Chỉ số hiệu suất và mức độ phụ thuộc trợ cấp của tổ chức tài chính vi mô

ThS. Nguyễn Thanh Huyền - Học viện Ngân hàng

@font-face { font-family: "MS 明朝"; }@font-face { font-family: "Cambria Math"; }p.MsoNormal, li.MsoNormal, div.MsoNormal { margin: 6pt 0cm 0.0001pt; text-align: justify; text-indent: 36pt; font-size: 14pt; font-family: "Times New Roman"; }.MsoChpDefault { font-size: 14pt; }div.WordSection1 { } Nghiên cứu này đánh giá mức độ tự vững về tài chính của các tổ chức tài chính vi mô tại Việt Nam thông qua việc tính toán và phân tích chỉ số về hiệu suất và mức độ phụ thuộc trợ cấp tại 2 tổ chức tài chính vi mô tiêu biểu cho nhóm tổ chức tài chính vĩ mô chính thức và phi chính thức của Việt Nam. Số liệu sử dụng trong quá trình tính toán được thu thập từ kho dữ liệu Mix Market, ngân hàng dữ liệu điện tử của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và báo cáo thường niên của Tổ chức tài chính vi mô TNHH Quỹ Tình Thương - TYM và Quỹ Hỗ Trợ vốn cho người nghèo - CEP trong giai đoạn từ năm 2007 đến năm 2015.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thực trạng tài chính vi mô tại Việt Nam

Hiện nay, vẫn còn nhiều khái niệm khác nhau về tài chính vi mô. Đáng chú ý, khi nói về tài chính vi mô, Giáo sư Muhammad Yunus – nhà sáng lập của Grameen Bank từng nhấn mạnh, “tài chính vi mô không phải là từ thiện mà là kinh doanh. Kinh doanh vì mục tiêu xã hội để giúp mọi người thoát nghèo”.

Sự khác biệt lớn giữa các tổ chức tài chính vi mô và các tổ chức từ thiện được thành lập để hỗ trợ những người thiệt thòi trong xã hội là tính bền vững hoặc khả năng tự vững về tài chính. Vấn đề đặt ra là để tự vững về tài chính, các tổ chức tài chính vi mô phải có thu nhập đủ để bù đắp tất cả chi phí hoạt động vốn luôn cao hơn mức chi phí trung bình tại các ngân hàng thương mại do những khó khăn trong việc kiểm soát rủi ro và quản trị khách hàng.

Cụ thể, các tổ chức tài chính vi mô bền vững thường đòi hỏi mức lãi suất cho vay cao hơn lãi suất cho vay trung bình của ngân hàng thương mại cùng khu vực, từ đó ảnh hưởng đáng kể đến tác động giảm nghèo.

Mặt khác, nếu các tổ chức tài chính vi mô lựa chọn một kế hoạch mở rộng độ phủ hay tăng nhanh số lượng khách hàng, chi phí hoạt động sẽ tăng lên. Điều này gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến sự bền vững về tài chính và khả năng thực hiện mục tiêu xã hội là giảm nghèo.

Nghiên cứu của Weiss, J., & Montgomery, H. (2005) đã chỉ ra sự khác biệt trong việc lựa chọn mô hình phát triển giữa các tổ chức tài chính vi mô khác nhau ở châu Á và Mỹ Latinh. Theo đó, các tổ chức tài chính vi mô ở Mỹ Latinh thường được xem như là phương tiện hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ phát triển thì ở châu Á, hoạt động của tổ chức tài chính vi mô lại luôn được coi là công cụ xóa đói giảm nghèo hiệu quả.

Với dân số 91,7 triệu người (năm 2015) và 72% dân số sống ở nông thôn, Việt Nam là một thị trường hứa hẹn cho các tổ chức tài chính vi mô. Từ năm 1995, Ngân hàng Người nghèo Việt Nam (sau là Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam) chính thức xuất hiện như một tổ chức tài chính chuyên phục vụ những đối tượng chính sách.

