104.500 người dân vào năm 2011, chiếm 0,2% tỷ lệ lực lượng lao động và 0,3% tỷ lệ lao động làm việc ở khu vực phi chính thức (Nguyễn Thị Lan Hương và cộng sự, 2012). Đến nay, lao động khu vực phi chính thức vẫn còn nhiều hạn chế trong việc tiếp cận các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tính đến tháng 6/2022, cả nước hiện có 53,4% lao động phi chính thức là người làm công ăn lương (tương ứng với 9,6 triệu người), có 32,1% (tương ứng 5,8 triệu người) là lao động tự làm và 11,8% (tương ứng 2,2 triệu người) là lao động gia đình. Trong tổng số gần 18 triệu lao động phi chính thức đó, chỉ 0,2% được đóng bảo hiểm bắt buộc, 1,9% đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, còn lại 97,9% không có loại bảo hiểm nào. Tỷ lệ này trái ngược hoàn toàn với lao động khu vực chính thức (có hợp đồng lao động) khi có tới 80,5% được đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Việc đa số lao động khu vực kinh tế phi chính thức không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đang đặt ra những hệ lụy to lớn cho người lao động khi gặp rủi ro, dẫn đến mất thu nhập, cũng như đặt ra những thách thức lớn cho hệ thống an sinh xã hội quốc gia (Phạm Thị Bích Duyên và Phạm Thị Kiều Khanh, 2022).

Việc làm nhiều biến động

Khi người lao động làm thuê mà không có hợp đồng lao động sẽ không có gì để đảm bảo chắc chắn cho công việc của họ. Cling và cộng sự (2009) cho rằng, đa số lao động làm việc tại cơ sở sản xuất kinh doanh phi chính, thức không có hợp đồng lao động, hoặc chỉ có hợp đồng bằng miệng, không có hợp đồng lao động bằng văn bản. Trong các cơ sở sản xuất kinh doanh phi chính thức còn tồn tại nhiều bất cập, trong đó nổi bật là chất lượng việc làm còn thấp: việc làm không ổn định với tỷ lệ không có hợp đồng lao động là 68,7% (CIEM, 2014). Theo Trần Quang Tuyến (2019), việc làm ở khu vực phi chính thức là công việc không ký hợp đồng lao động hoặc không đóng bảo hiểm xã hội.

Chất lượng lao động thấp

Theo Cling và cộng sự (2010), tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cho thấy, khu vực phi chính thức có 15,7% số lao động có trình độ từ phổ thông trung học trở lên, trình độ học vấn thấp không được bù đắp bằng trình độ chuyên môn kỹ thuật và trên 90% số lao động thuộc khu vực phi chính thức không có bất kỳ chứng chỉ tay nghề nào. Hai loại hình công việc chính thức và phi chính thức rất khác nhau về mức thu nhập, trình độ của người lao động và các điều kiện làm việc (Cling và cộng sự, 2011).

Mức độ an toàn thấp

Mặc dù số lượng lao động phi chính thức chiếm tỷ lệ tương đối lớn, nhưng họ vẫn phải chịu mức lương thấp, thiếu bảo trợ xã hội và các vấn đề khác (ILO, 2002).

Theo Tổng cục Thống kê (2022), Việt Nam đang ở trong thời kỳ dân số vàng khi mà dân số trong độ tuổi lao động cao gấp 2 lần dân số ngoài độ tuổi lao động. Hằng năm, dân số trong độ tuổi lao động tham gia thị trường lao động chiếm tỷ trọng khá cao, khoảng trên 75%. Mặc dù vậy, phần đông người lao động của Việt Nam vẫn còn phải đang chấp nhận tham gia các công việc phi chính thức, tức làm các công việc dễ tổn thương, không được đóng bảo hiểm xã hội, không có hợp đồng lao động.

Nhiều năm qua, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực để phát triển kinh tế, giải bài toán chính thức hóa lao động có việc làm phi chính thức nhằm đảm bảo việc làm tử tế cho người lao động nhưng tình trạng người lao động bị buộc phải làm các công việc phi chính thức, thiếu bền vững nhiều năm qua vẫn chưa được cải thiện đáng kể, đặc biệt trong giai đoạn đại dịch COVID-19 bùng phát (2020-2021), lượng người làm việc phi chính thức mất việc, mất nguồn thu nhập tăng lên đáng kể.

