Chi ngân sách cho bảo vệ môi trường luôn cao hơn số thuế thu được

Ánh Trang

Trên thực tế, thời gian qua, chi ngân sách nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ môi trường (BVMT) luôn cao hơn số thuế BVMT thu được.

Thời gian qua, chi ngân sách nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ môi trường (BVMT) luôn cao hơn số thuế BVMT thu được.
Thời gian qua, chi ngân sách nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ môi trường (BVMT) luôn cao hơn số thuế BVMT thu được.

Bộ Tài chính cho biết, giai đoạn 2012-2017, số thu từ thuế BVMT liên tục tăng ổn định qua các năm (tổng số thu thuế BVMT năm 2012 là khoảng 11.160 tỷ đồng, năm 2013 là khoảng 11.512 tỷ đồng, năm 2014 là khoảng 11.970 tỷ đồng, năm 2015 là khoảng 27.020 tỷ đồng, năm 2016 là khoảng 44.323 tỷ đồng và năm 2017 là khoảng 44.825 tỷ đồng), chiếm tỷ trọng khoảng 1,36%-4,27% tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) và chiếm khoảng 0,34%-0,98% trên GDP hàng năm.

Trong đó, số thu thuế BVMT đối với nhóm xăng dầu, than đá chiếm chủ yếu (khoảng 99%) trong tổng số thu thuế BVMT qua các năm, góp phần chuyển dịch cơ cấu thu NSNN theo hướng bền vững, tăng tỷ trọng thu nội địa từ 59% (giai đoạn 2006-2010) lên 68% (giai đoạn 2011-2015), đến năm 2015 chiếm 74% tổng thu NSNN, theo đúng định hướng Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2020 là tăng dần tỷ trọng nguồn thu trong nước.

Tại Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến tham gia của các bộ, ngành, địa phương và tổ chức, cá nhân về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về biểu thuế BVMT, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định của Luật NSNN, tất cả nguồn thu từ thuế, trong đó có thuế BVMT đều tập trung vào NSNN và được phân bổ chi cho việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo dự toán Quốc hội quyết định hàng năm, trong đó có chi cho BVMT.

Trên thực tế, nhiều năm nay, chi NSNN để thực hiện các nhiệm vụ BVMT luôn cao hơn số thuế BVMT thu được. Tổng chi NSNN cho các nhiệm vụ BVMT giai đoạn 2012- 2016 (chưa tính chi các hoạt động kinh tế, chi đầu tư phát triển, chi dự phòng của ngân sách địa phương cho các nhiệm vụ BVMT và các khoản vay, viện trợ chi trực tiếp cho dự án về BVMT không đưa vào NSNN) vào khoảng 131.857 tỷ đồng, bình quân khoảng 26.371 tỷ đồng/năm, cao hơn số thu thuế BVMT giai đoạn 2012-2016 (số thu thuế BVMT giai đoạn 2012-2016 theo báo cáo trên là 105.985 tỷ đồng, bình quân 21.197 tỷ đồng).

Với phương án đề xuất điều chỉnh tăng thuế BVMT đối với 11 mặt hàng theo dự thảo Nghị quyết thì tổng số thu thuế BVMT dự kiến khoảng 57.312 tỷ đồng/năm, sẽ tăng thêm khoảng 15.684,2 tỷ đồng/năm. Cùng với số thu thuế BVMT tăng lên, số thu thuế giá trị gia tăng đối với các hàng hóa này cũng sẽ tăng lên khoảng 1.568,4 tỷ đồng. Khi đó, tổng số thu NSNN dự kiến tăng lên khoảng 17.252,6 tỷ đồng/năm.

Như vậy, bên cạnh việc góp phần hạn chế việc sử dụng các hàng hóa gây ô nhiễm với môi trường, khuyến khích việc sản xuất, tiêu dùng các hàng hóa thân thiện với môi trường, việc điều chỉnh tăng mức thuế BVMT đối với các loại hàng hóa sẽ góp phần tạo thêm nguồn thu để thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, trong đó có các nhiệm vụ chi cho BVMT.

Theo ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế), thu thuế BVMT là một trong những công cụ tài chính để xử lý, khắc phục những tổn hại về môi trường. NSNN là ngân sách tập trung, các khoản thu đều tập trung về một mối và chi tiêu theo chương trình của Chính phủ, được Quốc hội phê duyệt. Do đó, không phải thu khoản nào là phải chi hết cho khoản đó. Thuế BVMT cũng vậy, không phải thu thuế BVMT chỉ để chi cho BVMT.

Cùng quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cũng khẳng định, trong bối cảnh hiện nay, để đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, yêu cầu BVMT ngày càng cao, thì thuế BVMT là một khoản thu được tổng hợp chung vào NSNN phục vụ cho các nhiệm vụ chi của Nhà nước, trong đó có chi cho BVMT. Vì vậy, nguồn thu này góp phần giúp Nhà nước có thêm nguồn lực để tăng cường chi cho BVMT và góp phần vào thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về BVMT.