Chỉ 20% người Việt Nam có tài khoản thẻ: Rắc rối, thiệt thòi khiến người dân "sợ" thẻ

Theo thoibaokinhdoanh.vn

(Tài chính) Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, hiện chỉ có 20% trong số 90 triệu dân Việt Nam có tài khoản thẻ tại các ngân hàng thương mại, một tỉ lệ còn rất nhỏ so với các nước trên thế giới.

Mới chỉ 20% người Việt Nam có tài khoản thẻ. Nguồn: internet
Mới chỉ 20% người Việt Nam có tài khoản thẻ. Nguồn: internet
Phải trải qua nhiều công đoạn và mất thời gian, chưa kể nhiều nơi còn bắt khách hàng đóng phí 2-3% phí hoặc hạn chế những ưu đãi… khiến không ít người ngại dùng thẻ để thanh toán mà vẫn dùng tiền mặt.

Nhờ khách… hỗ trợ thêm

Một khách hàng mua chiếc điện thoại 11 triệu đồng tại một hệ thống di động lớn tại Tp.HCM. Khi đến quầy cà thẻ, cô nhân viên tính trên hóa đơn 11,22 triệu đồng. Chị thắc mắc tại sao lại lên 220.000 đồng so với giá niêm yết thì được giải thích phải thu thêm phụ phí 2% để trả cho ngân hàng.

Thấy khách có vẻ không đồng ý, cô nhân viên phân trần: "Lẽ ra bên em phải trả phí trên, nhưng do doanh số bán hàng qua thanh toán thẻ của cửa hàng rất thấp và không đủ bù chi phí để đóng cho ngân hàng, nên mới nhờ khách hàng hỗ trợ thêm".

Tại nhiều siêu thị lớn ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, dù không tính phí nhưng một số nơi lại thêm quy định vô lý khác. Ví dụ, nếu cà thẻ thay vì trả tiền mặt nghiễm nhiên không được hưởng các chương trình khuyến mại và những hình thức chiết khấu thanh toán khác của siêu thị. Chưa kể, nhiều khách hàng cảm thấy phiền hà do khâu thanh toán bằng thẻ hiện nay rắc rối và làm mất thời gian hơn trả tiền mặt.

Theo quy định thanh toán không dùng tiền mặt, chủ thẻ có quyền sử dụng thẻ để thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ mà không bị phân biệt giá so với thanh toán bằng tiền mặt, không phải trả thêm tiền hoặc thu phí. Trường hợp đơn vị chấp nhận thẻ nâng giá hàng hóa, dịch vụ hoặc phân biệt giá khi nhận thanh toán bằng thẻ so với thanh toán bằng tiền mặt hoặc yêu cầu trả thêm phụ phí… thì chủ thẻ có quyền khiếu nại, yêu cầu tổ chức phát hành thẻ tra soát.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều tổ chức, cá nhân vẫn "phớt lờ" quy định trên, trong giao dịch vẫn thu thêm của khách hàng phụ phí giao dịch thẻ (khoảng 2%) trong các thanh toán hàng hóa. Khi người tiêu dùng thắc mắc về khoản phí này thì các chủ cửa hàng giải thích: Ngân hàng thu phí của điểm chấp nhận thẻ quá cao nên để bù lại, họ thu phí cà thẻ từ người mua hàng hóa.

Theo một số ngân hàng, do chủ thẻ Visa, MasterCard… thanh toán tiền mua hàng bằng tiền vay của ngân hàng, không trả lãi suất trong vòng 45 ngày nên ngân hàng không sinh lời trong khoản thời gian này. Trong khi đó, ngân hàng đã kết nối với các tổ chức thẻ quốc tế, Công ty cổ phần Dịch vụ thẻ SmartLink, Công ty cổ phần Chuyển mạch tài chính quốc gia Việt Nam (Banknetvn) và phải chi trả một khoản phí cho các đầu mối này.

