Châu Âu muốn doanh nghiệp lớn tăng cường trách nhiệm giải trình

Theo daibieunhandan.vn

Ủy ban châu Âu, cơ quan hành pháp của Liên minh châu Âu (EU) vừa đề xuất một dự thảo Chỉ thị mới (dự luật), yêu cầu các công ty lớn nhất hoạt động trong khối kiểm tra chuỗi cung ứng của họ để tìm các vấn đề môi trường, đồng thời ngăn ngừa, giảm thiểu hoặc chấm dứt tác động tiêu cực mà hoạt động của họ gây ra đối với môi trường.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Bảo vệ quyền con người và môi trường

Đề xuất nhằm thúc đẩy hành vi bền vững và có trách nhiệm của doanh nghiệp trong suốt chuỗi giá trị toàn cầu. Theo liên minh lá cờ xanh, các công ty đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng một nền kinh tế và xã hội bền vững.

Họ sẽ được yêu cầu xác định và khi cần thiết, ngăn chặn, chấm dứt hoặc giảm thiểu các tác động tiêu cực trong hoạt động của mình đối với quyền con người, chẳng hạn như lao động trẻ em, lao động cưỡng bức, và đối với môi trường, ví dụ như ô nhiễm hay mất đa dạng sinh học.

Giới chức EU tin rằng, đối với doanh nghiệp, những quy định mới sẽ mang lại sự chắc chắn về mặt pháp lý và sân chơi bình đẳng. Trong khi đó, đối với với người tiêu dùng và nhà đầu tư, chúng sẽ mang lại sự minh bạch hơn. EU đã đặt mục tiêu này vào trọng tâm của quá trình phục hồi toàn diện, bền vững sau đại dịch COVID-19.

Thực tế, một số quốc gia thành viên EU đã đưa ra các quy tắc quốc gia về trách nhiệm giải trình, trong khi một số doanh nghiệp thực hiện các biện pháp theo sáng kiến của riêng họ. Tuy nhiên, EU tin rằng cần có cải tiến quy mô lớn hơn mà khó có thể đạt được bằng hành động tự nguyện. Chính vì thế, đề xuất mới sẽ giúp thiết lập nghĩa vụ thẩm định tính bền vững của doanh nghiệp nhằm giải quyết các tác động tiêu cực đến nhân quyền và môi trường.

Cụ thể, theo Chỉ thị được đề xuất về trách nhiệm giải trình bền vững của doanh nghiệp, tất cả các công ty trách nhiệm hữu hạn của EU có quy mô và sức mạnh kinh tế lớn (nhóm 1), có trên 500 lao động và đạt hơn 170 triệu USD ( khoảng 150 triệu euro) doanh thu ròng trên toàn thế giới, sẽ phải thực hiện thẩm định hàng năm nhằm bảo đảm các nhà cung cấp của họ không làm tổn hại đến môi trường hoặc sử dụng trẻ em, bóc lột lao động.

Một nhóm công ty khác (nhóm 2), với hơn 250 lao động và hơn 45 triệu USD (khoảng 40 triệu euro) doanh thu, hoạt động trong các lĩnh vực có tác động cao như dệt may, nông nghiệp và khai thác khoáng sản, cũng sẽ phải thực hiện trách nhiệm giải trình như vậy. Đối với các công ty thuộc nhóm này, các quy định sẽ được áp dụng bắt đầu sau 2 năm, muộn hơn nhóm công ty đầu tiên. Nói chung, đề xuất trên sẽ không ảnh hưởng đến 99% các công ty của EU, vì các doanh nghiệp vừa và nhỏ không trực tiếp thuộc phạm vi của Chỉ thị. Tuy nhiên, nó sẽ ảnh hưởng đến khoảng 13.000 công ty lớn và có ảnh hưởng của khối, cũng như khoảng 4.000 công ty ngoài EU có hoạt động tại đây.

Ủy ban châu Âu cho biết, “các công ty có nghĩa vụ thẩm định để xác định, chấm dứt, ngăn chặn, giảm thiểu và giải trình các tác động tiêu cực đến nhân quyền và môi trường trong hoạt động của chính họ, các công ty con và chuỗi giá trị. Ngoài ra, một số công ty lớn cần có kế hoạch bảo đảm rằng chiến lược kinh doanh của họ tương thích với việc hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C theo Thỏa thuận Khí hậu Paris. Các giám đốc được khuyến khích đóng góp vào các mục tiêu bền vững và giảm thiểu biến đổi khí hậu”.

Đề xuất đã đưa ra nhiệm vụ của các giám đốc trong việc thiết lập và giám sát việc thực hiện trách nhiệm giải trình và tích hợp nó vào chiến lược của công ty. Ngoài ra, khi hoàn thành nghĩa vụ hành động vì lợi ích cao nhất của công ty, các giám đốc phải tính đến các quyết định của mình về nhân quyền, biến đổi khí hậu và hậu quả môi trường.

“Với những quy tắc này, chúng tôi muốn bảo vệ quyền con người và dẫn đầu quá trình chuyển đổi xanh”, Ủy viên Tư pháp EU Didier Reynders cho biết trong một tuyên bố của khối.

Bảo đảm tuân thủ đầy đủ cam kết quốc tế

Đề xuất mới đặt mục tiêu bảo vệ hiệu quả hơn các quyền con người được đưa vào các công ước quốc tế. Ví dụ, người lao động phải được tiếp cận với các điều kiện làm việc an toàn và lành mạnh. Tương tự, nó sẽ giúp tránh tác động xấu đến môi trường trái với các công ước môi trường chính. Các công ty trong phạm vi sẽ cần thực hiện các biện pháp thích hợp, xét về mức độ nghiêm trọng và khả năng xảy ra các tác động khác nhau, hay cần thiết phải đặt ra các ưu tiên.

Các cơ quan hành chính quốc gia do các quốc gia thành viên chỉ định sẽ chịu trách nhiệm giám sát những quy tắc mới này, đồng thời có thể đặt ra mức phạt tiền trong trường hợp không tuân thủ. Ngoài ra, nạn nhân sẽ có cơ hội khởi kiện những thiệt hại mà lẽ ra có thể tránh được bằng các biện pháp thẩm định thích hợp.

Đề xuất cũng sẽ hỗ trợ tất cả các công ty, bao gồm cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có thể bị ảnh hưởng gián tiếp. Các biện pháp bao gồm việc phát triển các trang web, nền tảng hoặc cổng thông tin riêng hoặc chung, hay hỗ trợ tài chính tiềm năng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Để cung cấp hỗ trợ cho các công ty, Ủy ban châu Âu có thể áp dụng hướng dẫn, bao gồm cả về các điều khoản hợp đồng mẫu. Ủy ban cũng có thể bổ sung hỗ trợ của các quốc gia thành viên bằng nhiều biện pháp mới, bao gồm cả việc giúp đỡ các công ty ở các nước thứ ba.

Mục đích của đề xuất mới là bảo đảm rằng EU, bao gồm cả khu vực tư và công, hoạt động trên trường quốc tế tuân thủ đầy đủ các cam kết quốc tế về bảo vệ quyền con người, thúc đẩy phát triển bền vững cũng như các quy tắc thương mại quốc tế.

Được biết, nó sẽ được trình lên Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu để thông qua. Sau khi được chấp thuận, các quốc gia thành viên sẽ có hai năm để chuyển Chỉ thị thành luật quốc gia và thông báo các văn bản liên quan cho Ủy ban châu Âu.