Thêm nhiều giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán
Bộ Tài chính vừa đưa ra các đề xuất về giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán nhằm tái khởi động nền kinh tế ứng phó với dịch Covid-19.
Trong báo cáo giải pháp, đề xuất để hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế ứng phó với dịch Covid-19, Bộ Tài chính đề xuất tăng hạn mức tín dụng cho ngành chứng khoán. Bên cạnh việc nới tín dụng, Bộ Tài chính còn đưa ra đề xuất cho phép doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nếu đủ điều kiện được niêm yết trên thị trường chứng khoán. Mặt khác, Bộ sẽ nghiên cứu đề xuất việc lùi thời hạn tổ chức họp đại hội đồng cổ đông thêm 3 tháng đến trước ngày 30/9.
Theo thông tin từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), hiện nay, dư nợ của ngân hàng cho vay kinh doanh chứng khoán đang ở mức độ thấp, chỉ chiếm khoảng 0,37% tổng dư nợ tín dụng (tương đương 30.452 tỷ đồng), tỷ lệ nợ xấu phát sinh từ cho vay chứng khoán rất thấp so với mặt bằng chung.
Như vậy, rủi ro từ việc cho vay kinh doanh chứng khoán đối với hệ thống ngân hàng thương mại là không lớn. Trong khi đó, mức tín dụng cho ngành chứng khoán so với mức quy định không lớn hơn 5% vốn điều lệ ngân hàng theo quy định hiện hành đang là rào cản cho dòng vốn tín dụng từ ngân hàng vào lĩnh vực này.
UBCKNN đã có đề xuất Bộ Tài chính kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu tăng hạn mức tín dụng cho vay kinh doanh chứng khoán, đồng thời áp dụng các giải pháp quản lý khác để tăng cường chất lượng tín dụng và tránh rủi ro cho hệ thống ngân hàng.
UBCKNN cho rằng, việc chuyển đổi cách quản lý nhằm bảo đảm hạn chế được rủi ro, chất lượng tín dụng cho hệ thống ngân hàng thương mại khi cho vay chứng khoán, vừa tạo điều kiện cho các ngân hàng có nhu cầu và đã hết room 5% có thể tăng hạn mức cho vay chứng khoán.
Qua đó, góp phần cải thiện sức mua, giúp ổn định thị trường chứng khoán, giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid – 19.
Liên quan đến hạn mức tín dụng cho ngành chứng khoán, theo quy định tại Khoản 3, Điều 12, Thông tư số 22/2019/TT-NHNN, tổng mức dư nợ cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được vượt quá 5% vốn điều lệ, vốn được cấp của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Trước đó, Bộ Tài chính đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán. Cụ thể, ngày 18/3, Bộ đã ban hành Thông tư số 14/2020/TT-BTC, chính thức giảm giá 9 dịch vụ và miễn hoàn toàn 6 dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán, áp dụng tại Sở giao dịch chứng khoán và Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam; ngày 7/5/2020, Thông tư số 37/2020/TT-BTC quy định mức thu, nộp phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán được Bộ Tài chính ban hành đã điều chỉnh giảm 50% hàng loạt khoản phí, lệ phí trong lĩnh vực này nhằm kịp thời hỗ trợ thị trường...
Tính đến nay, số tiền trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp chứng khoán là 160,5 tỷ đồng, qua đó thu hút thêm hơn 31.800 tài khoản giao dịch mở mới trong tháng 3 và dòng tiền mới vào thị trường khá mạnh, giúp ổn định thị trường.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã giảm thời gian xử lý hồ sơ mua cổ phiếu quỹ của doanh nghiệp từ 7 ngày xuống còn 24 giờ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp mua cổ phiếu quỹ. Theo Bộ, có 26 doanh nghiệp đăng ký mua cổ phiếu quỹ (từ 16/3 đến 15/4) với tổng khối lượng đăng ký gần 170,5 triệu cổ phiếu, tương đương 3.123 tỷ đồng, giúp các doanh nghiệp cơ cấu lại cổ đông và báo cáo tài chính.
Trong suốt thời gian bị tác động bởi dịch Covid-19, các Sở giao dịch Chứng khoán (HNX và HOSE) và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) đều được duy trì hoạt động thông suốt.