Chỉ số hiệu suất và mức độ phụ thuộc trợ cấp của tổ chức tài chính vi mô  - Ảnh 1
 

Từ năm 1991 và đặc biệt sau năm 1999, số lượng các tổ chức tài chính vi mô không chính thức liên tục gia tăng, giúp cải thiện mức sống của hơn 7,56 triệu người thông qua các khoản vay với giá trị trung bình khoảng 600 USD (MIX, 2015).

Về mặt pháp lý, có 2 loại nhà cung cấp dịch vụ tài chính vi mô ở Việt Nam: nhóm chính thức (bao gồm các ngân hàng, hiệp hội tín dụng và những tổ chức tài chính vi mô thành lập và hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng hoặc Luật Các tổ chức tài chính vi mô) và nhóm phi chính thức (bao gồm các tổ chức phi Chính phủ, dự án thành lập và hoạt động theo các dự án hợp tác hoặc do các tổ chức phi Chính phủ điều hành).

Nổi bật trong nhóm chính thức có Tổ chức tài chính vi mô TYM - tổ chức tài chính vi mô đầu tiên tại Việt Nam được thành lập theo Luật Các Tổ chức Tài chính vi mô năm 2005. Trong nhóm phi chính thức có CEP- nổi bật nhất nhờ quy mô vốn và lịch sử hoạt động lâu dài.

TYM là tổ chức tài chính vi mô chính thức đầu tiên tại Việt Nam do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thành lập với sứ mệnh ưu tiên cải thiện chất lượng cuộc sống của các phụ nữ nghèo, yếu thế thông qua các dịch vụ tài chính và phi tài chính, tạo cơ hội cho phụ nữ tham gia vào các hoạt động kinh tế và xã hội, góp phần nâng cao vị thế của người phụ nữ.

Trải qua 25 năm phát triển và trưởng thành, với thành tích giúp đỡ hàng nghìn phụ nữ thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu, xây dựng mô hình vay vốn dễ dàng và phù hợp với các hộ gia đình tại các địa bàn nông thôn, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của đất nước, TYM đã vinh dự nhận được những giải thưởng cao quý do Nhà nước trao tặng. Địa bàn hoạt động chính của TYM trải rộng trên những tỉnh thành phía Bắc như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Thanh Hoá và Nghệ An.

Trong khi đó, CEP - Quỹ Hỗ trợ vốn cho lao động nghèo tự tạo việc làm là một tổ chức tài chính vi mô hoạt động lâu năm tại các tỉnh Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long với nhiệm vụ chính là nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo thông qua việc cung cấp các dịch vụ tài chính vi mô.

Năm 1991, UBND TP. Hồ Chí Minh đã cho phép Liên đoàn Lao động TP. Hồ Chí Minh chính thức thành lập “Quỹ Hỗ trợ Vốn cho người nghèo” nhằm xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa những người lao động nghèo, tạo cơ hội giảm nghèo thông qua các khoản vay để tạo thêm thu nhập và việc làm.

Đến năm 2014, CEP đã giải ngân 315.956 khoản vay cho 277.000 người thông qua 32 chi nhánh tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận là Bến Tre, Bình Dương, Đồng Nai, Đồng Tháp, Long An, Tây Ninh, Tiền Giang và Vĩnh Long. CEP còn cung cấp các dịch vụ phi tài chính cho người lao động nghèo và đảm bảo rằng tất cả khách hàng mới là thành viên nghèo nhất trong cộng đồng của họ.

Quy mô vốn vay trung bình là 567 USD với 75% khách hàng vay CEP là phụ nữ. Năm 2014, 42% các khoản cho vay CEP được sử dụng để làm vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh, 14% cho vay cải thiện nhà ở và vệ sinh, 15% vốn vay cho chăn nuôi và 29% các khoản cho vay, dịch vụ, thủ công mỹ nghệ, mua sắm tài sản sản xuất, chăm sóc y tế, học phí và trả nợ (trang web của CEP 2015).