Phương pháp nghiên cứu

Tác giả thu thập số liệu thứ cấp từ các công trình nghiên cứu khoa học được công bố trên các tạp chí trong và ngoài nước có liên quan đến chủ đề nghiên cứu; ngoài ra tác giả cũng thu thập số liệu thứ cấp từ các báo cáo của Tổng cục Thống kê, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam... Số liệu thứ cấp làm cơ sở và phương pháp phân tích cho chủ đề nghiên cứu.

Tác giả sử dụng công cụ phỏng vấn kết hợp với xin ý kiến chuyên gia. Tác giả thực hiện phỏng vấn với ba chủ cơ sở sản xuất kinh doanh phi chính thức tại Hà Nội. Đồng thời, tác giả thực hiện ba cuộc phỏng các với chuyên gia là các nhà nghiên cứu về lao động, việc làm trong các trường đại học. Mục đích của cuộc phỏng vấn nhằm thảo luận về thực trạng chất lượng việc làm trong các cơ sở sản xuất kinh doanh phi chính thức tại Việt Nam, từ đó xác định và hoàn thiện thang đo (thuộc tính).

Do đó, tác giả sẽ kế thừa kết quả nghiên cứu của các nghiên cứu trước và điều chỉnh, bổ sung một số thang đo của chất lượng việc làm trong các cơ sở sản xuất kinh doanh phi chính thức tại Việt Nam, cho phù hợp với lĩnh vực nghiên cứu (Bảng 1).

Thảo luận và hàm ý quản trị

Mặc dù việc mở rộng sự tham gia vào bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với lao động làm việc ở khu vực phi chính thức vẫn còn là thách thức, song các chính sách về bảo hiểm xã hội tự nguyện cần được sửa đổi, bổ sung về mức đóng để người nông dân và lao động làm việc trong khu vực phi chính thức có đủ khả năng tài chính tham gia.

Theo Castel và cộng sự (2011), khả năng tham gia là nguyên nhân chính của khoảng cách về diện bao phủ của bảo hiểm y tế. Có hai loại chính sách có thể giúp tăng sự sẵn sàng tham gia mua bảo hiểm y tế của người lao động và chủ sử dụng lao động, bao gồm: (i) Các chính sách nhằm mở rộng độ bao phủ của bảo hiểm thông qua đăng ký kinh doanh và người lao động, đặc biệt là ở cấp cá nhân; (ii) Cần xây dựng các chính sách nhằm đáp ứng mức độ hài lòng của những người tham gia bảo hiểm y tế. Việc giảm các chi phí phát sinh khi tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ và việc dỡ bỏ các rào cản để sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ở tuyến cao hơn của các lao động ở khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm y tế sẽ giúp tăng các lợi ích mà bảo hiểm y tế đem lại. Sẽ dễ dàng hơn nếu mở rộng độ bao phủ của bảo hiểm y tế thông qua việc đăng ký kinh doanh và lao động hơn là thông qua cấp cá nhân.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê (2022), hầu hết lao động phi chính thức không có bảo hiểm xã hội (97,9%), chỉ có 0,2% được đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, còn lại 1,9% đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện. Trong khi đó, tỷ lệ lao động chính thức có bảo hiểm xã hội bắt buộc lại rất cao (80,5%). Hiện nay, các giải pháp truyền thông trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội tự nguyện đang được thực hiện rất mạnh mẽ nhưng chưa đạt được hiệu quả.

