Chế biến, xuất khẩu thủy sản: Tín hiệu vui từ các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế của Chính phủ
So với cùng kỳ, xuất khẩu thủy sản từ đầu năm đến nay tăng khá và thị trường tiêu thụ ổn định đã tác động tích cực đến phát triển sản xuất - kinh doanh. Doanh nghiệp xuất khẩu phấn khởi, an tâm đẩy mạnh sản xuất và hy vọng được tiếp sức từ các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế của Chính phủ.
Kim ngạch xuất khẩu tăng
Trong tháng 2/2022, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt trên 57 triệu USD, nâng tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm đạt hơn 115 triệu USD, bằng 12,5% kế hoạch, tăng 6,3% so với cùng kỳ. Trong đó, tôm đông đạt trên 113 triệu USD, bằng 12,7% kế hoạch, tăng 6,3% so với cùng kỳ.
Sau những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 trong năm qua, sự tăng trưởng trong những tháng đầu năm nay được xem là tín hiệu vui cho ngành Xuất khẩu thủy sản sau một thời gian dài, nhiều nhà máy phải đóng cửa tạm ngưng sản xuất vì ảnh hưởng dịch bệnh.
Thêm vào đó, việc mở cửa lại nền kinh tế theo hướng thích ứng linh hoạt và an toàn đã thúc đẩy hàng hóa phát triển, nhất là nguồn tôm nguyên liệu được cung cấp vào các nhà máy với số lượng lớn, giúp các doanh nghiệp xuất khẩu chủ động về nguồn hàng phục vụ chế biến và mạnh dạn ký kết nhiều đơn hàng mới cho năm 2022.
Bên cạnh việc tiếp tục duy trì tốt các thị trường xuất khẩu truyền thống để tăng kim ngạch xuất khẩu với các thị trường trọng điểm như: Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan... các doanh nghiệp cũng hy vọng sẽ mở rộng thêm thị trường tiêu thụ mới từ Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), giá trị xuất khẩu tôm trong năm 2022 được dự báo sẽ tăng 10% so với năm 2021, với kim ngạch xuất khẩu đạt trên 4,3 tỷ USD. Đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu tận dụng thời cơ, không ngừng mở rộng thị trường tiêu thụ.
Song, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng cần chủ động xây dựng các phương án, kế hoạch và điều chỉnh sản xuất linh hoạt theo hướng thích ứng cao, nhằm chủ động ứng phó với dịch bệnh COVID-19, hạn chế đứt gãy chuỗi sản xuất và đảm bảo cho sản xuất được duy trì.
Cần giúp doanh nghiệp tiếp cận các gói hỗ trợ
Theo các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, việc Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ tín dụng và thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế một cách kịp thời đã khiến doanh nghiệp rất phấn khởi.
Cụ thể như hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm (2022 - 2023) thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại đối với các khoản vay thương mại cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Trong đó, có phát triển thủy sản và cho vay xây dựng nhà ở cho công nhân. Đồng thời, tiếp tục thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay và giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19… cùng nhiều chính sách hỗ trợ khác.
Tuy nhiên, điều mà các doanh nghiệp xuất khẩu quan tâm chính là chính sách đã có nhưng việc tiếp cận các chính sách này có được thuận lợi và dễ dàng?! Bởi trong những năm qua, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy phát triển sản xuất - kinh doanh nhưng lại bị vướng khá nhiều các thủ tục hành chính nên doanh nghiệp không muốn tiếp cận các chính sách hỗ trợ ấy mà thực hiện theo các giao dịch thông thường. Như trong giao dịch với các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp chấp nhận vay với lãi suất thông thường cao hơn quy định thay vì được vay theo các gói hỗ trợ lãi suất nhưng quy định về thủ tục quá nhiêu khê.
Ngoài băn khoăn trong tiếp cận các chính sách hỗ trợ, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản hiện nay đã bắt đầu gặp khó khi giá nguyên vật liệu đầu vào có chiều hướng tăng theo giá xăng, dầu tăng ở mức cao. Rồi chi phí sản xuất cũng tăng cao và doanh nghiệp bị giảm lợi nhuận…
Tất cả những khó khăn này, các doanh nghiệp xuất khẩu mong được tiếp sức từ các ngành, các tổ chức tín dụng có ngay các giải pháp hỗ trợ và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Chính phủ về Chương trình phục hồi kinh tế sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 năm 2021.