Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030


Việc triển khai thực hiện Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam giai đoạn 2011-2020 đã mang lại những kết quả tích cực, thị trường bảo hiểm đạt được mức tăng trưởng cao, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bổ trợ cho các chính sách an sinh xã hội, bảo vệ tài chính cho các nhà đầu tư, thúc đẩy hội nhập, hợp tác kinh tế quốc tế. Nhằm tiếp tục phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam gắn với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2021-2030, Đề án Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030 được xây dựng nhằm phát triển thị trường bảo hiểm theo hướng hiện đại, tiếp cận với các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế tốt nhất, phù hợp với yêu cầu từ thực tiễn, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên tham gia bảo hiểm.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet
Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet

Kết quả thực hiện Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam giai đoạn 2011-2020

Trong bối cảnh tái cơ cấu nền kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế, việc triển khai đồng bộ nhiều nhóm giải pháp hoàn thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) theo Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm (TTBH) Việt Nam giai đoạn 2011-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành kèm theo Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 15/2/2012 đã giúp TTBH đạt được những kết quả tích cực, ngày càng thể hiện được vai trò, vị trí trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện thành công các giải pháp chủ yếu về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế của đất nước.

Cơ chế, chính sách được xây dựng và hoàn thiện

Hệ thống pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm tiếp tục được xây dựng và hoàn thiện nhằm đáp ứng các nhu cầu thực tiễn của thị trường, tính tương thích với các cam kết quốc tế Việt Nam tham gia là thành viên. Giai đoạn 2011-2020, đã có 67 văn bản quy phạm pháp luật (01 Luật, 18 Nghị định của Chính phủ, 07 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 41 Thông tư) được rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới tập trung vào các mục tiêu tháo gỡ vướng mắc, giúp đỡ DNBH tăng trưởng hiệu quả, tăng cường quản trị DN, cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo an toàn tài chính và quyền lợi của người tham gia bảo hiểm. Các văn bản quy phạm pháp luật này đã điều chỉnh tương đối toàn diện các vấn đề pháp lý về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, khá phù hợp với thực tiễn và tạo lập được hành lang pháp lý vững chắc, góp phần thúc đẩy TTBH phát triển.

Thị trường bảo hiểm lớn mạnh cả về quy mô, số lượng doanh nghiệp và năng lực tài chính

TTBH đã có đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, như: góp phần thực hiện chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tăng tích lũy tiết kiệm cho nền kinh tế; góp phần bổ trợ cho các chính sách an sinh xã hội, tạo điều kiện cho người dân có thể tự thu xếp, bảo vệ về mặt tài chính, và được bảo hiểm chi trả bồi thường khi không may xảy ra tai nạn, ốm đau, mà không cần tới sự hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước; bảo vệ tài chính cho các nhà đầu tư, giúp cho các nhà đầu tư yên tâm sản xuất kinh doanh mà không cần sử dụng đến các giải pháp tín dụng và dự phòng tài chính khác; thúc đẩy hội nhập, hợp tác kinh tế quốc tế; góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu, nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ.

Số lượng DN kinh doanh bảo hiểm đã tăng gần 25%, từ 57 DN năm 2011 lên 71 DN năm 2020. Tổng doanh thu của thị trường đạt mức tăng trưởng bình quân 19%/năm giai đoạn 2011-2020. Tổng tài sản, tổng dự phòng nghiệp vụ, tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế đều tăng bình quân khoảng 20%/năm. TTBH đã hoàn thành hầu hết các chỉ tiêu chiến lược đề ra tại Chiến lược phát triển TTBH giai đoạn 2011-2020. Sự phát triển cân bằng, đồng bộ của TTBH với các thị trường tài chính khác đã góp phần vào việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Hội nghị lần thứ V Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Năng lực tài chính, hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của các DNBH được nâng cao, hầu hết các DNBH đã xây dựng đầy đủ các quy trình nghiệp vụ theo quy định của pháp luật, từng bước chuẩn hoá các khâu trong hoạt động kinh doanh. Nhiều DNBH đã tổ chức được hệ thống kiểm soát nội bộ hiệu quả, đầu tư phát triển hệ thống công nghệ thông tin hiện đại phục vụ cho hoạt động kinh doanh và công tác quản trị, điều hành. Tính đến cuối năm 2020, đã có 08 DNBH phi nhân thọ và tái bảo hiểm được A.M.Best xếp hạng từ mức B+ trở lên.

