Chi đầu tư phát triển tăng 11,7% so với dự toán năm 2019


Chiều ngày 21/10, Chính phủ báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2019, dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2020.

Năm 2019 sẽ hoàn thành toàn diện tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có các chỉ tiêu về tài chính, ngân sách nhà nước.
Năm 2019 sẽ hoàn thành toàn diện tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có các chỉ tiêu về tài chính, ngân sách nhà nước.

Chi đầu tư phát triển tăng 11,7% so với dự toán năm 2019

Thay mặt Chính phủ báo cáo trước Quốc hội về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2019, dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương năm 2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, đánh giá cơ bản năm 2019 sẽ hoàn thành toàn diện tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có các chỉ tiêu về tài chính, ngân sách nhà nước. Thực hiện 9 tháng đạt 77,5% dự toán, mức cao nhất so với cùng kỳ một số năm gần đây; tăng 10,1% so cùng kỳ năm 2018. Ước cả năm thu vượt 3,3% (46 nghìn tỷ đồng) so dự toán.

Trong đó, thu ngân sách Trung ương ước vượt 8-11 nghìn tỷ đồng, là năm thứ 2 liên tiếp vượt dự toán. Tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước đạt 23,7%GDP, từ thuế, phí đạt 20,2%GDP. Đó là kết quả của nỗ lực cơ cấu lại chi ngân sách của Chính phủ cũng như các địa phương, đặc biệt trong việc giảm dần chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển, kiểm soát chặt chẽ bội chi, giảm nợ công và quyết liệt điều hành chi ngân sách nhà nước theo hướng tiết kiệm, chú trọng hiệu quả.

Chi ngân sách nhà nước thực hiện 9 tháng đạt 63,1% dự toán; trong đó chi thường xuyên đạt 73,4%, chi trả nợ đạt 68,4%, chi đầu tư phát triển đạt 44,8%. Ước cả năm, chi thường xuyên, chi trả nợ cơ bản đạt dự toán; riêng chi đầu tư phát triển còn khó khăn. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã và đang chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương rà soát kế hoạch đầu tư công năm 2019, tháo gỡ khó khăn, kể cả cắt giảm, điều chuyển vốn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Thẩm tra về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2019, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội ngân sách thống nhất với Tờ trình của Chính phủ về các nguyên tắc phân bổ Ngân sách Trung ương năm 2020. Trong đó, tổng mức dự toán chi đầu tư phát triển tăng 11,7% so với dự toán năm 2019.

Việc bố trí vốn đầu tư phát triển cho các dự án, cơ quan thẩm tra lưu ý nhiệm vụ của Ngân sách Trung ương cần được cân nhắc kỹ về cơ sở pháp lý để phân bổ và giao vốn kế hoạch, tháo gỡ khó khăn về thủ tục đầu tư các dự án.

Sau khi trừ các khoản bổ sung có mục tiêu cho địa phương, thực hiện các nhiệm vụ chi quan trọng, thì nguồn lực ngân sách Trung ương còn lại chiếm 27,2% tổng chi đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước, chưa đạt mức 30% tổng chi đầu tư xây dựng cơ bản của Ngân sách Trung ương theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ đẩy mạnh hơn nữa tiến độ giảm chi thường xuyên bằng các giải pháp hiệu quả trong việc thực hiện cơ chế tự chủ, quyết liệt việc tinh giản biên chế, tiến tới trình Quốc hội quyết định tổng mức biên chế của Nhà nước trong năm dự toán.

Đề nghị này được đưa ra xuất phát từ thực tế Ủy ban Tài chính - Ngân sách đi giám sát tại một số địa phương và thấy việc tinh giản biên chế chưa quyết liệt, có những nơi còn mang tính cơ học nhằm thu gọn đầu mối, dẫn đến chi thường xuyên vẫn còn cao.

Trong khi đó, một số địa phương khi ban hành chính sách còn chưa bảo đảm nguồn lực tài chính để thực hiện trong năm. Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị từ năm 2020, Chính phủ cần chỉ đạo thực hiện nghiêm quy định của Luật.

Ngân sách các cấp không được thực hiện nhiệm vụ chi khi chưa có nguồn tài chính và việc ban hành thực hiện chính sách, chế độ mới làm tăng chi ngân sách phải có giải pháp bảo đảm nguồn tài chính, phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách từng cấp.

Năm 2020 sẽ dành 61.500 tỷ để cải cách tiền lương

Theo báo cáo của Chính phủ, tính từ năm 2016 đến năm 2019, lương cơ sở chỉ tăng cao nhất từ 90.000 đồng/tháng - 100.000 đồng/tháng. Khi lương cơ sở tăng, mức lương thực tế và một số khoản phụ cấp của cán bộ, công chức, viên chức cũng sẽ được tăng lên tương ứng. Tuy nhiên, cũng cần biết rằng, năm 2020 là năm cuối cùng mức lương cơ sở còn tồn tại.

Báo cáo Quốc hội về ngân sách, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết năm 2020 sẽ dành 61.500 tỷ để cải cách tiền lương. Theo đề xuất của Chính phủ, năm 2020 lương cơ sở tăng lên 1,6 triệu đồng/tháng (thêm 110.000 đồng/tháng). Hiện tại, mức lương cơ sở là 1,49 triệu đồng/tháng. 

Ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết, đề xuất này đã được đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhất trí; tuy còn nhiều khó khăn xong năm 2020, Chính phủ vẫn sẽ dành 61.500 tỷ để cải cách tiền lương dự kiến từ 1/1/2020 với mức điều chỉnh thêm 110.000 đồng/tháng, lương hưu tăng tương ứng. Nếu mức tăng lương như trên được Quốc hội chấp thuận thì lương cơ sở 2020 sẽ 1.600.000 đồng/tháng.

Để thực hiện tốt việc tăng lương cơ sở trong năm 2020, cơ quan thẩm tra đề nghị các ngành, các cấp cần tăng cường tiết kiệm, chống lãng phí bằng các hoạt động thực chất, hiệu quả hơn nhằm tăng nguồn lực cho chi đầu tư xây dựng cơ bản, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư phát triển. 

Đối với các khoản phụ cấp và thu nhập có tính chất lương, Uỷ ban thẩm tra cho rằng cần được rà soát theo quy định của pháp luật, bảo đảm phù hợp với đặc thù của từng ngành nghề và lĩnh vực hoạt động.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị tăng phụ cấp công vụ vì từ năm 2012 đến nay vẫn giữ nguyên là 25%. Cũng có ý kiến đề nghị quan tâm hơn đến việc tăng lương cho các đối tượng hưởng lương hưu trước năm 1993 vì mức thu nhập khá thấp so với mặt bằng chung của xã hội, ông Nguyễn Đức Hải cho biết.