Khẩn trương phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023

Việt Hoàng

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương ngay sau Hội nghị phải triển khai ngay các công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Đồng thời, khẩn trương phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023; chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương những kết quả mà các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực đạt được.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương những kết quả mà các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực đạt được.

8 bộ, cơ quan Trung ương và 30 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt từ 100%

Phát biểu kết luận Hội nghị trực tuyến toàn quốc đôn đốc đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sáng ngày 21/2, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương những kết quả mà các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực đạt được trong công tác giải ngân vốn đầu tư công, đóng góp quan trọng vào phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua.

Tại Hội nghị, các đại biểu nhất chí đánh giá Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã chỉ đạo công tác giải ngân vốn đầu tư công đồng bộ, khẩn trương, quyết liệt, sát sao, hiệu quả; qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn.

Cụ thể, trong năm 2022, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 12 nghị quyết (3 nghị quyết chuyên đề), 4 công điện, 7 văn bản; tổ chức 3 hội nghị trực tuyến với các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương; thành lập 6 tổ công tác do 4 Phó Thủ tướng và 2 Bộ trưởng làm Tổ trưởng để kiểm tra, đôn đốc công tác giải ngân.

Các tổ công tác đã tiến hành kiểm tra, đôn đốc, đánh giá và tháo gỡ vướng mắc, khó khăn của các bộ, ngành địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp với tinh thần tháo gỡ những "nút thắt", "điểm nghẽn", đề xuất các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung thể chế, cơ chế, chính sách, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các địa phương về giải ngân vốn đầu tư công.

Công tác giải ngân vốn đầu tư công đã được triển khai đồng bộ và đạt được một số kết quả tích cực. Theo đó, năm 2022 (tính đến hết tháng 1/2023) ước giải ngân trên 541 nghìn tỷ đồng, đạt gần 93,5% kế hoạch, tuy thấp hơn cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 đạt 95,11%) nhưng là năm có số tuyệt đối giải ngân cao nhất so với các năm trước đây, tăng khoảng 23,5% (khoảng 103 nghìn tỷ đồng) so với năm 2021.

Trong đó, Thủ tướng Chính phủ biểu dương 8 bộ, cơ quan Trung ương và 30 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt và vượt 100% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tiến độ nhiều công trình, dự án hạ tầng quan trọng quốc gia, các tuyến cao tốc liên kết vùng được đẩy nhanh. Cùng với đó, tập trung xử lý các dự án tồn đọng, thua lỗ, kéo dài, báo cáo các cấp có thẩm quyền với các vấn đề vượt thẩm quyền. Đặc biệt, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 310 km đường bộ cao tốc, thông xe kỹ thuật 255 km; khởi công 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 và nhiều công trình, dự án quan trọng khác...

Về triển khai Chương trình phục hồi và phát triển, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan, địa phương đã nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ được giao; Các văn bản hướng dẫn thực hiện các chính sách thuộc Chương trình đã được ban hành kịp thời, phát huy hiệu quả, góp phần đưa chính sách nhanh chóng đi vào cuộc sống.

Qua đó, tính đến hết tháng 1/2023, các chính sách hỗ trợ ước giải ngân đạt 80,8 nghìn tỷ đồng; trong đó, cho vay thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 16.036 tỷ đồng, hỗ trợ lãi suất 878 tỷ đồng, hỗ trợ tiền thuê nhà đạt 3.744 tỷ đồng, hỗ trợ 2% lãi suất đạt hơn 134 tỷ đồng, giảm thuế, phí, lệ phí 52.623 tỷ đồng, hỗ trợ chi phí cơ hội thông qua gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất là 7,4 nghìn tỷ đồng.

Về chi đầu tư phát triển, Thủ tướng Chính phủ đã giao 147.138/176.000 tỷ đồng; đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến với số vốn 14.710 tỷ đồng.

Về 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 69 văn bản quy định cơ chế quản lý, hướng dẫn thực hiện các chương trình. Tính đến hết tháng 12/2022, 3 chương trình mục tiêu quốc gia đã giải ngân khoảng 92,9% kế hoạch vốn đối ứng từ ngân sách địa phương. Có 5 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt 100% là: Hà Nam, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Tây Ninh.

Sẽ ban hành Chỉ thị về công tác giải ngân

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, Hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến phát biểu tâm huyết, trách nhiệm, sát thực tế, thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, tồn tại, khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp để thực hiện hiệu quả trong năm 2023.

Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ rõ một số vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách chưa điều chỉnh phù hợp yêu cầu thực tiễn; một số dự án có giá nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh và nhiều nơi còn thiếu hụt nguồn cung nguyên vật liệu; tăng chi phí doanh nghiệp; chậm trễ trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư... Thủ tướng yêu cầu cần nghiêm túc phân tích nguyên nhân, kiểm điểm trách nhiệm, quyết liệt triển khai các giải pháp để cải thiện giải ngân vốn đầu tư công.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương ngay sau hội nghị phải triển khai ngay các công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Khẩn trương phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2023; tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại các nghị quyết của Chính phủ, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải...

Thủ tướng giao bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan Trung ương và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, rà soát các dự án, nhất là các dự án khởi công mới; kiểm soát chặt chẽ sự cần thiết, quy mô từng dự án theo đúng quy hoạch, mục tiêu đã được duyệt, bảo đảm hiệu quả đầu tư và kết quả đầu ra của từng dự án.

Giao Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ các thông tin, dữ liệu giải ngân về đầu tư công và thông tin, dữ liệu các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia theo thời gian thực để phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành.

Về triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc. Ngân hàng Nhà nước khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 31/2022/NĐ-CP trong quý I để tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, thúc đẩy giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2%.

Về 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc; Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì trình Chính phủ sửa đổi ngay Nghị định số 27/2022/NĐ-CP  quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Ngay sau Hội nghị, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp thu đầy đủ, hoàn thiện, trình Thủ tướng để sớm ban hành Chỉ thị về công tác giải ngân vốn đầu tư công.