Sản phẩm bảo hiểm được tăng cường cả về số lượng và chất lượng

Tính đến hết năm 2020, các DNBH đã cung cấp khoảng 2.884 sản phẩm bảo hiểm đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu đa dạng của khách hàng. Ngoài ra, trong giai đoạn 2011-2020, Bộ Tài chính đã triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, bảo hiểm vi mô, bổ sung bảo hiểm bảo lãnh thuộc nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ. Các sản phẩm bảo hiểm mới như bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm sức khỏe cũng đã được triển khai, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, góp phần phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an sinh xã hội. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng tiến hành nghiên cứu về bảo hiểm bảo lãnh thông quan, bảo hiểm tài sản công, bảo hiểm rủi ro thiên tai.

Chất lượng và tính chuyên nghiệp của kênh phân phối được chú trọng, nâng cao

Các DNBH đã tiến hành rà soát lại hệ thống đại lý và cấp thẻ đại lý theo quy định của pháp luật, nâng cao điều kiện tuyển dụng, nâng hạng đại lý, chất lượng đào tạo đại lý. Bên cạnh kênh đại lý truyền thống, các kênh phân phối mới như bán bảo hiểm qua ngân hàng, bán hàng qua điện thoại, qua hệ thống bưu điện, bán bảo hiểm trực tuyến... đã được các DN nghiên cứu, phát triển. Tính đến hết năm 2020, TTBH có hơn 1 triệu đại lý bảo hiểm. Việc đào tạo đại lý và cấp chứng chỉ đại lý bảo hiểm có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý và các tổ chức đào tạo.

Thị trường bảo hiểm phát triển đã thúc đẩy hội nhập, hợp tác kinh tế quốc tế

Trong các hiệp định tự do hoá thương mại song phương và đa phương, lĩnh vực bảo hiểm luôn cam kết với lộ trình và mức độ mở cửa thị trường cao, tạo điều kiện thúc đẩy hàng hoá Việt Nam thâm nhập vào các thị trường lớn có mức độ bảo hộ cao như: Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản...

Bên cạnh đó, việc tham gia thị trường của các công ty bảo hiểm nước ngoài và các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài vào các DNBH trong nước không chỉ nâng cao năng lực tài chính, năng lực quản trị điều hành, nghiệp vụ chuyên môn bảo hiểm cho TTBH mà còn góp phần xây dựng hình ảnh môi trường đầu tư lành mạnh, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực liên quan khác.

Cơ hội và thách thức trong phát triển thị trường bảo hiểmđến năm 2030

Cơ hội đối với thị trường bảo hiểm

Thứ nhất,nền kinh tế Việt Nam được dự báo tiếp tục tăng trưởng cao với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm; GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2030 đạt khoảng 7.500 USD; cơ cấu kinh tế được chuyển dịch, đến năm 2030, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt khoảng 30% GDP, kinh tế số đạt khoảng 30% GDP; Tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 50%; Tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 68 năm; Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35 - 40%; Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm xuống dưới 20%.

Thứ hai, thị trường Việt Nam còn nhiều tiềm năng để phát triển. Dân số Việt Nam đang trong độ tuổi vàng, là cơ hội phát triển rất nhiều sản phẩm bảo hiểm nhân thọ như bảo hiểm hỗn hợp, bảo hiểm liên kết chung, bảo hiểm hưu trí... Bên cạnh đó, kinh tế phát triển, đầu tư xây dựng mới ngày càng nhiều, lưu thông buôn bán giữa các địa phương, các quốc gia ngày càng gia tăng, tạo rất nhiều tiềm năng cho việc phát triển các sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ.

Thứ ba,việc hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam sẽ tạo cơ hội thuận lợi cho TTBH. Các DNBH trong nước sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận với các đối tác là tổ chức kinh doanh bảo hiểm nước ngoài có uy tín, có kinh nghiệm, có tiềm lực tài chính mạnh, từ đó tăng cường hợp tác, chuyển giao công nghệ kinh doanh.

Thứ tư, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và các cải cách trong công nghệ được ứng dụng ngày càng rộng rãi trong các lĩnh vực, các ngành nghề, thành phần kinh tế và xã hội, tạo cơ hội cho các DNBH và các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm tăng khả năng tiếp cận.

Khó khăn và thách thức của thị trường bảo hiểm

Một là, tình hình dịch bệnh, biến đổi về môi trường, thời tiết, khí hậu ngày càng khó dự đoán. Trong những năm qua, thiên tai đã gây ra thiệt hại lớn đối với ngành bảo hiểm và xu hướng xảy ra thiên tai ngày càng tăng. Việt Nam là nước dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu. Sự biến đổi thời tiết ảnh hưởng đến các loại hình bảo hiểm như bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm tài sản, bảo hiểm rủi ro thiên tai, bảo hiểm nhân thọ.

