Châu Âu vẫn dẫn đầu thế giới về tự do thương mại cởi mở

Theo TTXVN

Ngày 9/3, tại Brussels, phát biểu tại cuộc họp báo tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU), Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk nhận định châu Âu vẫn là “nhà vô địch” của tự do thương mại cởi mở và dựa trên luật lệ trong thời điểm mà xu hướng bảo hộ đang tái xuất hiện ở nhiều nơi.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Khẳng định thương mại là trung tâm của mọi sự thành công về kinh tế EU, ông Donald Tusk cho biết EU sẽ nhanh chóng thúc đẩy các cuộc đàm phán đang diễn ra - chẳng hạn như với Nhật Bản; đồng thời EU sẽ không ngần ngại áp dụng các biện pháp tự bảo vệ để chống lại các hành vi gian lận thương mại bất cứ khi nào thấy cần thiết. EU muốn thiết lập tiêu chuẩn toàn cầu cho thương mại tự do và công bằng. 

Ông cũng cho biết tại hội nghị, các nhà lãnh đạo đã hoan nghênh kết quả bỏ phiếu tích cực tại Nghị viện châu Âu về Hiệp định Thương mại và Kinh tế toàn diện EU-Canada (CETA) và mong muốn đưa hiệp định vào áp dụng tạm thời, qua đó khẳng định vị thế rõ ràng của EU trong thương mại.

Ông Tusk cũng thông báo việc lãnh đạo các nước EU thảo luận về tình hình kinh tế châu Âu với Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB). 

Hội nghị nhất trí nhận định tình hình đang trở nên tốt hơn và tình hình được cải thiện rõ rệt ở mọi quốc gia thành viên của EU - minh chứng cho thấy chiến lược kinh tế của EU đang đi đúng hướng. Vấn đề tạo việc làm đã, đang và sẽ vẫn là ưu tiên của EU, đồng thời được coi là phương tiện tốt nhất để giải quyết bất bình đẳng và phản bác lại các giả thuyết hoang đường của những người theo phong trào dân túy.

Chương trình cải cách do EU và các nước thành viên đưa ra sau cuộc khủng hoảng năm 2008 đang mang lại những kết quả tốt đẹp. 

Tại cuộc họp báo, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean Claude Juncker cho biết tăng trưởng kinh tế hiện đã quay trở lại ở cả 28 quốc gia thành viên và triển vọng đang rất đáng khích lệ đối với Khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone) nói riêng và toàn bộ EU nói chung. Thất nghiệp, mặc dù vẫn còn ở mức cao, nhưng đang là thấp nhất kể từ năm 2009. Tình trạng tài chính công được cải thiện và đầu tư, dù vẫn còn yếu, đang có xu hướng gia tăng. 

Cuối cùng, các nhà lãnh đạo châu Âu thống nhất rằng cần phải tiếp tục cải cách cơ cấu nhằm hiện đại hóa nền kinh tế, tăng cường đầu tư, lành mạnh hóa nền tài chính công.