Cơ sở lý luận và những nghiên cứu liên quan

Theo các chuyên gia tài chính, tính bền vững của tổ chức tài chính vi mô bao gồm hai mức độ, gồm: i) Sự tự vững trong hoạt động đề cập đến khả năng của các tổ chức để tạo ra doanh thu đủ để trang trải chi phí vận hành nhưng chưa phải toàn bộ chi phí, đặc biệt là phần chi phí huy động vốn; ii) Sự tự vững về tài chính được thể hiện bằng việc tổ chức tự tồn tại mà không cần đến nguồn trợ cấp, hỗ trợ tài chính từ bên ngoài. Nếu tổ chức không bền vững về mặt tài chính, nó không thể tồn tại nếu vốn đầu vào của nó thay vì hưởng lãi suất ưu đãi phải chịu lãi suất thị trường (Morduch, J. 1999).

Trong khi đó, theo nghiên cứu mới nhất về tính bền vững của các tổ chức tài chính vi mô tại Việt Nam, Nguyễn, K. A, Lê, T. T. (2013) đã sử dụng ba chỉ số: Khả năng tự vững về hoạt động (OSS), tự vững về tài chính (FSS) và tự vững về thể chế (ISS) để phân tích tính bền vững của các tổ chức tài chính vi mô tại Việt Nam và so sánh chúng với các tổ chức tài chính vi mô khác trong khu vực.

Chỉ số hiệu suất và mức độ phụ thuộc trợ cấp của tổ chức tài chính vi mô  - Ảnh 2
 

Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu trên thế giới đang sử dụng chỉ số Phụ thuộc trợ cấp (SDI) để đánh giá mức độ tự vững về tài chính của một tổ chức tài chính vi mô. SDI tính tỷ lệ doanh thu từ cho vay trên tổng dư nợ để xác định sự phụ thuộc vào trợ cấp.

Thêm nữa, chỉ số này có những giới hạn trong hàm ý chính sách bởi sự cụ thể và giới hạn của số lượng các biến. Tỷ lệ Phụ thuộc trợ cấp (SDR) được cải tiến từ SDI khi xem xét toàn bộ danh mục đầu tư thay vì chỉ có danh mục cho vay. Tuy nhiên, cả hai chỉ số này đều không tính đến nhiều thông tin quan trọng. Mức độ phụ thuộc vào trợ cấp nên được xác định bởi mức độ hiệu suất tài chính, hiệu suất sử dụng chi phí hoạt động, chi phí cơ hội của vốn, lãi suất vay và cho vay.

Do đó, một chỉ số có căn cứ rộng hơn đã được phát triển bởi Khalily, M. B., Imam, M. O. và Khan, S. A. (2000) nhằm đánh giá mức độ bền vững tài chính của hai tổ chức tài chính vi mô lớn nhất Bangladesh là Grameen Bank và Hiệp hội vì sự tiến bộ Xã hội (ASA) từ năm 1993-1997.

Dựa trên những nghiên cứu trong nước và quốc tế, tác giả sẽ tính toán chỉ số Hiệu suất và độ phụ thuộc tài trợ (ESII) theo Khalily (2000) trên hoạt động của 2 tổ chức tài chính vĩ mô TYM và CEP tại Việt Nam từ năm 2007 đến 2015 nhằm đánh giá sự bền vững tài chính của tổ chức tài chính vi mô chính thức và phi chính thức lớn nhất Việt Nam.

Phương pháp nghiên cứu và dữ liệu

Việc tính toán ESII bắt đầu từ việc mô hình hóa một tổ chức tài chính vi mô điển hình chỉ cung cấp 2 loại dịch vụ tài chính là tín dụng và tiết kiệm cho khách hàng mục tiêu. Tổ chức tài chính vi mô này huy động vốn từ 3 nguồn chính: vay từ hệ thống ngân hàng, trợ cấp từ các nhà tài trợ và tiết kiệm, được thể hiện qua công thức:

TF = B + G + MS (1)

Trong đó: TF là tổng tài sản, B là tiền vay, G là khoản tài trợ và MS là tiền gửi tiết kiệm của các thành viên.

