Chính sách hỗ trợ ngành chế biến xuất khẩu gỗ phát triển
Ngành Gỗ Việt Nam là một trong những ngành phát triển mạnh. Kim ngạch xuất khẩu của Ngành đã tăng 6 lần trong vòng 10 năm (2004- 2014) và là Ngành duy nhất cán đích mục tiêu kim ngạch xuất khẩu trước 5 năm (năm 2015 đã đạt kim ngạch xuất khẩu 6,9 tỷ USD trong khi mục tiêu năm 2020 là 7 tỷ USD). Hội nhập quốc tế chính là cơ hội, song cũng là những thách thức đặt ra đối với các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ, đặc biệt là đối với những doanh nghiệp thiếu nguồn lực và kỹ năng cần thiết để thay đổi… Bối cảnh chung cho thấy, cần có chính sách để góp phần hỗ trợ ngành Chế biến xuất khẩu gỗ hội nhập hiệu quả.
Bối cảnh chung của doanh nghiệp ngành Chế biến xuất khẩu gỗ
Thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp cho thấy, năm 2015 Việt Nam có 4.000 doanh nghiệp (DN) chế biến và kinh doanh lâm sản. Trong số này có 3.000 DN trực tiếp chế biến, số còn lại là các DN thương mại.
Theo khảo sát của Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) các sản phẩm gỗ từ Việt Nam hiện đang được tiêu thụ tại trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2015, kim ngạch xuất khẩu của toàn Ngành đạt 6,9 tỷ USD, tăng 10% so với kim ngạch của năm 2014 và 23% so với năm 2013.
Kim ngạch từ xuất khẩu nhóm các mặt hàng gỗ đạt 2,11 tỷ USD, chiếm 30,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu, trong khi kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng thuộc nhóm sản phẩm gỗ đạt 4,97 tỷ USD, tương đương 69,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Năm 2015 ngành Chế biến gỗ xuất khẩu chiếm vị trí thứ 6 về kim ngạch trong số những nhóm mặt hàng xuất khẩu của quốc gia.
Trong ngành Chế biến gỗ, hiện có 80% DN là sở hữu tư nhân; các DN có vốn đầu tư nước ngoài - FDI (khoảng 14%) và DN có vốn sở hữu nhà nước (4%). Mặc dù, số lượng các DN FDI chiếm tỷ lệ nhỏ nhưng giá trị kim ngạch xuất khẩu của các DN này rất lớn, chiếm khoảng 50% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của cả nước.
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong quý I/2016, tổng kim nghạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của các DN FDI đạt 720 triệu USD, chiếm 47,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của cả nước.
Hiện ngành Chế biến gỗ đang thu hút được khoảng 300.000 lao động. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 1-2% trong tổng số là lao động có trình độ đại học; 20-30% trong tổng lao động được đào tạo bài bản, còn lại là lao động phổ thông (70-80%). Điều này dẫn đến chất lượng và năng suất lao động của ngành Gỗ Việt Nam thấp, chỉ bằng 50% năng suất lao động trong ngành gỗ của Philipin, 40% của Trung Quốc và 20% của Liên minh châu Âu (EU).
Về trình độ công nghệ, Báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp cho thấy, đa số các cơ sở chế biến gỗ trong nước ở quy mô nhỏ, có trình độ công nghệ thấp, máy móc thiết bị lạc hậu nên sản phẩm sản xuất đạt chất lượng thấp, không có khả năng cạnh tranh trên thị trường mà đa số chỉ thực hiện gia công ở công đoạn sơ chế…
Theo phân tích của giới chuyên gia, khi tham gia hội nhập các cam kết có thể ảnh hưởng tới ngành Chế biến gỗ đều tập trung ở nhóm các cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), mà chủ yếu là các nghĩa vụ trong khuôn khổ Hiệp định về trợ cấp và các biện pháp đối kháng (Hiệp định về trợ cấp và các biện pháp đối kháng (SCM) và Hiệp định về các biện pháp đầu tư liên quan tới thương mại (TRIMS); các cam kết trong khuôn khổ các hiệp định thương mại tự do đã hoặc sắp có hiệu lực phần nhiều không ảnh hưởng nhiều tới ngành Gỗ.
