Chiến lược và giải pháp thuế đối với ngành dầu khí và khai khoáng
Đó là chủ đề của Hội thảo “Các thực tiễn, chiến lược và giải pháp thuế đối với ngành dầu khí và khai khoáng” do Tổng cục Thuế, Uỷ ban kinh tế và xã hội Liên hiệp quốc phối hợp tổ chức đã diễn ra ngày 06/3 tại Đà Nẵng.
Hội thảo thu hút sự quan tâm của các đại biểu đến từ các cơ quan thuế khu vực ASEAN, các chuyên gia thuế của Liên hiệp quốc, các quốc gia Châu Phi có ngành khai khoáng đang phát triển như Ghana, Ni-giê-ria, Zăm-bia, Nam Phi. Phía Việt Nam có sự tham gia của đại diện Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, một số vụ, cục của Tổng cục Thuế, các cục thuế Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP HCM, Hà Nội, các DN trong lĩnh vực khai khoáng như Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Than - khoáng sản.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, tại Việt Nam hai lĩnh vực kinh tế có đóng góp quan trọng và luôn đồng hành với quá trình phát triển của đất nước là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và ngành công nghiệp khai khoáng.
Trong công nghiệp khai khoáng, Việt Nam đã tiến hành điều tra cơ bản, thăm dò và phát hiện mới trên 5.000 điểm khoáng và mỏ. Một số loại khoáng sản có giá trị công nghiệp đã được đánh giá như dầu - khí (1,2 tỷ - 1,7 tỷ m3), than (240 tỷ tấn), sắt (2 tỷ tấn), titan (600 triệu tấn khoáng vật nặng), bauxit (10 tỷ tấn)…
Tuy nhiên, vai trò của khai khoáng ngày càng giảm tương đối do sự thay đổi cơ cấu của nền kinh tế và những khó khăn phải đối mặt là tài nguyên khoáng sản cạn dần, việc khai thác ngày càng khó khăn hơn, các tranh chấp trên biển Đông… trong khi yêu cầu kiểm soát môi trường trở nên chặt chẽ hơn.
Tham gia vào ngành công nghiệp khai khoáng có các Tập đoàn kinh tế lớn như Tập đoàn Than và Khoáng sản (TKV), Tập đoàn Hóa chất (VinaChem), Tập đoàn Dầu khí (PVN). Gần đây, cùng với tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, lĩnh vực khai khoáng đã có sự tham gia của các tập đoàn kinh tế tư nhân.
Trong nhiều thập kỷ, công nghiệp khai khoáng là trụ cột kinh tế của đất nước, có đóng góp rất đáng kể vào tăng trưởng GDP, thực hiện vai trò công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô, thu hút nhiều lao động, có đóng góp rất lớn vào ngân sách nhà nước (đã có giai đoạn số thu từ dầu thô đã chiếm trên 25% tổng số thu NSNN).
Trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế, nhằm tạo môi trường pháp lý cho thu hút đầu tư, thúc đẩy thương mại, Việt Nam đã tham gia ký kết 17 hiệp định thương mại tự do (12 hiệp định đã có hiệu lực). Trên 70 hiệp định tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập và tài sản cũng đã được ký kết với các quốc gia, vùng lãnh thổ. Các cam kết quốc tế trong các hiệp định thuế và thương mại nêu trên vừa tạo cơ hội cho sự phát triển kinh tế xã hội nhưng cũng tạo ra không ít thách thức cho Việt Nam trong cạnh tranh quốc tế cũng như với các nước trong khu vực.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế DN lớn (Tổng cục Thuế) cho biết, các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động dầu khí tại Việt Nam đều thực hiện nghĩa vụ nộp thuế.
Cụ thể, đối với thuế xuất khẩu, nhập khẩu, hàng hoá xuất nhập khẩu qua biên giới Việt Nam có nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; quy định về miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu phục vụ hoạt động dầu khí (thiết bị, máy móc, vật tư loại trong nước chưa sản xuất được); dầu thô, khí thiên nhiên xuất khẩu nộp thuế xuất khẩu theo mức quy định (hiện hành 10%).
Ngoài ra là 10% thuế giá trị gia tăng đối với dầu thô, khí thiên nhiên và các sản phẩm lọc hóa dầu, chế phẩm dầu khí. Dầu thô hoặc khí thiên nhiên xuất khẩu thì không thu thuế GTGT nhưng cũng không được khấu trừ, không được hoàn lại thuế đầu vào. Ưu đãi dành cho giai đoạn tìm kiếm, thăm dò là việc hoàn lại thuế GTGT đã nộp đối với hàng hóa, vật tư mà nhà thầu dầu khí đã mua vào để sử dụng cho tìm kiếm thăm dò trong giai đoạn chưa có phát hiện thương mại.
Thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức 32% đến 50%, được quy định cụ thể đối với từng hợp đồng, tùy thuộc vào vị trí, điều kiện khai thác và trữ lượng mỏ. Thuế nhà thầu nước ngoài bao gồm thuế GTGT, thuế TNDN, TNCN mà nhà thầu, nhà thầu phụ nước ngoài không đăng ký pháp nhân Việt Nam nhưng có các hoạt động kinh doanh ở Việt Nam, cung cấp dịch vụ cho hoạt động dầu khí.
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận những vấn đề như tác động của các hiệp định thuế đối với chính sách và quản lý thuế công nghiệp khai khoáng (thuế nhà thầu phụ, chuyển nhượng vốn gián tiếp); mối quan hệ giữa các hiệp định thương mại, bảo hộ đầu tư, thuế và các vấn đề liên quan.
Các đại biểu cũng thảo luận về chuyển giá và chuyển lợi nhuận, các khía cạnh về thuế của việc thu dọn mỏ dầu khí và thiết bị khai khoáng; thanh tra thuế ngành khai khoáng, kinh nghiệm ưu đãi thuế ngành khai khoáng, vấn đề thuế GTGT.