Hai là, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng chưa thực sự bền vững, chất lượng tăng trưởng, năng suất và sức cạnh tranh còn thấp, hiệu quả sử dụng nguồn lực còn hạn chế, kết cấu hạ tầng yếu kém. Bên cạnh đó, những rủi ro nền kinh tế toàn cầu sẽ tác động lớn đến nền kinh tế Việt Nam như: Khủng hoảng kinh tế, đình trệ, khủng hoảng nguồn cung, lạm phát... Đặc biệt, xu hướng lãi suất thấp ở các nền kinh tế có ảnh hưởng rất lớn đến các DNBH nhân thọ.

Ba là, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, có ảnh hưởng sâu rộng đến lĩnh vực tài chính nói riêng và lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nói riêng. Tuy nhiên, ứng dụng công nghệ tạo nên thách thức về thay đổi cơ cấu của kênh phân phối, sản phẩm bảo hiểm, dẫn đến rủi ro an toàn, an ninh và thách thức trong xây dựng quy định pháp luật và quản lý, giám sát.

Bốn là, với định hướng hội nhập tài chính càng sâu rộng, đặc biệt là việc triển khai Lộ trình hội nhập tài chính ASEAN với mục tiêu tiếp tục mở cửa tự do hóa hơn nữa các lĩnh vực dịch vụ tài chính, sức ép cạnh tranh đối với các lĩnh vực dịch vụ tài chính, trong đó có bảo hiểm sẽ gia tăng trong thời gian tới.

Mục tiêu, giải pháp phát triển thị trường bảo hiểm đến năm 2030

Trong thời gian tới, để tiếp tục phát huy đà tăng trưởng và đảm bảo sự phát triển bền vững của TTBH, các mục tiêu được đề ra tại Đề án Chiến lược phát triển TTBH Việt Nam đến năm 2030 như sau:

Một là,hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về kinh doanh bảo hiểm đầy đủ, minh bạch, bình đẳng và đồng bộ, tiếp cận các chuẩn mực, thông lệ quốc tế về kinh doanh bảo hiểm, tạo thuận lợi cho sự phát triển toàn diện TTBH đáp ứng nhu cầu bảo hiểm đa dạng của các tổ chức, cá nhân, bảo đảm thực hiện các nghĩa vụ cam kết quốc tế của Việt Nam.

Hai là,nâng cao tính an toàn hệ thống, bền vững và hiệu quả của thị trường; góp phần ổn định nền kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Phát triển các DN bảo hiểm có năng lực tài chính vững mạnh, năng lực quản trị điều hành tiếp cận chuẩn mực quốc tế, hoạt động hiệu quả, có khả năng cạnh tranh tích cực trên thị trường trong nước và khu vực.

Ba là,đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuận tiện nhất trong việc tham gia bảo hiểm. Khuyến khích các DNBH ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đa dạng hóa sản phẩm bảo hiểm, chuyên nghiệp hóa các kênh phân phối bảo hiểm, bảo đảm đáp ứng nhu cầu bảo hiểm ngày càng tăng của các tổ chức và cá nhân, đặc biệt là những rủi ro về biến đổi môi trường, thời tiết, khí hậu. Thúc đẩy quản trị rủi ro, an toàn, an ninh mạng và giao dịch trên không gian mạng.

Bốn là, tăng cường kết nối liên thông giữa bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành và cơ sở dữ liệu quốc gia với hệ thống cơ sở dữ liệu về kinh doanh bảo hiểm nhằm chia sẻ thông tin, phục vụ tốt hơn người tham gia bảo hiểm.

Năm là,tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm; đẩy mạnh hợp tác quốc tế và hội nhập trong lĩnh vực bảo hiểm.

Để thực hiện được các mục tiêu trên, Đề án Chiến lược phát triển TTBH đến năm 2030 cần triển khai thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp sau:

Hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh doanh bảo hiểm: Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm theo hướng quản lý, giám sát DNBH trên cơ sở rủi ro; Xây dựng và ban hành quy định về bảo hiểm ứng dụng công nghệ; Xây dựng và ban hành quy định về quản lý cơ sở dữ liệu chung; Rà soát và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về triển khai các sản phẩm bảo hiểm có tính đặc thù, sản phẩm bảo hiểm có tác động an sinh xã hội; Rà soát và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về kênh phân phối.

Tăng cường năng lực tài chính, quản lý rủi ro, quản trị DN và công khai minh bạch của DNBH: Nâng cao năng lực về tài chính, tăng cường quản trị tài chính; Cải thiện năng lực quản trị điều hành, quản trị rủi ro DN theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp; Tăng cường công khai thông tin đầy đủ, toàn diện, kịp thời; Thúc đẩy các DN đủ năng lực và có nhu cầu niêm yết trên thị trường chứng khoán; thúc đẩy các DNBH, DN tái bảo hiểm đủ điều kiện thực hiện xếp hạng tín dụng.