Tổng tài sản thường được sử dụng để cho vay hoặc đầu tư nên tổng doanh thu của tổ chức tài chính vi mô được tính bằng:

TR = (r1*L) + (ri*I) + IG (2)

Trong đó: TR là tổng doanh thu, (r1 * L) và (ri * I) là thu nhập từ cho vay và đầu tư. Giả định rằng các nhà tài trợ cung cấp trợ cấp thu nhập (IG) để giúp các tổ chức tài chính vi mô bồi hoàn toàn bộ chi phí hoạt động. Để tạo ra thu nhập, tổ chức tài chính vi mô phải trả các khoản chi phí cho nhân sự (w*Emp), cho huy động từ các khoản vay (bi*B), tiền gửi tiết kiệm (di*MS), bù đắp nợ khó đòi (θ*L) và chi phí vận hành OPE.

TE = (w*Emp)+(bi*B)+(di*MS)+(θ*L)+OPE (3)

Tổng trợ cấp mà tổ chức TCVM được xác định như sau:

S = (G+EQF)*rm + (rm – bi)*B + IG (4)

Trợ cấp tổng (Gross Subsidy - S) được định nghĩa là tổng chi phí trợ cấp trực tiếp và chi phí cơ hội cho các nhà tài trợ để các tổ chức tài chính vi mô sử dụng quỹ thay vì cho cho vay thương mại (rm – bi)*B. EQF và G là khoản trợ cấp gộp từ vốn cổ phần và tài trợ; rm là lãi suất thị trường phản ánh chi phí cơ hội.

Một tổ chức tài chính vi mô có thể bền vững về tài chính nếu nó có tổng doanh thu lớn hơn cả chi phí và trợ cấp.

NS = S – (TR – TE) (5)

Với NS là trợ cấp ròng, TR là tổng doanh thu và TE là tổng chi. Nếu S lớn hơn giá trị của tổng lợi nhuận thì tổ chức đang hưởng một khoản trợ cấp ròng và ngược lại. Phương trình phân chia (5) thành (r1 * L) + (ri * I) và sau đó chia cả tử và mẫu cho (r1 * L) trước khi sắp xếp lại công thức, chỉ số Hiệu suất và mức độ phụ thuộc trợ cấp (ESII) được tính bằng:

ESII = [S/((r1*L))+((w*Emp)+(bi*B)+(di*MS)+(θ*L)+OPE)/((r1*L))-((ri*I))/((r1*L))-IG/((r1*L))]/[1+((ri*I))/((r1*L))] (6)

ESII bị ảnh hưởng bởi hiệu quả về chi phí, sự pha trộn danh mục đầu tư, lãi suất thị trường, trợ cấp gộp và mức trợ cấp. ESII cao cho thấy MFI phụ thuộc nhiều hơn vào trợ cấp. Giá trị bằng không hoặc âm của ESII tượng trưng cho sự không phụ thuộc vào trợ cấp.

Nghiên cứu này phân tích thực nghiệm về tính bền vững của TYM và CEP dựa trên những dữ liệu từ kho dữ liệu Mix market, thư viện điện tử của IMF và báo cáo tài chính thường niên của hai tổ chức tài chính vi mô trong giai đoạn 2007-2015.

Kết quả nghiên cứu và trao đổi

Hình 1 minh hoạ các kết quả tính toán ESII của CEP và TYM từ năm 2007 đến năm 2015.Nhìn chung, ESII của cả 2 tổ chức đều nhỏ hơn 0.5 và chỉ số này của CEP thường thấp hơn TYM trong suốt thời gian nghiên cứu. Điều này hàm ý là mức độ phụ thuộc ít hơn đối với trợ cấp hay hỗ trợ tài chính từ các nhà tài trợ của CEP so với TYM.

CEP giữ chỉ số này dao động quanh mức 0.25, gần như độc lập với quỹ tài trợ từ các nhà tài trợ. Trong khi ESII của TYM tăng dần từ sau khi tổ chức này chính thức trở thành một tổ chức tài chính vi mô theo văn bản pháp luật ban hành năm 2005. Đến năm 2014, tổ chức này lại giảm dần sự phụ thuộc vào vốn ưu đãi để hướng đến sự bền vững về mặt tài chính.

