Chính phủ muốn đẩy mạnh phát triển thị trường phái sinh
Trong bối cảnh năm 2018, việc triển khai sản phẩm mới trên thị trường chứng khoán (TTCK) phái sinh chậm trễ, ngay trong ngày đầu tiên của năm 2019, Chính phủ đã thể hiện định hướng khắc phục tình trạng này qua thông điệp muốn đẩy mạnh phát triển thị trường phái sinh.
Vượt qua “điều tiếng”
Việc chỉ số VN-Index trong năm 2018 giảm 9,3% so với năm trước đã “tạo đất” cho TTCK phái sinh gặt hái thêm những kết quả tích cực.
Theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, TTCK phái sinh đã tăng trưởng tốt trong năm 2018, khi khối lượng giao dịch bình quân đạt 78.800 hợp đồng/phiên, tăng gần 7 lần so với bình quân năm 2017. Khối lượng mở OI toàn thị trường tiếp tục duy trì xu hướng tăng, khi kết thúc năm 2018 đạt gần 21.653 hợp đồng, tăng 2,7 lần so với cuối năm 2017.
Lý giải thanh khoản trên TTCK phái sinh tăng mạnh trong năm qua, theo Chủ tịch HÐQT HNX Nguyễn Thành Long, có hai nguyên nhân cơ bản: TTCK cơ sở giảm làm tăng nhu cầu phòng ngừa rủi ro và nhu cầu đầu tư để kiếm lời có tín hiệu tăng.
Ở khía cạnh phòng ngừa rủi ro, diễn biến trên TTCK phái sinh cho thấy, khi thị trường cơ sở giảm đã làm tăng thanh khoản trên TTCK phái sinh. Nhờ công cụ phái sinh đã giảm đà bán tháo trên TTCK cơ sở.
Có ý kiến cho rằng, VN-Index thậm chí không dừng ở mức giảm 9,3% nếu Việt Nam chưa có TTCK phái sinh. Tuy nhiên, để khẳng định được điều này, TTCK phái sinh đã đứng trước nhiều sức ép, thậm chí bị “mang tiếng” hút bớt tiền của TTCK cơ sở, làm cho thị trường này giảm sâu hơn vào giữa năm 2018.
Sự đi xuống của TTCK cơ sở ở thời điểm đó “nóng” đến mức, theo ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, lần đầu tiên trong lịch sử 19 năm phát triển của TTCK Việt Nam, thường trực Chính phủ đã họp bàn để nghe báo cáo về diễn biến của TTCK, từ đó có những chỉ đạo rất sát sao.
Trong bối cảnh TTCK cơ sở lao dốc, từng có ý kiến cực đoan là cần siết mạnh để tránh hệ lụy từ sự phát triển “nóng” của TTCK phái sinh. Rất may là với sự điều hành hợp lý của Chính phủ, Bộ Tài chính, chỉ có một động tác “thắt chặt” được áp dụng là nâng tỷ lệ ký quỹ từ 10% lên 13% vào giữa tháng 7/2018. Tuy nhiên, dù chỉ tăng 3% tỷ lệ ký quỹ cũng đã khiến TTCK phái sinh sụt giảm thanh khoản, ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư và phải mất một thời gian sau đó thị trường mới dần cân bằng trở lại.
Nói như vậy để thấy để được cơ quan quản lý, thành viên thị trường thừa nhận chứng khoán phái sinh đã trở thành công cụ để phòng ngừa rủi ro.
Có thể đây là một trong những cơ sở để ngay trong Nghị quyết 01/2019 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, lần đầu tiên Chính phủ đưa ra định hướng: Ðẩy mạnh phát triển thị trường phái sinh, bên cạnh một số định hướng lớn khác về phát triển TTCK trong năm nay như đẩy mạnh phát triển TTCK, triển khai Ðề án cơ cấu lại TTCK, đẩy mạnh phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp và các sản phẩm mới…
Phái sinh chờ gỡ 3 nút thắt
Ðể đẩy mạnh phát triển thị trường phái sinh như như Chính phủ “ra đề”, hiện có ít nhất 3 nút thắt lớn cần được tháo gỡ.
Ðầu tiên là nút thắt quá thiếu vắng nhà đầu tư tổ chức. Ðây là điều HNX trăn trở khi nhìn lại TTCK phái sinh năm 2018. Hiện gần như tuyệt đại đa số (99%) tham gia TTCK phái sinh là nhà đầu tư cá nhân, dù theo định hướng phát triển của nhà quản lý, cũng như thông lệ phát triển của thị trường quốc tế, nhà đầu tư tổ chức thường chiếm đại đa số trên TTCK phái sinh.
Thực tiễn từ thị trường cho thấy, do thiếu cơ chế phát triển nhà đầu tư tổ chức, cộng với bối cảnh thị trường chưa thuận lợi, nên khiến cho việc triển khai sản phẩm chứng khoán phái sinh thứ hai là Hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ (TPCP) đã bị lỗi hẹn trong năm 2018.
Nhiều chuyên gia cho rằng, phát triển nhà đầu tư tổ chức đang là bài toán hóc búa nhất không chỉ cho triển khai sản phẩm phái sinh thứ hai - Hợp đồng tương lại TPCP, mà cả cho triển khai các sản phẩm phái sinh khác. Nếu nút thắt này không sớm có giải pháp tháo gỡ thì mục tiêu triển khai Hợp đồng tương lai TPCP trong quý I/2019 mà UBCK đang theo đuổi cũng không dễ thành hiện thực.
Một nút thắt nữa là TTCK phái sinh hiện mới có một sản phẩm dựa trên VN30, trong khi chỉ số này đang đối mặt với mối nghi ngờ về rủi ro bị “bóp méo”, do lượng cổ phiếu trong rổ ít, có những cổ phiếu thanh khoản thấp. Việc TTCK phái sinh mới có một chỉ số đã làm hạn chế việc triển khai thêm các sản phẩm mới để đáp ứng đa dạng khẩu vị đầu tư của nhà đầu tư.
Ðược biết, để dần khắc phục những bất cập này, HNX đã khởi động xây dựng bộ chỉ số mới là VNX200, nhưng theo lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, nếu nhanh thì cuối năm 2019 chỉ số này mới được đưa vào vận hành.
Nút thắt thứ ba là chưa có cơ chế khuyến khích về phí, thuế như cách các thị trường quốc tế đã triển khai trong giai đoạn phát triển TTCK phái sinh ban đầu. Việc giải nút thắt này nằm ngoài tầm với của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài chính, mà rất cần sự vào cuộc của Chính phủ, Quốc hội.