Đại diện Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước cho biết, đây là thực tế và cũng là thách thức của cơ quan quản lý trong việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam. Vấn đề là bản thân các cửa hàng, các điểm bán hàng chưa thực sự hiểu những thuận lợi từ việc chấp nhận thanh toán thẻ. "Người dân nên từ chối không mua hàng tại những đơn vị như vậy. Điều này sẽ khiến các điểm bán hàng tự hiểu, việc thu phụ phí là mất khách hàng", vị đại diện ngân hàng nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hữu Phúc, Giám đốc Trung tâm thẻ Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), giải thích thêm: Điểm bán hàng có thể phải trả một ít phí nhưng ngược lại, họ sẽ được tăng doanh số bán hàng nhờ nguồn khách lớn và ổn định do ngân hàng cung cấp, đặc biệt là khách hàng thẻ tín dụng được nhà băng cấp hạn mức tiêu dùng để kích cầu.

Sợ công khai doanh thu

Những bất cập trên tuy không quá lớn nhưng cũng làm nhiều người nản lòng và quyết định chọn phương thức thanh toán bằng tiền mặt. "Ở cửa siêu thị nào cũng có sẵn ATM, tôi thường rút tiền mặt rồi vào thanh toán, vừa nhanh lại không bị thiệt", một khách hàng mua sắm tại một siêu thị ở Hà Nội cho biết.

Đó là chưa kể nhiều người vì chủ quan không mang theo tiền mặt trong khi nhiều trung tâm thương mại lớn, cửa hàng thời trang, điện thoại lớn nhưng lại không có dịch vụ thanh toán bằng thẻ nên đã phải chạy "tất tưởi" ra ngoài đi tìm máy ATM.

Đại diện một siêu thị lớn ở TP. Hồ Chí Minh thừa nhận dù đã kết nối với các ngân hàng, khách có thể thanh toán qua thẻ nhưng rất ít người mặn mà (doanh số chỉ chiếm vài %). Vị này cho rằng một phần là do thói quen dùng tiền mặt trong mua sắm, chi tiêu đang rất phổ biến. Ngoài ra, còn do tâm lý nhiều người ngại phiền hà, rắc rối hoặc mất thời gian vì phải chờ ký vào hóa đơn thanh toán khi cà thẻ.

Một vị Phó Tổng giám đốc ngân hàng lớn cũng từng nói thẳng, hiện một số đơn vị kinh doanh không muốn chấp nhận thẻ một phần do phải trả phí ngân hàng, một phần là phải công khai doanh thu. Vì thế, một số nơi dù đã ký hợp đồng chấp nhận thẻ với ngân hàng nhưng vẫn tìm nhiều cách hạn chế các giao dịch bằng thẻ của khách như để máy cà thẻ vào nơi khuất, ưu tiên khách hàng trả tiền mặt…

Để giải quyết tình trạng chủ cửa hàng thu phí qua giao dịch bằng thẻ, mới đây, NHNN đã ban hành quy chế phát hành, thanh toán, sử dụng và cung cấp dịch vụ hỗ trợ hoạt động thẻ. Theo đó, nếu ngân hàng phát hiện chủ cửa hàng thu phí thì phải dừng ký hợp đồng thanh toán thẻ trong thời hạn 1 năm. Trường hợp chủ cửa hàng tái phạm thì không được phép ký hợp đồng thanh toán thẻ 3 –5 năm.

Đặc biệt, NHNN đề nghị bổ sung quy định xử phạt từ 30 – 50 triệu đồng đối với hành vi phân biệt giá trong thanh toán thẻ, thu phí từ chủ thẻ đối với các giao dịch thanh toán không đúng quy định pháp luật.

Trường hợp đơn vị chấp nhận thẻ vi phạm quy định này, tổ chức thanh toán thẻ chấm dứt hợp đồng và yêu cầu đơn vị chấp nhận thẻ bồi thường thiệt hại hoặc áp dụng các biện pháp thích hợp khác theo điều khoản cam kết giữa hai bên.