Chi trả dịch vụ rừng: Minh bạch, công bằng và bền vững

PV.

Sau gần 5 năm thực hiện chính sách chi trả dịch vụ rừng, dựa trên tiêu chí minh bạch, công bằng và bền vững. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đánh giá đây là 1 trong 10 thành nổi bật nhất của ngành NN&PTNT trong 5 năm qua, góp phần bảo vệ rừng và độ che phủ rừng tốt hơn, tạo thu nhập cho người dân và tổ chức lại ngành lâm nghiệp. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Bá Ngãi đã cho biết như vậy khi trao đổi với chúng tôi xoay quanh vấn đề thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Thưa ông, có ý kiến cho rằng, sau 5 năm thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã đạt kết quả tốt. Ông có thể cho biết một số kết quả nổi bật của chính sách này?

Chi trả dịch vụ rừng: Minh bạch, công bằng và bền vững - Ảnh 1

Ông Nguyễn Bá Ngãi

- Trong quá trình thực hiện, chính sách đã thu kết quả tốt do các cấp chính Trung ương và địa phương ủng hộ. Theo đó, trong thời gian rất ngắn từ năm 2011 đến nay, chúng ta đã có một hệ thống cơ chế chính sách rất đồng bộ, được nhân dân ủng hộ và vận dụng tốt.

Cụ thể, về thể chế, đến nay, chính sách này đã thiết lập khuôn khổ pháp lý, các quy định, hướng dẫn và thành lập 37 Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, 41 Ban chỉ đạo triển khai chính sách cấp tỉnh. Về kinh tế, đã ký 409 hợp đồng ủy thác với thủy điện (285), nước sạch (80), du lịch (44); tổng số tiền thu đến tháng 9/2015 khoảng trên 5.000 tỷ đồng, bình quân từ 1.100 – 1.300 tỷ đồng/năm. Đồng thời, hỗ trợ quản lý và bảo vệ 3 – 5 triệu ha rừng, góp phần gia tăng tỷ lệ che phủ rừng từ 38,7% (2008) lên 40,43% (2014) và dự kiến đạt 40,73% (2015). Ngoài ra, chính sách còn tạo việc làm cho trên 348.000 hộ và 5.700 nhóm hộ gia đình, tăng thu nhập cho chủ rừng (2 triệu đồng/hộ/năm), hỗ trợ phát triển sinh kế người dân.

Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn tới quá trình thực hiện đạt kết quả như mong đợi?

- Để đạt kết quả đó, ngành lâm nghiệp đặt ra 3 tiêu chí thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng là minh bạch, công bằng và bền vững.

Minh bạch là thiết lập lại thể chế chi trả rất rõ ràng, hệ thống tổ chức từ trung ương đến địa phương chi tiền với chính sách rõ ràng và minh bạch đến tận chủ rừng, người được nhận dịch vụ đã có đóng góp thực sự hiệu quả vào môi trường rừng. Đồng thời để minh bạch sẽ đưa hệ thống cơ quan giám sát vào hoạt động tốt hơn. Báo cáo hàng năm thật rõ và thông suốt.

Công bằng cũng phải đảm bảo 2 khía cạnh. Một là người dân tạo ra dịch vụ môi trường rừng thì phải được hưởng quyền đó. Cơ quan, cá nhân, đơn vị nào sử dụng dịch vụ phải chi trả dịch vụ. Nếu người dân được trả dịch vụ đó thì cũng cần công bằng ở chỗ ai đóng góp nhiều sẽ được nhiều.

Bền vững là phải tạo ra được hai tiêu chí quan trọng là đáp ứng được yêu cầu của ngành lâm nghiệp là bảo vệ phát triển rừng tốt và người dân khi tham gia thực sự được hưởng quyền lợi đó, tạo ra thu nhập, động lực để bảo vệ và phát triển rừng.

Tuy nhiên, thực tế triển khai vẫn còn nhiều tồn tại như tình trạng nợ đọng tiền DVMTR. Một trong những khó khăn hiện nay là nhiều doanh nghiệp và nhà máy thủy điện vẫn còn chây ỳ trong việc chi trả DVMTR, điều này có đúng không, thưa ông?

- Phần lớn, 85% các công ty lâm nghiệp thực hiện tốt chi trả DVMTR, trong đó có công ty ĐăkTô và một số công ty thuộc Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam…Tuy nhiên, vẫn còn có một số đơn vị chi trả chậm, thậm chí chây ỳ trong việc chi trả DVMTR. Với các trường hợp đó, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với Bộ Công thương và các địa phương xử lý tình trạng đó. Đồng thời, hiện nay đã có Nghị định 40 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong DVMTR, giúp các đơn vị này làm rõ trách nhiệm của họ đối với DVMTR.

Chi trả DVMTR giai đoạn 2016 sẽ tiếp tục hướng tới đạt 3 tiêu chí là bền vững, công bằng và minh bạch. Theo ông, ngành lâm nghiệp sẽ làm gì để đạt các tiêu chí đó?

- Hiện nay, quỹ trung ương và quỹ địa phương đang tạo ra một hệ thống giám sát rất mạnh thông qua hệ thống tiêu chí, báo cáo. Đặc biệt, chúng tôi đang thiết lập phần mềm trực tuyến báo cáo hàng năm. Thông qua phần mềm trực tuyến, dưới địa phương xảy ra vấn đề gì thì trung ương sẽ biết và lập tức cử đoàn giám sát hàng năm xuống. Chúng tôi cũng đưa phần mềm này vào quy trình giám sát tại các cuộc họp về rừng và kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2016 – 2020 để các địa phương báo cáo, kiểm tra và thực hiện.

Hiện tại, phần mềm này đang được áp dụng triển khai tại 20 tỉnh. Chúng tôi đang chuẩn bị đưa hệ thống thông tin trực tuyến về DVMTR đến 37 quỹ bảo vệ và phát triển rừng để các hoạt động dưới địa phương và Trung ương có thể giao tiếp trực tuyến.

"Năm 2015, Quỹ Chi trả DVMTR phấn đấu huy động nguồn thu dịch vụ môi trường rừng cả nước đạt 1.300 tỷ đồng. Quỹ sẽ tập trung chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các quỹ thành viên ở địa phương thực hiện nghiêm chính sách chi trả DVMTR; đôn đốc công tác thu nộp đầy đủ và giải ngân tiền DVMTR kịp thời cho chủ rừng".
Ông Nguyễn Bá Ngãi - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp