Chiến lược phát triển Bảo hiểm tiền gửi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

Minh Ngọc (Thực hiện)

Ngày 30/12/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 1660/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Để có cái nhìn toàn cảnh về định hướng chiến lược phát triển BHTG trong giai đoạn tới, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Bảo Lâm – Chủ tịch Hội đồng quản trị BHTG Việt Nam.

Ông Phạm Bảo Lâm – Chủ tịch Hội đồng quản trị BHTG Việt Nam
Ông Phạm Bảo Lâm – Chủ tịch Hội đồng quản trị BHTG Việt Nam

Phóng viên: Thưa ông, xin ông cho biết quan điểm định hướng phát triển của tổ chức BHTG Việt Nam trong thời gian tới, cụ thể là đến năm 2025, định hướng đến năm 2030?

Ông Phạm Bảo Lâm: Chiến lược phát triển BHTG đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định phương hướng phát triển toàn diện, tầm nhìn bao quát ngắn – trung và dài hạn đối với chính sách BHTG cũng như hoạt động của tổ chức BHTG Việt Nam.

Theo đó, Chiến lược phát triển BHTG định hướng để BHTG Việt Nam tập trung nguồn lực góp phần ổn định hệ thống tài chính, ngân hàng Việt Nam, thúc đẩy sự phát triển của kinh tế xã hội đất nước. BHTG Việt Nam tiếp tục kiên trì mục tiêu thống nhất của hệ thống BHTG là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, đảm bảo sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.

Phóng viên: Xin ông cho biết mục tiêu chiến lược phát triển BHTG là gì và dựa vào cơ sở nào để BHTG Việt Nam xây dựng những mục tiêu đó thưa ông?

Ông Phạm Bảo Lâm: Chiến lược phát triển BHTG đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được xây dựng bám sát và phù hợp với Luật BHTG; Luật sửa đổi, bổ sung các TCTD (2017); Chỉ thị số 06/CT-NHNN (2018); kinh nghiệm quốc tế và Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống BHTG hiệu quả (IADI, 2014); Chiến lược ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Ngoài ra, chúng tôi phải dựa trên cơ sở phân tích và nhận định các cơ hội, thách thức của bối cảnh kinh tế - xã hội trong và ngoài nước; nhìn nhận và đánh giá thực trạng triển khai chính sách BHTG đến nay. Từ đó, trong Chiến lược lần này của BHTG Việt Nam đặt ra ba mục tiêu tổng quát, bao gồm:

Một là, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần tích cực duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.

Hai là, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động bảo hiểm tiền gửi bao gồm chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi, thông tin báo cáo, giám sát, kiểm tra, tham gia kiểm soát đặc biệt, phát hiện, cảnh báo sớm những rủi ro tiềm ẩn đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi; tham gia tái cơ cấu có hiệu quả đối với các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi yếu kém; tính và thu phí bảo hiểm tiền gửi, quản lý nguồn vốn và đầu tư, tuyên truyền chính sách bảo hiểm tiền gửi, chi trả bảo hiểm tiền gửi theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế và các quy định của pháp luật Việt Nam.

Ba là, tăng cường năng lực tài chính của tổ chức BHTG để khẳng định cam kết của Nhà nước và nâng cao niềm tin của người gửi tiền vào chính sách BHTG.

Phóng viên: Theo ông, điểm đột phá của bản chiến lược giai đoạn này là gì?

Ông Phạm Bảo Lâm: Tôi cho rằng, điểm đặc biệt của Chiến lược phát triển BHTG đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 lần này là chúng tôi đặt ra các mục tiêu cụ thể, sát sườn, lượng hóa được các hoạt động nghiệp vụ BHTG để ngày càng bảo vệ một cách tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người gửi tiền.

Cụ thể, phấn đấu tỷ lệ người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ trên tổng số người gửi tiền được bảo hiểm đạt 92% - 95%, đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế. BHTG Việt Nam phấn đấu rút ngắn thời gian chi trả thực tế kể từ khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm đến năm 2025 là 30 ngày làm việc và đến năm 2030 là 15 ngày làm việc, nhằm giúp người gửi tiền được tiếp cận sớm với tiền gửi của mình khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi được xử lý.

Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách BHTG tiếp tục được đẩy mạnh khi BHTG Việt Nam đặt mục tiêu trong chiến lược lần này là đến năm 2025 có 45% và đến năm 2030 có 55% người gửi tiền phải nắm bắt được các nội dung cốt lõi của chính sách BHTG.

Phóng viên: Với những mục tiêu cụ thể như trên, xin ông chia sẻ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp và lộ trình BHTG Việt Nam sẽ thực hiện như thế nào?

