Phí bảo hiểm tiền gửi - nguồn thu quan trọng để bảo vệ quyền lợi người gửi tiền

Thùy Linh

Bảo hiểm tiền gửi là sự bảo đảm hoàn trả tiền gửi cho người được bảo hiểm tiền gửi trong hạn mức trả tiền bảo hiểm khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền hoặc phá sản.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet.

Có thể hiểu, bảo hiểm tiền gửi là cam kết công khai của tổ chức bảo hiểm tiền gửi về việc sẽ hoàn trả một phần hoặc toàn bộ tiền gửi bao gồm cả gốc và lãi cho người gửi tiền khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi bị mất khả năng thanh toán hoặc phá sản theo quy định của pháp luật.

Để thực hiện mục tiêu bảo hiểm tiền gửi, phí bảo hiểm tiền gửi được xem là nguồn thu quan trọng nhất của tổ chức bảo hiểm tiền gửi, góp phần lớn trong việc tăng trưởng Quỹ dự phòng nghiệp vụ để chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền, nâng cao năng lực tài chính, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.

Bảo hiểm tiền gửi còn góp phần xây dựng thị trường tài chính lành mạnh, có tính cạnh tranh bình đẳng giữa các tổ chức tài chính với quy mô và loại hình khác nhau và giảm thiểu gánh nặng cho Chính phủ, giảm gánh nặng cho người gửi tiền trong trường hợp tổ chức tín dụng đổ vỡ.

Vai trò của bảo hiểm tiền gửi đối với đảm bảo sự phát triển an toàn, bền vững của hệ thống ngân hàng được thể hiện ở chỗ:

Một là, hoạt động bảo hiểm tiền gửi tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng mới ra đời hoặc quy mô hoạt động hạn chế có điều kiện phát triển tốt hơn. Với các tổ chức tín dụng nhỏ hay mới đi vào hoạt động, chưa xây dựng được uy tín trên thị trường, người dân có tâm lý lo ngại có thể mất tiền gửi do tổ chức tín dụng nhận tiền gửi "bị đóng cửa". Tuy nhiên, khi các tổ chức này tham gia bảo hiểm tiền gửi thì tâm lý này sẽ được giải toả, giúp tổ chức tín dụng phát triển tốt hơn.

Hai là, hoạt động bảo hiểm tiền gửi giúp các tổ chức tín dụng thực sự yếu kém, không thể tiếp tục duy trì hoạt động có thể rút khỏi thị trường một cách có trật tự, không ảnh hưởng đến các tổ chức tín dụng khác hay gây xáo trộn thị trường tài chính. 

Ở Việt Nam, hiện có duy nhất một tổ chức bảo hiểm tiền gửi là Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là tổ chức tài chính nhà nước hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người gửi tiền, thực hiện chính  sách bảo hiểm tiền gửi góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.

Phí bảo hiểm tiền gửi là nguồn thu lớn và quan trọng nhất của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, góp phần lớn trong việc tăng trưởng Quỹ dự phòng nghiệp vụ, nâng cao năng lực tài chính, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, nâng cao niềm tin công chúng thông qua việc chi trả tiền bảo hiểm. Trải qua 23  năm hoạt động, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã thu được hơn 60,7 nghìn tỷ đồng phí bảo hiểm tiền gửi, chiếm 79,7% Quỹ dự phòng nghiệp vụ. Quỹ dự phòng nghiệp vụ được sử dụng để chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền theo quy định của pháp luật về bảo hiểm tiền gửi.

Hoạt động chi trả tiền gửi được bảo hiểm tại các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi bị chấm dứt hoạt động đã củng cố niềm tin của người gửi tiền đối với hệ thống ngân hàng một cách rõ nét. Trong thời gian đầu mới đi vào hoạt động, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã thực hiện chi trả bảo hiểm tiền gửi cho người gửi tiền tại 39 quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn 11 tỉnh, thành phố cho 1.793 người được bảo hiểm tiền gửi với tổng số tiền đã chi trả là 26,78 tỷ đồng.

Số tiền chi trả tuy không nhiều, nhưng nhờ đó đã không xảy ra hiện tượng người gửi tiền rút tiền ồ ạt tại các tổ chức huy động tiền gửi khác do ảnh hưởng của các quỹ tín dụng nhân dân bị đóng cửa. Điều đó đã thể hiện chính sách bảo hiểm tiền gửi thời gian qua ở Việt Nam đảm bảo được quyền lợi của đa số người gửi tiền, đặc biệt là tầng lớp người gửi tiền có thu nhập thấp. Người gửi tiền được bảo vệ một cách tích cực, nhưng không thụ động, thể hiện ở việc không chỉ trả toàn bộ tiền gửi thuộc đối tượng bảo hiểm mà khống chế ở mức tối đa, tức là hoạt động bảo hiểm tiền gửi nhằm bảo vệ người gửi tiền, nhưng đồng thời cũng tạo ra cơ chế để thúc đẩy người gửi tiền có ý thức tự bảo vệ chính mình. Mức chi trả bảo hiểm nhất định (tối đa) đòi hỏi người gửi tiền phải quan tâm nhiều hơn đến tình hình hoạt động của các tổ chức tín dụng để lựa chọn gửi tiền ở tổ chức tín dụng có mức rủi ro thấp khi cân đối với mức lãi suất xác định được.

Để bảo đảm thực hiện tốt các mục tiêu bảo hiểm tiền gửi, việc quản lý và sử dụng nguồn thu từ phí bảo hiểm tiền gửi là nhiệm vụ quan trọng trong hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ số và luôn biến động hiện nay.

Theo đó, việc tính và nộp phí bảo hiểm tiền gửi được bắt đầu ngay sau khi hoàn thành thủ tục đăng ký tham gia bảo hiểm tiền gửi và được Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cấp Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi. Phí bảo hiểm tiền gửi được tính theo công thức tính phí áp dụng cho kỳ đầu tiên, từ các kỳ sau sẽ được tính theo công thức phí định kỳ hàng quý. Chậm nhất ngày 15 tháng đầu tiên của quý thu phí, các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi sẽ thực hiện tính và cung cấp thông tin về tiền gửi được bảo hiểm theo các mẫu biểu quy định tới Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam. Các thông tin này được truyền qua phần mềm ICM, đồng thời gửi thông tin bằng văn bản tới Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.

Khi nhận được các báo cáo bằng văn bản và điện tử của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam sẽ thực hiện kiểm tra, rà soát và phản hồi lại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát hiện thiếu sót, sai lệch hoặc nghi ngờ và tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi có trách nhiệm làm rõ và cung cấp lại thông tin đúng.

Các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phải nộp phí bảo hiểm tiền gửi vào tài khoản của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam chậm nhất ngày 20 tháng đầu tiên của quý nộp phí. Đối với nộp phí bằng chuyển khoản qua tổ chức tín dụng hoặc chuyển tiền qua bưu điện, ngày nộp là ngày ghi trên giấy báo có của tổ chức tín dụng hoặc ngày ghi trên giấy báo lĩnh tiền của bưu điện gửi đến Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.

Quá thời hạn quy định, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam sẽ gửi thông báo tới tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi có vi phạm, tổ chức này có trách nhiệm nộp bổ sung số tiền phí bảo hiểm tiền gửi thiếu/chậm cùng tiền phạt (nếu có) trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày  nhận được thông báo, các khoản phí thiếu/chậm được tính phí phạt 0,05%/ngày/số phí thiếu.

Định kỳ hàng quý, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam thực hiện giám sát từ xa việc tính và nộp phí đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi thông qua hệ thống các chỉ tiêu giám sát, các báo cáo thống kê, bảng cân đối kế toán và bảng tính phí do tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi gửi cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã xây dựng phần mềm phù hợp để giám sát việc tính và nộp phí của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.

Định kỳ hàng năm hoặc đột xuất, khi phát hiện đơn vị có thừa hoặc thiếu phí lớn qua giám sát từ xa, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam sẽ tổ chức kiểm tra tại chỗ để xác minh chính xác số phí phải nộp, số phí thừa hoặc thiếu và các nguyên nhân để có đánh giá và xử lý đúng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm tiền gửi.

Mỗi kỳ thu phí, sau khi Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã thực hiện xong việc rà soát, kiểm tra kết quả việc tính và nộp phí bảo hiểm tiền gửi của quý thu phí, số phí thu được sẽ được bổ sung Quỹ dự phòng nghiệp vụ, đầu tư theo kế hoạch đã được phê duyệt. Đồng thời, nội dung tra soát, xử lý sẽ được tổng hợp và nêu rõ trong thông báo phí hàng năm gửi tới tất cả các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.

Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã chú trọng đầu tư phát triển và ứng dụng hệ thống công nghệ tin học vào quy trình quản lý, kiểm soát với những bước tiến mạnh. Từ năm 2007, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã xây dựng được kênh thông tin trực tiếp với các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, đảm bảo tính nhanh chóng, chính xác và bảo mật. Nhiều phần mềm ứng dụng đã được triển khai phục vụ các nghiệp vụ bảo hiểm tiền gửi và hoạt động quản trị, hậu cần của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng phần cứng như máy chủ, thiết bị mạng, truyền thông, tổng đài điện thoại… cũng được trang bị một cách có hệ thống và đồng bộ, đáp ứng được nhu cầu sử dụng và phát triển.

Cùng với đó, năm 2009, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được thụ hưởng dự án “Hệ thống thông tin quản lý và hiện đại hóa ngân hàng – FSMIMS”, trong đó có phân hệ Xử lý RL với các nghiệp vụ chính là: Thu và tính phí bảo hiểm tiền gửi, Kiểm tra đặc biệt, Chi trả bảo hiểm tiền gửi, Thanh lý và thu hồi tài sản..

Phân hệ Xử lý RL là một trong những phân hệ chính của hệ thống phần mềm ứng dụng tương lai, có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam chủ động trong việc thu phí và chi trả bảo hiểm tiền gửi. Cùng với  đó, việc đưa vào sử dụng phần mềm Hệ thống quản lý thông tin bảo hiểm tiền gửi ICM năm 2018 đã góp phần nâng cao năng lực quản lý, chia sẻ thông tin của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và giúp Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trở thành một tổ chức có mô hình tiên tiến, một thành viên tích cực trong ngành ngân hàng.

Thông qua xây dựng quy trình nghiệp vụ chuẩn, hiện đại hóa hệ thống công nghệ hỗ trợ và chú trọng xây dựng hành lang pháp lý làm cơ sở quản lý, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã thể hiện rõ vị thế trong ngành Ngân hàng.

Thời gian tới, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cần tiếp tục học hỏi kinh nghiệm và hợp tác kỹ thuật với các tổ chức bảo hiểm tiền gửi trên thế giới, hoàn thiện khung pháp lý về hoạt động bảo hiểm tiền gửi, trong đó tiến tới hoàn thiện quy chuẩn chấm điểm đánh giá hoạt động các tổ chức tín dụng, làm cơ sở xây dựng hệ thống phí bảo hiểm tiền gửi phân biệt, giúp Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phát huy tốt nhất vai trò của mình trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.