Tổng cục Hải quan:
Tháo gỡ vướng mắc về hỗ trợ kiểm tra cơ sở sản xuất ngoài địa bàn quản lý
Tổng cục Hải quan vừa có Công văn số 1118/TCHQ-GSQL gửi Cục Hải quan tỉnh Kiên Giang để tháo gỡ khó khăn về kiểm tra cơ sở sản xuất, năng lực sản xuất của cơ sở sản xuất ngoài địa bàn quản lý.
Gỡ “vướng” về việc hỗ trợ kiểm tra cơ sở sản xuất ngoài địa bàn quản lý, Tổng cục Hải quan cho biết, khoản 1 Điều 62 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 41 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/04/2018 của Bộ Tài chính quy định, trường hợp tổ chức, cá nhân Việt Nam ký kết hợp đồng gia công với thương nhân nước ngoài nhưng không trực tiếp gia công mà thuê tổ chức, cá nhân khác gia công lại thì tổ chức, cá nhân ký kết hợp đồng gia công với thương nhân nước ngoài có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về cơ sở sản xuất chính của tổ chức, cá nhân để cơ quan hải quan kiểm tra khi cần thiết.
Tại điểm a khoản 2 Điều 57 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 được sửa đổi, bổ sung tại tiết a điểm 2 khoản 37 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/04/2018 của Bộ Tài chính quy định thẩm quyền ban hành Quyết định kiểm tra là Chi cục trưởng Chi cục Hải quan nơi tiếp nhận thông báo cơ sở sản xuất gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu.
Khoản 4 Điều 18 Quyết định số 1966/QĐ-TCHQ ngày 10/07/2015 của Tổng cục Hải quan quy định: Trường hợp cơ sở sản xuất đóng tại tỉnh, thành phố khác, Chi cục Hải quan quản lý tổ chức, cá nhân hoạt động gia công, sản xuất xuất khẩu do hạn chế về nguồn lực mà không cử công chức đến kiểm tra thì báo cáo Cục Hải quan tỉnh, thành phố.
Trên cơ sở báo cáo của Chi cục Hải quan, Cục Hải quan có công văn (gửi kèm thông báo cơ sở sản xuất của tổ chức, cá nhân) đề nghị Cục Hải quan tỉnh, thành phố quản lý địa bàn nơi tổ chức, cá nhân có cơ sở sản xuất do Chi cục Hải quan thuộc Cục Hải quan quản lý trong đó nêu rõ thời gian thực hiện phù hợp với quy định tại Điều 57 Thông tư số 38/2015/TT-BTC.
Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi nhận được đề nghị kiểm tra cơ sở sản xuất giao 01 Chi cục Hải quan thực hiện việc kiểm tra, lập Biên bản và gửi Biên bản cho Chi cục Hải quan quản lý tổ chức, cá nhân hoạt động gia công, sản xuất xuất khẩu để kết luận, cập nhật vào Hệ thống.
Qua kết quả tra cứu trên Hệ thống VNACCS và các quy định nêu trên thì trường hợp Công ty TNHH May xuất khẩu Việt Thành (tại TP. Cần Thơ) ký kết hợp đồng gia công với thương nhân nước ngoài nhưng không trực tiếp gia công mà thuê Chi nhánh Công ty TNHH Tổng Công ty dệt may Miền Nam Vinatex - Nhà máy may Vinatex Kiên Giang gia công lại và đã thông báo cơ sở sản xuất và cơ sở gia công lại tại Chi cục Hải quan Tây Đô (Cục Hải quan TP. Cần Thơ) thì thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra là Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Tây Đô.
Trên cơ sở các quy định trên và công văn đề nghị của Cục Hải quan TP. Cần Thơ, Cục Hải quan tỉnh Kiên Giang có văn bản thông báo thành phần đoàn kiểm tra gửi Cục Hải quan TP. Cần Thơ để ban hành quyết định kiểm tra theo quy định.
Chi cục Hải quan Rạch Giá - Cục Hải quan tỉnh Kiên Giang thực hiện việc kiểm tra cơ sở gia công lại và lập biên bản theo hướng dẫn tại Điều 18 Quyết định số 1966/QĐ-TCHQ ngày 10/7/2015 của Tổng cục Hải quan.
Liên quan đến vướng mắc về thời gian thực hiện kiểm tra cơ sở sản xuất, năng lực sản xuất, Tổng cục Hải quan cho biết, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động sản xuất trong tình hình dịch bệnh COVID-19, Cục Hải quan tỉnh Kiên Giang căn cứ đề nghị của doanh nghiệp và hồ sơ vụ việc cụ thể để xem xét thực hiện việc kiểm tra trước thời hạn quy định.