Chính phủ luôn lắng nghe, chia sẻ, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Anh Minh (t/h)

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ luôn lắng nghe, chia sẻ, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) như thực hiện các chính sách gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất, miễn giảm thuế, phí, lệ phí với tổng quy mô khoảng 200.000 tỷ đồng; giảm 2% thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết của Quốc hội...

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Chấp hành Hiệp hội DNNVV Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Chấp hành Hiệp hội DNNVV Việt Nam.

Chiều tối 6/7, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam về tình hình hoạt động của Hiệp hội, cộng đồng DNNVV và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN.

Tạo điều kiện cho các DN tiếp cận vốn tốt hơn

Theo Hiệp hội DNNVV, thời gian qua, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và các tác động từ tình hình thế giới, đơn hàng của các DNNVV sụt giảm, đầu ra khó khăn, chi phí nguyên, nhiên, vật liệu vẫn cao… ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất, kinh doanh của các DNNVV. Việc các DNNVV khó khăn trong sản xuất, kinh doanh ảnh hưởng tới doanh thu của DN, đặc biệt ảnh hưởng tới việc làm, thu nhập của người lao động.

Trong bối cảnh đó, Hiệp hội và các DNNVV đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan xem xét chỉ đạo, tạo điều kiện cho các DN tiếp cận vốn tốt hơn; tiếp tục giảm lãi suất, nới lỏng điều kiện cho vay; xem xét thành lập quỹ, dùng đòn bẩy tín dụng hỗ trợ vốn cho DN; cơ cấu lại các khoản nợ cho DN; có chính sách đào tạo quản trị DN; tạo điều kiện để các DNNVV tham gia các chương trình, công trình, dự án có giá trị lớn…, góp phần tháo gỡ khó khăn, giúp các DNNVV phát triển.

Sau khi lắng nghe ý kiến, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao cộng đồng DN, trong đó có các DNNVV, chiếm hơn 97% số DN cả nước, đã tích cực tham gia phòng chống dịch COVID-19, cùng cả nước kiểm soát được dịch bệnh, mở cửa, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đạt nhiều kết quả tích cực, quan trọng.

Thủ tướng cũng hoan nghênh các hoạt động, thành tựu của các DNNVV, góp phần vào thành tựu, kết quả của cộng đồng DN nói chung và nâng cao giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam.

Chia sẻ với những khó khăn, thách thức cộng đồng DN đang phải đối diện, Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ luôn lắng nghe, chia sẻ, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Thời gian qua, Chính phủ đã thực hiện các chính sách gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất, miễn giảm thuế, phí, lệ phí với tổng quy mô khoảng 200.000 tỷ đồng; giảm 2% thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết của Quốc hội…; tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các thị trường trái phiếu DN, bất động sản; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; hỗ trợ DN phục hồi nhanh, phát triển bền vững...

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, những giải pháp trên có thể chưa đáp ứng được hết các yêu cầu của sự phát triển và thời gian tới, do vậy, cần phải quyết tâm, nỗ lực hơn nữa. Thủ tướng cho biết, kết quả khảo sát 10.000 DN gần đây cho thấy, 59,2% DN cho rằng khó khăn lớn nhất là về đơn hàng, 51,1% cho rằng khó khăn lớn nhất là về tiếp cận vốn; còn lại là những khó khăn trong đáp ứng thủ tục hành chính và quy định của pháp luật.

Nghiên cứu, triển khai các gói tín dụng để kích cầu tiêu dùng

Làm rõ về những khó khăn trong tiếp cận vốn, lãi suất còn cao, Thủ tướng nêu rõ, ngành Ngân hàng đã 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, nỗ lực giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tăng dư nợ tín dụng, tăng khả năng tiếp cận tín dụng, nhưng cần tiếp tục triển khai các giải pháp mạnh mẽ hơn nữa, mang lại hiệu quả thiết thực hơn nữa.

Trong bối cảnh lạm phát được kiểm soát và giảm dần, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, với định hướng chính sách ưu tiên hơn cho mục tiêu tăng trưởng, tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng), Thủ tướng đề nghị, ngành Ngân hàng tiếp tục triển khai các nghị quyết của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, đặc biệt là triển khai chính sách tiền tệ linh hoạt, nới lỏng hơn.

Về vấn đề vốn của DNNVV còn khiêm tốn, Thủ tướng cho rằng, chúng ta phải tìm cách cải thiện vấn đề này, các DN phối hợp, hợp tác với ngân hàng để tiếp cận vốn. Về vướng mắc pháp lý, Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành tiếp tục rà soát, nội dung nào thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì báo cáo, đề xuất Quốc hội, những nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì Chính phủ làm, các nội dung thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành thì các bộ, ngành làm.

Chính phủ sẽ rà soát lại các quỹ, tiếp tục nghiên cứu triển khai các giải pháp hỗ trợ về đào tạo nhân lực, nâng cao khả năng quản trị của doanh nghiệp và cơ chế ưu tiên cho doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển các lĩnh vực mới như đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ.

Về những khó khăn liên quan tới đơn hàng, Thủ tướng nhấn mạnh, cần tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát huy hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và đàm phán các FTA mới, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Tiếp tục nghiên cứu, triển khai các giải pháp kích cầu tiêu dùng (miễn giảm thuế, phí, lệ phí…), kêu gọi đẩy mạnh Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ giao NHNN nghiên cứu, triển khai các gói tín dụng để kích cầu tiêu dùng; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát các quy định để giao các dự án đầu tư hạ tầng cho DNNVV theo quy định của pháp luật...