Chi phí được trừ đối với khoản trích lập dự phòng giảm giá tài sản thế chấp

Theo mof.gov.vn

Sau khi nhận được ý kiến của Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam phản ánh vướng mắc về chi phí được trừ đối với khoản trích lập dự phòng giảm giá tài sản nhận thế chấp, Cục Thuế TP. Hà Nội đã có hướng dẫn cụ thể tại Công văn 58113/CT-TTHT.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo Cục Thuế TP. Hà Nội, căn cứ vào Khoản 2.19 Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/06/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn, các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm: Trích, lập và sử dụng các khoản dự phòng không theo đúng hướng dẫn của Bộ Tài chính về trích lập dự phòng: Dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính, dự phòng nợ phải thu khó đòi, dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hoá, công trình xây lắp và dự phòng rủi ro nghề nghiệp của doanh nghiệp thẩm định giá, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kiếm toán độc lập.

Phụ lục số 2 Hệ thống tài khoản kế toán áp dụng cho công ty chứng khoán (Ban hành kèm theo Thông tư số 334/2016/TT-BTC ngày 27/12/2016 của Bộ Tài chính về sửa đổi, bổ sung và thay thế phụ lục 02 và 04 của Thông 210/2014/TT-BTC ngày 30/12/2014 hướng dẫn kế toán áp dụng đối với công ty chứng khoán) quy định: Tại khoản 5, khoản 8 Tài khoản 129 “Dự phòng suy giảm giá trị tài sản tài chính và tài sản nhận thế chấp”.

Tài khoản này phản ánh số hiện có và tình hình biến động tăng, giảm các khoản dự phòng tổn thất về tài sản tài chính và tài sản nhận thế chấp đảm bảo đối với khoản cho vay (nếu có) của công ty chứng khoán theo quy định của pháp luật chứng khoán. Cụ thể:

Khi giá trị của tài sản nhận thế chấp bị giảm thấp hơn giá trị khoản cho vay của công ty chứng khoán tính theo giá trị thị trường hoặc giá trị hợp lý (Theo thỏa thuận hoặc cam kết tại Hợp đồng vay có tài sản thế chấp) thì phải lập dự phòng giảm giá tài sản nhận thế chấp.

Mức lập dự phòng giảm giá tài sản nhận thế chấp được xác định bằng chênh lệch giữa giá trị tài sản thuần tính theo giá thị trường hoặc giá trị hợp lý và giá trị khoản cho vay tính theo giá trị thị trường hoặc giá trị hợp lý theo thỏa thuận hoặc cam kết tại Hợp đồng vay có tài sản thế chấp đã ghi nhận trên sổ kế toán.

Phần II Thông tư số 228/2009/TT-BTC ngày 07/12/2009 của Bộ Tài chính về hướng dẫn chế độ trích lập và sử dụng các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tổn thất các khoản đầu tư tài chính, nợ phải thu khó đòi và bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây lắp tại doanh nghiệp quy định về trích lập và sử dụng các khoản dự phòng: “Căn cứ vào biến động thực tế về giá hàng tồn kho, giá chứng khoán, giá trị các khoản đầu tư tài chính, nợ phải thu khó đòi và cam kết bảo hành sản phẩm, hàng hóa, doanh nghiệp chủ động xác định mức trích lập, sử dụng từng khoản dự phòng đúng mục đích và xử lý theo các quy định...”

Căn cứ các quy định nêu trên, Cục Thuế TP. Hà Nội hướng dẫn, đối với khoản trích, lập và sử dụng các khoản dự phòng giảm giá tài sản thế chấp trong kỳ kế toán, nếu các khoản trích, lập dự phòng đáp ứng đủ các điều kiện quy định về trích, lập và sử dụng các khoản dự phòng theo hướng dẫn của Bộ Tài chính thì được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.