Châu Á vượt châu Âu thành thị trường thương mại điện tử lớn nhất thế giới

Theo cafef.vn

(Tài chính) Khu vực này có doanh thu 406,1 tỷ euro trong năm 2013, và tốc độ tăng 16,7% cũng nhanh hơn khu vực châu Âu.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Kết quả một báo cáo công bố hôm 17/6 cho biết, lĩnh vực thương mại điện tử của khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã lần đầu tiên vượt qua ngành mua sắm trực tuyến của châu Âu nhờ thị trường khổng lồ Trung Quốc. 

Khu vực này có doanh thu 406,1 tỷ euro trong năm 2013, và tốc độ tăng 16,7% cũng nhanh hơn khu vực châu Âu. Hai năm trước đó châu Âu đã từng vượt qua Bắc Mỹ trở thành thị trường thương mại trực tuyến lớn nhất thế giới. 

Thương mại điện tử ở châu Á đang tăng trưởng mạnh. Những thống kê mới nhất cho thấy 42% người dùng Internet là ở Châu Á. Ngày càng nhiều người tiêu dùng sử dụng điện thoại thông minh và các thiết bị di động để mua hàng hóa trực tuyến. Cùng với sự cải tiến công nghệ của các thiết bị thông minh, doanh số thương mại điện tử khu vực sẽ ngày càng tăng.

Theo hiệp hội thương mại Ecommerce Europe, thị trường châu Âu tăng 16% năm đạt 363,1 tỷ euro năm 2013, và dự kiến sẽ đạt doanh thu 425,5 tỷ euro trong năm nay. 

Năm 2013, bán hàng trực tuyến cho người tiêu dùng ở châu Âu đạt trị giá 276,5 tỷ euro, chiếm 87,6% tổng bán hàng ở châu Âu, theo báo cáo mang tên European B2C E-commerce Report 2014. Trong khi đó, bán hàng xuyên biên giới ở châu Âu vẫn thấp chỉ chiếm 12%, theo số liệu của Ủy ban châu Âu (EC). EC mong muốn tăng tỷ lệ này lên 20% vào năm 2020 như một phần của mục tiêu Chương trình kỹ thuật số (Digital Agenda). 

Theo Ecommerce Europe, kinh tế internet chiếm khoảng 2,2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trị giá 16,4 nghìn tỷ euro của châu Âu năm 2013. Tỷ lệ này dự kiến tăng gấp đôi vào năm 2016 và 2020. Số lượng website mua sắm trực tuyến đã tăng lên 650.000 vào cuối 2013. Ecommerce Europe ước tính số lượng này sẽ tăng khoảng 15 – 20% mỗi năm và cho biết có khoảng 3,7 tỷ gói hàng được chuyển tới khách hàng châu Âu mỗi năm. 

Wijnand Jongen, Chủ tịch ủy ban điều hành của Ecommerce Europe, nhận định: “Đến cuối năm 2016, chúng tôi tin rằng doanh thu thương mại trực tuyến B2C ở châu Âu sẽ tăng lên khoảng 625 tỷ euro, nhờ chi tiêu mua sắm qua mạng tăng ở cả những nước phát triển cũng như số lượng người tiêu dùng trực tuyến ở các nước đang phát triển”. 

Theo ông Jongen, trong khi sự nổi lên của thị trường Trung Quốc đang thu hút sự chú ý, với những công ty tầm cỡ quốc tế như Alibaba của Jack Ma, thị trường Trung Quốc cũng tạo những cơ hội cho ngành kinh doanh trực tuyến châu Âu.

Bắc Mỹ, bao gồm Mỹ và Canada, trước đây là thị trường lớn nhất thế giới. Song bởi đã phát triển đến mức bão hòa nên khu vực này còn ít “room” để tăng trưởng hơn so với châu Âu và châu Á TBD. Thị trường Bắc Mỹ đạt trị giá 333,5 tỷ euro năm 2013, tăng 6% so với năm 2012. 

Thị trường Trung Đông và Bắc Phi (MENA) đang có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất, tiếp đến là Mỹ latinh – nơi có tăng trưởng 24,6% đạt 37,9 tỷ euro. 

Anh, Đức và Pháp là ba nước có doanh thu thương mại trực tuyến lớn nhất châu Âu với lần lượt 107,1 tỷ euro, 63,4 tỷ euro và 51,1 tỷ euro. Hiện 3 quốc gia này chiếm gần 2/3 toàn thị trường châu Âu (61%) và hơn 2/3 thị trường Liên minh châu Âu (EU). 

Với doanh thu 177,7 tỷ euro, Tây Âu – Anh, Pháp, các nước Benelux và Ireland – chiếm gần một nửa toàn thị trường thương mại điện tử châu Âu. 

Trung Âu, bao gồm cả Đức, Áo, Thụy Sỹ và Ba Lan, là thị trường lớn thứ 2 với doanh thu 93,2 tỷ euro. 

Các nước mới nổi ở Nam, Trung Nam và Đông Âu tăng trưởng chậm hơn, song cũng đang tăng tốc. Với tiềm năng khổng lồ ở những thị trường này dự kiến sẽ còn phát triển rất mạnh trong tương lai. 
Đông Âu, dẫn đầu là Nga, có tăng trưởng 47,4%, đem lại doanh thu 19,3 tỷ euro. Nam Âu, bao gồm Tây Ban Nha, Italia, Bồ Đào Nha, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, chiếm 40,8 tỷ euro, chiếm 11,2% thị trường thương mại trực tuyến châu Âu. 

Thụy Điển, Đan Mạch, Nauy, Iceland và các nước Baltic đứng hàng thứ 4, với 32 tỷ euro, chiếm 8,8% thị phần.