Trong khi đó, Bảng 1 lý giải cho sự chênh lệch về ESII giữa 2 tổ chức. CEP với tổng tài sản lớn hơn, tỷ lệ vốn tự có trên tổng vốn cũng lớn hơn TYM có tiềm lực tài chính vững vàng hơn TYM. Mặc dù, TYM đã trở thành tổ chức tài chính vi mô chính thức từ sớm và có khả năng huy động vốn thông qua việc huy động trực tiếp tiền gửi tiết kiệm từ dân cư nhưng vẫn phải chịu chi phí hoạt động cao hơn CEP.

Sự khác biệt trong mức độ hoạt động bị kiểm soát bởi Nhà nước giữa tổ chức chính thức và phi chính thức hoặc đặc trưng hoạt động khiến TYM cũng đạt được tỷ lệ lợi nhuận trên tổng tài sản thấp hơn CEP. Tất cả những nguyên nhân kể trên khiến CEP thường duy trì được mức độ tự vững về tài chính thấp hơn TYM.

Kết luận và gợi ý chính sách

Bằng việc tính toán chỉ số về hiệu suất và phụ thuộc vào trợ cấp của 2 tổ chức tài chính vi mô có độ phủ lớn nhất Việt Nam (tính đến năm 2015), nghiên cứu đã tìm thấy bằng chứng thực nghiệm chứng minh cho mô hình hoạt động của CEP tương đối bền vững hơn TYM.

Cụ thể, tổ chức tài chính vi mô chính thức TYM sau khi đạt được sự công nhận pháp lý như một tổ chức hoạt động chính thức đã có thể huy động vốn thuận lợi hơn và được hưởng nhiều vốn ưu đãi hơn từ Chính phủ và các nhà tài trợ bên ngoài. Điều này tất yếu làm tăng tính phụ thuộc vào trợ cấp, cũng chính là làm giảm khả năng tự vững về mặt tài chính của TYM.

Việc một tổ chức tài chính vi mô chính thức lại có mức độ tự vững tài chính thấp hơn một tổ chức tài chính vi mô phi chính thức là bằng chứng cho những bất cấp trong quy định pháp lý về hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô. Do vậy, trong thời gian tới, các cơ quan quản lý cần tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp lý về hoạt động tài chính vi mô.

Theo đó, những vấn đề cần được điều chỉnh trong các quy định về hoạt động tài chính vi mô có thể kể đến quy định về vốn tự có tối thiểu còn cao, quy định giới hạn lãi suất mà tổ chức tài chính vi mô có thể quyết định khi cho vay và huy động, và các quy định về những dịch vụ tài chính tổ chức tài chính vi mô được phép cung cấp ngoài tín dụng và huy động.  

Tài liệu tham khảo:

1. Armendáriz, B., & Morduch, J. (2010). The economics of microfinance. MIT press;

2. Cull, R., Demirgüç-Kunt, A., & Morduch, J. (2009). Microfinance meets the market. The Journal of Economic Perspectives, 167–192;

3. Hasan, M. M., Hassan, K. M., & Uddin, M. R. (2009). Local government investment outreach and sustainability of microfinance institutions: A case study of BURO, Bangladesh. The Journal of Social, Political, and Economic Studies, 34(3), 318–346;

4. Khalily, M. B., Imam, M. O., & Khan, S. A. (2000). Efficiency and sustainability of formal and quasi-formal microfinance programmes—an analysis of Grameen Bank and ASA. The Bangladesh Development Studies, 103–146;

5. Morduch, J. (1999). The Microfinance Promise. Journal of Economic Literature, 37(4), 1569–1614;

6. Nguyen, K. A, Le, T. T. (2013). The sustainability of Microfinance institutions in Vietnam: Circumstances and implications. Retrieved from http://www.microfinance.vn/wp-content/uploads/2014/03/Final-TAI-CHINH-VI-MO_TA1.pdf;

7. Zeller, M., & Meyer, R. L. (2002). The triangle of microfinance: Financial sustainability, outreach, and impact. Intl Food Policy Res Inst.