Chế độ nâng lương với lao động hợp đồng tại đơn vị sự nghiệp
(Tài chính) Ông Trần Huy Lợi (huyloi87@...) làm việc tại Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng thuộc UBND huyện từ năm 2006 đến năm 2013 theo chế độ hợp đồng không xác định thời hạn, công việc chính là kỹ thuật viên điện dân dụng và công nghiệp, trình độ trung cấp, xếp lương bậc 1 hệ số lương 1,86.
Sau 8 năm làm việc ông Lợi vẫn chưa được nâng bậc lương. Ông Lợi hỏi quy định về việc nâng bậc lương đối với người làm việc theo hợp đồng lao động tại cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp của Nhà nước như thế nào?
Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời ông Trần Huy Lợi như sau:
Khoản 1, Điều 1 Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ quy định: Công việc sửa chữa, bảo trì đối với hệ thống cấp điện, cấp, thoát nước ở công sở, xe ô tô và các máy móc, thiết bị khác đang được sử dụng trong cơ quan, đơn vị sự nghiệp là loại công việc được thực hiện theo chế độ hợp đồng trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp Nhà nước.
Theo quy định tại điểm 4 Mục II Thông tư số 15/2001/TT-BTCCBCP ngày 11/4/2001 của Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) hướng dẫn thực hiện Nghị định số 68/2000/NĐ-CP, thì người thực hiện chế độ hợp đồng tại đơn vị sự nghiệp công lập được áp dụng bảng lương hành chính do Nhà nước quy định để xếp lương theo ngạch; được nâng bậc lương theo thâm niên quy định; được hưởng các chính sách về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội…
Về chế độ nâng bậc lương thường xuyên, theo quy định tại điểm b2, khoản 1, Điều 7 Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ thì, thời gian giữ bậc theo ngạch loại B, loại C của bảng 2, bảng 3 và nhân viên thừa hành phục vụ xếp lương theo bảng 4 được thực hiện như sau: Cứ sau 2 năm (đủ 24 tháng) giữ bậc lương trong ngạch được xét nâng lên một bậc lương (trừ trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ hoặc bị kỷ luật kéo dài thời gian nâng bậc lương).
Ngày 31/7/2013, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 08/2013/TT-BNV hướng dẫn chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Theo điểm c, khoản 1, Điều 1 của Thông tư này, đối tượng và phạm vi điều chỉnh bao gồm cả những người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động xếp lương theo bảng lương do Nhà nước quy định trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định hiện hành của pháp luật.
Điểm a, khoản 1, Điều 2 Thông tư này quy định: Thời gian giữ bậc để xét nâng bậc lương thường xuyên đối với các ngạch và các chức danh có yêu cầu trình độ đào tạo từ trung cấp trở xuống và nhân viên thừa hành, phục vụ: Nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh, thì sau 2 năm (đủ 24 tháng) giữ bậc lương trong ngạch hoặc trong chức danh được xét nâng một bậc lương.
Trường hợp ông Trần Huy Lợi là kỹ thuật viên trình độ trung cấp, được xếp lương ngạch viên chức loại B, Bảng lương viên chức chuyên môn nghiệp vụ trong đơn vị sự nghiệp Nhà nước ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP, hưởng lương khởi điểm bậc 1 hệ số 1,86. Trong thời gian giữ lương bậc mà ông hoàn thành nhiệm vụ, không bị kỷ luật thì đủ 24 tháng được xét nâng một bậc lương.
Nếu ông Lợi hoàn thành nhiệm vụ hàng năm, không vi phạm và bị xử lý kỷ luật, mà sau 8 năm làm việc ông chưa được nâng bậc lương lần nào, thì đơn vị nơi ông Lợi công tác đã không thực hiện đúng quy định về chế độ nâng bậc lương đối với ông.
Ông Lợi có thể trực tiếp đề nghị, hoặc thông qua tổ chức công đoàn đề nghị người đứng đầu đơn vị sự nghiệp nơi ông công tác thực hiện đúng chế độ nâng bậc lương thường xuyên đối với ông theo quy định của pháp luật.