Phát triển sản phẩm và đa dạng hóa sản phẩm bảo hiểm:Khuyến khích DNBH phát triển đa dạng các dòng sản phẩm mới; có cơ chế khuyến khích để phát triển các sản phẩm có ý nghĩa cộng đồng và góp phần an sinh xã hội; Khuyến khích đổi mới phương thức phát triển, thiết kế sản phẩm bảo hiểm gắn liền với cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Đẩy mạnh ứng dụng giao dịch điện tử, chữ ký điện tử, hợp đồng điện tử trong giao dịch bảo hiểm với mức độ đảm bảo về an toàn, bảo mật và tin cậy.

Đa dạng và chuyên nghiệp hóa kênh phân phối bảo hiểm:Tạo điều kiện, xây dựng hành lang pháp lý để các DNBH phát triển đa dạng các kênh phân phối; Chuyên nghiệp hóa các kênh phân phối; Chuẩn hóa hoạt động phân phối bảo hiểm qua đại lý tổ chức, đại lý ngân hàng; Nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng tham gia bảo hiểm, giảm thiểu tranh chấp phát sinh. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ trong dịch vụ chăm sóc khách hàng, đem lại sự thuận tiện cho khách hàng.

Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Chuẩn hóa chất lượng nguồn nhân lực tại DNBH; tinh gọn bộ máy đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động đào tạo; tăng cường hoạt động đào tạo và chuẩn hóa khung tiêu chuẩn năng lực chuyên môn; tăng cường chất lượng công tác tổ chức thi cấp chứng chỉ hành nghề, các chứng chỉ nghiệp vụ bảo hiểm; tăng cường hợp tác đào tạo với các tổ chức đào tạo quốc tế về bảo hiểm.

Đẩy mạnh tuyên truyền về bảo hiểm:Xây dựng và triển khai kế hoạch tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa, sự cần thiết của bảo hiểm cũng như pháp luật về kinh doanh bảo hiểm; Phổ biến kịp thời các thay đổi về quy định pháp luật kinh doanh bảo hiểm; chính sách bảo hiểm của Nhà nước; Đa dạng hóa các phương thức tuyên truyền, phố biến kiến thức về bảo hiểm; Xây dựng trang thông tin dành riêng cho khách hàng tham gia bảo hiểm.

Khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin trong kinh doanh bảo hiểm: Thúc đẩy DN có hệ thống công nghệ thông tin hiện đại; Xây dựng khung thể chế thử nghiệm cho các dịch vụ công nghệ bảo hiểm (Insurtech) theo thông lệ tốt nhất, tạo thuận lợi cho DN phát triển các dịch vụ bảo hiểm số mới; Thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin giữa DNBH, Hiệp hội bảo hiểm, cơ quan quản lý; Triển khai dự án hệ thống cơ sở dữ liệu về kinh doanh bảo hiểm.

Tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước và hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm: Cải cách phương thức quản lý, giám sát của cơ quan quản lý bảo hiểm đối với TTBH, chuyển đổi dần sang quản lý, giám sát trên cơ sở rủi ro đồng thời với việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin; Cải thiện chỉ tiêu mức độ tuân thủ hoàn toàn các chuẩn mực quản lý, giám sát do IAIS ban hành. Thúc đẩy chuyển đổi số công tác quản lý và phát triển TTBH.

Tăng cường vai trò của các tổ chức xã hội- nghề nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm:Khuyến khích thành lập các tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm; Ban hành các bộ quy chuẩn chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp, thực thi các bộ quy chuẩn; Tăng cường vai trò của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp là đầu mối của toàn thị trường trong việc tổng hợp ý kiến, phản ánh và đề xuất cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển TTBH; Phát huy vai trò tự quản của các tổ chức xã hội nghề nghiệp.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế và hội nhập trong lĩnh vực bảo hiểm:Xây dựng và thực hiện lộ trình hội nhập trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm phù hợp với lộ trình hội nhập bảo hiểm của ASEAN và các cam kết quốc tế khác; Chủ động, tích cực tham gia AIRM và IAIS; Triển khai thực hiện tốt, có hiệu quả các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế trong lĩnh vực bảo hiểm; Khuyến khích các DNBH tiếp tục nghiên cứu đầu tư ra nước ngoài để mở rộng cơ hội kinh doanh.           

Tài liệu tham khảo:

Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 15/2/2012, Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam giai đoạn 2011-2020;

Bộ Tài chính, Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam giai đoạn 2011-2020;

Bộ Tài chính, Đề án Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030.

(*) Ngô Việt Trung - Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính)

(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 6/2022.