Bên cạnh đó, tính đến hết tháng 6/2022, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trên toàn quốc chỉ đạt 58,1% kế hoạch đề ra của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, giảm 126.045 người (tỷ lệ giảm khoảng 8,7%) so với cùng kỳ 2021 (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, 2022). Vì vậy, cần đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, đảm bảo tính đồng bộ khi triển khai. Bảo hiểm xã hội các tỉnh có thể tiến hành tuyên truyền, tư vấn trực tiếp theo từng nhóm đối tượng tiềm năng. Từ đó đưa ra hình thức tư vấn phù hợp về phương thức và thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện. Bên cạnh đó, tích cực truyền thông về chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện thông qua mạng xã hội như Zalo, Facebook... để vận động người lao động khu vực phi chính thức đăng ký tham gia. Phối hợp tuyên truyền chương trình bảo hiểm xã hội tự nguyện với các chương trình mục tiêu khác như: chương trình việc làm, chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực phi chính thức (Phạm Thị Bích Duyên và Phạm Thị Kiều Khanh, 2022). Theo Đào Phú Cường và cộng sự (2011), việc thúc đẩy cải thiện điều kiện làm việc cần có sự tham gia của chính quyền địa phương cũng như các cơ quan, đơn vị liên quan và sự tham gia của người sử dụng lao động và người lao động.

Sự phát triển của khu vực kinh tế phi chính thức đã đóng góp một phần vào tốc độ tăng trưởng của toàn nền kinh tế. Khi các điều kiện tham gia vào khu vực chính thức chưa được đáp ứng, khó khăn về thủ tục pháp lý, nguồn vốn và nguồn nhân lực còn hạn chế, quy mô sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, địa điểm không cố định, các cá nhân và hộ gia đình có xu hướng làm việc và hoạt động trong khu vực kinh tế phi chính thức. Ngày nay, cùng với sự hỗ trợ của khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, nhiều hình thức hoạt động phi chính thức mới hình thành như hoạt động bán hàng trực tuyến, hoạt động kinh doanh trên nền tảng công nghệ (xe ôm công nghệ, giao hàng công nghệ…), hoạt động nghệ thuật, giải trí trên nền tảng công nghệ đã trở thành một phương thức hoạt động mới mang lại việc làm và thu nhập cho hàng nghìn lao động trong nền kinh tế, đóng góp vào tốc độ tăng chung của nền kinh tế (Vũ Trọng Nghĩa, 2021).

Khu vực kinh tế phi chính thức ở Việt Nam vẫn đang có xu hướng tăng trong tiến trình tăng trưởng kinh tế và có xu hướng tồn tại phổ biến ở khu vực nông thôn hơn thành thị. Điều này cho thấy khu vực kinh tế phi chính thức ở Việt Nam vẫn sẽ là một phần không thể tách rời của nền kinh tế trong tương lai. Tuy nhiên, năng suất lao động của khu vực này thấp hơn đáng kể so với khu vực kinh tế chính thức sẽ là thách thức lớn trong quá trình vượt qua “bẫy thu thập trung bình” và cải thiện chất lượng cuộc sống của phần lớn lao động Việt Nam trong thời gian tới. Do đó, cần có nhận thức và chính sách can thiệp, hỗ trợ thực sự, kịp thời và đúng mức tới khu vực kinh tế phi chính thức từ Nhà nước. Bên cạnh đó, người dân cũng cần chủ động phát triển bản thân bằng cách đầu tư cho giáo dục nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật để tiến tới sản xuất kinh doanh chuyên nghiệp, khoa học hơn, chuyển dịch sang khu vực kinh tế chính thức (Vũ Trọng Nghĩa, 2021).

Trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã có những biện pháp hữu hiệu để phát triển kinh tế, giải bài toán chính thức hóa lao động trong các cơ sở sản xuất kinh doanh phi chính thức nhằm đảm bảo việc làm bền vững, có chất lượng cao hơn cho người lao động nhưng tình trạng người lao động bị buộc phải làm các công việc trong các cơ sở sản xuất kinh doanh phi chính thức, thiếu bền vững vẫn chưa được cải thiện đáng kể; đặc biệt trong 2 năm 2020-2021, dưới sự tác động mạnh của đại dịch COVID 19 người lao động mất việc hoặc công việc chính không đảm bảo cuộc sống tăng đáng kể, từ đó buộc họ phải làm việc trong các cơ sở sản xuất kinh doanh phi chính thức.