Ông Phạm Bảo Lâm: Để hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược đã đặt ra, tôi cho rằng toàn hệ thống BHTG Việt Nam cần nêu cao tinh thần quyết tâm, tập trung sức lực và trí tuệ để thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giáp pháp cần thiết như sau:

Thứ nhất, như các bạn đã biết, chúng tôi đã tổng kết 10 năm thi hành Luật BHTG và đã đến lúc cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật BHTG, hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành Luật BHTG cũng như hoàn thiện quy định về chế độ tài chính cho tổ chức BHTG. Việc này đóng vai trò rất quan trọng không chỉ đối với họat động BHTG nói riêng mà còn góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý của ngành tài chính – ngân hàng nói chung.

Thứ hai, Chiến lược phát triển BHTG chỉ ra rằng BHTG Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện chính sách BHTG. Theo đó, BHTG Việt Nam chủ động định kỳ rà soát, đánh giá mức độ phù hợp và đề xuất điều chỉnh hạn mức trả tiền bảo hiểm nhằm tiến tới tỷ lệ người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ trên tổng số người gửi tiền được bảo hiểm đạt 92% - 95%, đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế. Đồng thời, nghiên cứu, đánh giá các điều kiện thực tế của Việt Nam và đề xuất thời điểm phù hợp tiến hành xây dựng, triển khai phí BHTG trên cơ sở đánh giá và phân loại tổ chức tham gia BHTG.

Thứ ba, không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động nghiệp vụ, trong đó: thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại vào tất cả các hoạt động nghiệp vụ BHTG như quy trình cấp, thu hồi và quản lý chứng nhận tham gia BHTG; đưa vào vận hành hệ thống thông tin báo cáo đảm bảo thông tin đầy đủ, đáng tin cậy; thực hiện kiểm tra chuyên sâu về tiền gửi được bảo hiểm tại 100% tổ chức tham gia BHTG yếu kém theo kết quả giám sát; Hoàn thiện các phương pháp giám sát rủi ro và bộ chỉ tiêu giám sát, chú trọng phát hiện, cảnh báo sớm những rủi ro tiềm ẩn; công tác tính và thu phí BHTG; làm đúng vai trò, chức trách trong tham gia kiểm soát đặc biệt tại các tổ chức tham gia BHTG có vấn đề; xây dựng kế hoạch dự phòng và diễn tập chi trả cho từng loại hình tổ chức tham gia BHTG; đa dạng hóa nội dung và hình thức tuyên truyền chính sách BHTG; mở rộng quan hệ quốc tế cũng như thiết lập cơ chế phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan; v.v.

Thứ tư, quan trọng không kém đó là BHTG Việt Nam cần nâng cao năng lực tài chính thông qua một loạt các giải pháp như: đề xuất tăng vốn điều lệ, đa dạng hóa danh mục đầu tư nguồn vốn, bổ sung hình thức vay từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) để khẳng định cam kết của Nhà nước và nâng cao niềm tin của người gửi tiền đối với chính sách BHTG. Bên cạnh đó, BHTG Việt Nam tinh gọn và chuyên môn hóa bộ máy tổ chức; đồng bộ hóa trong quản trị điều hành; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thường xuyên được đào tạo, nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ...

Thứ năm, không thể không kể tới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao từ Chính phủ và NHNN cũng như hỗ trợ thiết thực từ các cơ quan chức năng liên quan, các tổ chức tham gia BHTG, chính quyền địa phương các cấp...

Phóng viên: Thưa ông, ông có thể chia sẻ những kỳ vọng của cá nhân ông cũng như BHTG Việt Nam đối với Chiến lược phát triển BHTG lần này không?

Ông Phạm Bảo Lâm: Chúng tôi tin tưởng rằng Chiến lược phát triển BHTG đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ với riêng tổ chức BHTG Việt Nam mà với cả sự phát triển của ngành ngân hàng nói chung. Các quan điểm định hướng phát triển toàn diện, cung cấp tầm nhìn bao quát ngắn ngắn – trung và dài hạn đối với chính sách BHTG cũng như hoạt động của tổ chức BHTG Việt Nam.

Từ đó, mục tiêu, các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trình bày trong bản Chiến lược này được kỳ vọng sẽ có tác động tích cực, giúp BHTG Việt Nam phát huy thế mạnh, khắc phục những hạn chế, điểm nghẽn trong triển khai chính sách BHTG, bảo vệ tốt hơn nữa quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, củng cố niềm tin của công chúng vào hệ thống hệ thống tài chính – ngân hàng và đóng góp vào sự phát triển ổn định của nền kinh tế - xã hội nước ta.