Chính phủ thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, giải ngân vốn đầu tư công

PV

Sáng ngày 3/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023.

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023

Tại Phiên họp, Chính phủ tập trung thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm, triển khai Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia, giải ngân vốn đầu tư công và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới.

Bên cạnh đó, các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương cũng trao đổi về thực trạng tình hình thị trường quốc tế và trong nước, các nhiệm vụ, giải pháp phát triển thị trường trong nước và thúc đẩy xuất khẩu; tình hình thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP năm 2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 cùng nhiều nội dung quan trọng khác...

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, báo cáo của các bộ, ngành, địa phương cho thấy, tháng 2 là tháng đầu sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán; tình hình quốc tế và trong nước có những thay đổi đáng chú ý. Tình hình thế giới tiếp tục phức tạp, khó lường; Giá dầu không ổn định. Lạm phát thế giới hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao. Chính sách tiền tệ các nước tiếp tục thắt chặt; sức mua của các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống của Việt Nam như Mỹ, EU giảm sút... Các tổ chức quốc tế dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 thấp hơn năm 2022...

Trong bối cảnh thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo, điều hành các bộ, ngành, địa phương triển khai mạnh mẽ các công việc, nhất là thực hiện hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh và đạt được một số kết quả nổi bật.

Trong tháng 2 và 2 tháng đầu năm, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục đạt những kết quả tích cực, đáng ghi nhận. Tình hình kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Trong 2 tháng qua, thu NSNN đạt 22,4% dự toán, tăng 10,6% so với cùng kỳ; xuất siêu 2,82 tỷ USD; an ninh lương thực, năng lượng được bảo đảm; cung ứng lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu. Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, lãi suất được điều chỉnh giảm; điều hành tỉ giá phù hợp với diễn biến thị trường.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký cấp mới có tín hiệu tích cực, trong đó 2 tháng đầu năm đạt 1,76 tỷ USD, cao gấp 2,8 lần cùng kỳ năm 2022. Cán cân thương mại tháng 2 ước xuất siêu 2,3 tỷ USD, tính chung 2 tháng xuất siêu 2,82 tỷ USD.

Về tình hình triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đến nay đã giải ngân các chính sách hỗ trợ đạt hơn 81,1 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ tín dụng, lãi suất, tiền thuê nhà, giảm thuế, lệ phí... cho các đối tượng.

Về công tác phân bổ kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2023, căn cứ số vốn hơn 707.044 tỷ đồng đã được Quốc hội phân bổ chi tiết cho từng bộ, cơ quan Trung ương, địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã giao 100% số vốn Quốc hội quyết nghị. Theo đó, tính đến ngày 1/3/2023, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch chi tiết cho danh mục nhiệm vụ, dự án đạt 85,2% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.

Về tình hình giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2023, ước thanh toán đến ngày 28/02 là hơn 49.247 tỷ đồng, đạt 6,97% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm 2022 khoảng 4,6 nghìn tỷ đồng.

Đối với 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đã giao hơn 48.355 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương năm 2023 cho các bộ, địa phương; đạt 97,6% tổng kế hoạch vốn. Đến ngày 1/3, có 42/48 địa phương đã giao chi tiết dự toán NSNN, kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2023 của 3 chương trình mục tiêu quốc gia...

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, quý I/2023 là quý khởi đầu và tạo đà cho cả năm 2023, do vậy Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cùng tập trung phân tích kỹ lưỡng tình hình, đánh giá khách quan, trung thực về những việc đã làm được, những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức, phân tích nguyên nhân, rút ra các bài học kinh nghiệm.

Qua Phiên họp này, Chính phủ mong muốn các bộ, ngành sẽ tìm được những giải pháp phù hợp, kịp thời để phát huy tối đa thời cơ, thuận lợi, những thành tựu đã đạt được, vượt qua các thách thức, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc mà người dân và doanh nghiệp đang gặp phải...