Trong thời gian tới, Chính phủ cần tạo thêm việc làm bền vững để đảm bảo lao động phi chính thức duy trì được công việc, từ đó góp phần làm giảm chênh lệch tiền lương trong nhóm lao động phi chính thức và giữa đối tượng này với lao động chính thức. Khi có được các công việc bền vững, lao động phi chính thức sẽ ít bị ảnh hưởng bởi tính bấp bênh của các công việc đang đảm nhận, thu nhập của họ dần được cải thiện. Ngoài ra, việc cung cấp nhiều việc làm trong khu vực chính thức cũng là điều cần thiết để làm tăng tiền lương cho những người có thu nhập thấp, cân đối lại phân phối thu nhập trên thị trường lao động (Hoàng Thị Huệ và cộng sự, 2022).

Kết luận

Việt Nam là một trong số những quốc gia có dân số đông và nền kinh tế phát triển thấp với nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh phi chính thức. Mặc dù tình trạng lao động làm việc tại các cơ sở phi chính thức có tác động khá tiêu cực đến thu nhập, an toàn và sức khỏe của người lao động nhưng đôi khi họ vẫn phải làm việc vì cuộc sống mưu sinh. Kết quả nghiên cứu cho thấy, chất lượng việc làm trong các cơ sở sản xuất kinh doanh phi chính thức tại Việt Nam, gồm 6 thang đo (thuộc tính thành phần). Kết quả này có sự tương đồng với kết quả của các nghiên cứu trước đây. Tuy nhiên, những phát hiện mới của nghiên cứu này đó là các thang đo (thuộc tính) của Chất lượng việc làm trong các cơ sở sản xuất kinh doanh phi chính thức tại Việt Nam, đã được điều chỉnh cho phù hợp với đặc điểm của nền kinh tế sau đại dịch COVID-19 và phù hợp với thực tế hiện nay.

Tài liệu tham khảo:

  1. Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (2022), Tình hình phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (Tính đến hết tháng 6/2022), Hà Nội;
  2. Castel P., Trần Mai Oanh, Trần Ngô Minh Tâm và Vũ Hoàng Đạt (2011), Bảo hiểm y tế ở Việt Nam: Nghiên cứu trường hợp về người lao động trong khu vực phi chính thức, UNDP Vietnam, tóm tắt chính sách, Hà Nội;
  3. Phạm Thị Bích Duyên và Phạm Thị Kiều Khanh (2022), Các nhân tố ảnh hưởng đến ý định tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện của khu vực phi chính thức tại Việt Nam. Tạp chí Kinh tế và Phát triển, 304(2), 85-94;
  4. Hoàng Thị Huệ, Nguyễn Quang Huy, Phạm Thị Thục Hiền, Nguyễn Thị Thu Huyền và Phạm Ngọc Anh (2022), Ảnh hưởng của COVID-19 đến lao động phi chính thức và bất bình đẳng thu nhập tại Việt Nam. Tạp chí Kinh tế và Phát triển, 303, 13-23;
  5. Nguyễn Thị Lan Hương (2012), Xu hướng Lao động và Xã hội Việt Nam 2012; Nhà xuất bản Lao động, Hà Nội;
  6. ILO (2021), Lao động có việc làm phi chính thức ở Việt Nam: Xu hướng và các yếu tố tác động, Hà Nội;
  7. Vũ Trọng Nghĩa (2021), Tổng quan về khu vực phi chính thức ở Việt Nam. Truy cập từ https://binhphuoc.gov.vn/vi/ctk/tin-tuc/tong-quan-ve-khu-vuc-phi-chinh-thuc-o-viet-nam-401.html;
  8. Komin, W., Thepparp, R., Subsing, B., & Engstrom, D. (2020), COVID-19 and its impact on informal sector workers: a case study of Thailand. Asia Pacific Journal of Social Work and Development, 31(1-2), 80-88;
  9. Bacchetts M., E. Ekkehard and P. Juana, (2009), Globallization and informal jobs; in developing countries, ILO Publications International Labour Office CH-1211 Geneva, Switzerland.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 3/2023