Sau khi rà soát các cam kết trong WTO, Báo cáo nghiên cứu “Các rủi ro chính đối với ngành Chế biến xuất khẩu gỗ trong bối cảnh hội nhập– Thực trạng và Đề xuất giải pháp chính sách” khẳng định rằng: Không gian chính sách chung cho ngành Chế biến xuất khẩu gỗ (với tính chất là một ngành sản xuất hàng hóa) là không nhiều. Bởi vì:
(i) Hiệp định SCM: Quy định rất nhiều các ràng buộc về các biện pháp trợ cấp/hỗ trợ tài chính cho DN và là khung khổ cơ bản giới hạn các chính sách hỗ trợ nói chung của một quốc gia thành viên với các ngành nội địa của mình. Hiệp định áp dụng cho hàng hóa phi nông nghiệp, do đó toàn bộ các quy định của Hiệp định này sẽ áp dụng cho ngành Gỗ. Như vậy, Hiệp định chỉ cho phép các nước thành viên, trong đó có Việt Nam thực hiện một số hình thức trợ cấp sau:
- Trợ cấp không cá biệt, tức là các loại trợ cấp không hướng tới một hoặc một nhóm DN/ngành/khu vực địa lý nào. Tiêu chí để hưởng trợ cấp là khách quan; không cho cơ quan có thẩm quyền cấp khả năng tùy tiện xem xét và không tạo ra hệ quả ưu đãi riêng đối với bất kỳ đối tượng nào;
- Trợ cấp cho hoạt động nghiên cứu do các công ty, tổ chức nghiên cứu tiến hành (với một số điều kiện về loại trợ cấp và mức trợ cấp cụ thể);
- Trợ cấp cho các khu vực khó khăn (với các tiêu chí xác định cụ thể về mức thu nhập bình quân hoặc tỷ lệ thất nghiệp);
- Trợ cấp để hỗ trợ điều chỉnh các điều kiện sản xuất cho phù hợp với môi trường kinh doanh mới.
Đối với các trường hợp trợ cấp xuất khẩu hoặc trợ cấp nhằm ưu tiên sử dụng hàng nội địa so với hàng nhập khẩu sẽ không được phép áp dụng. Tất cả các biện pháp trợ cấp khác ngoài những nhóm trên vẫn có thể thực hiện nhưng nếu gây thiệt hại cho các nước thành viên khác hoặc ngành sản xuất sản phẩm tương tự của các nước thành viên thì có thể bị kiện ra WTO.
(ii) Hiệp định TRIMS: Quy định cụ thể về một số biện pháp liên quan tới đầu tư mà WTO cấm các nước thành viên áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài. Phần nhiều các biện pháp này hướng tới bảo đảm quyền được đối xử công bằng và quyền tự chủ trong các quyết định kinh doanh của nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong các ngành sản xuất. Các quy định này của TRIMS đã được nội luật hóa trong Luật Đầu tư. Do đó, ngoài việc tuân thủ các nguyên tắc trong Luật Đầu tư, Việt Nam không bị ràng buộc nào khác từ TRIMS đối với ngành Chế biến, xuất khẩu đồ gỗ.
Một số đề xuất và khuyến nghị
Rà soát các chính sách liên quan, trong một báo cáo mới đây của VCCI khẳng định, ngành Chế biến xuất khẩu gỗ là đối tượng của một số chính sách hỗ trợ chung cho nhiều nhóm chủ thể nhưng chỉ mang tính thời điểm (trong một số giai đoạn kinh tế khó khăn/khủng hoảng). Điển hình như:
- Quyết định 443/QĐ-TTg ngày 4/4/2009 về hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức, cá nhân vay vốn trung và dài hạn ngân hàng để thực hiện đầu tư mới để phát triển sản xuất – kinh doanh;
- Quyết định 131/QĐ-TTg ngày 23/1/2009 về việc hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức, cá nhân vay vốn ngân hàng để sản xuất kinh doanh;
- Nghị định 75/2011/NĐ-CP ngày 30/8/2011 của Chính phủ về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước (được sửa đổi, bổ sung sau đố bởi Nghị định 54/2013/NĐ-CP ngày 22/5/2013 và Nghị định 133/2013/NĐ-CP ngày 17/10/2013). Theo Nghị định này, sản xuất đồ gỗ xuất khẩu được xếp trong nhóm hàng thủ công mỹ nghệ, trong Danh mục mặt hàng được vay vốn tín dụng xuất khẩu; tuy nhiên, để phù hợp với các cam kết quốc tế, lãi suất vay được quy định là phải xác định theo nguyên tắc phù hợp với lãi suất thị trường. Vì vậy, về mặt nguyên tắc đây không phải là chính sách ưu đãi tín dụng.
Trên cơ sở xác định không gian chính sách khả thi còn lại theo các cam kết quốc tế và hiện trạng chính sách nội địa đối với ngành Chế biến xuất khẩu gỗ, VCCI đã đề xuất một số khuyến nghị về chính sách, chủ yếu tập trung vào 3 nội dung cụ thể như sau:
Thứ nhất, hỗ trợ DN vượt qua rủi ro liên quan tới tính hợp pháp của gỗ nguyên liệu.
Về nguyên tắc, khi các yêu cầu về tính hợp pháp của gỗ có hiệu lực toàn bộ, nếu hàng hóa đã được chuyển tới biên giới nước nhập khẩu mà DN không thể bảo đảm các yêu cầu về tính hợp pháp của nguồn gỗ nguyên liệu, DN sẽ đứng trước nguy cơ hoặc là phải trả tiền lưu kho tại cảng trong lúc tìm kiềm bằng chứng chứng minh gỗ hợp pháp, hoặc là phải chuyển hàng về lại Việt Nam. Ở hai khả năng, DN đều chịu rủi ro, thiệt hại lớn.
Trong khi đó, Việt Nam lại chưa có cơ chế nào giúp DN có thể kiểm soát, giảm thiểu nguy cơ rủi ro nói trên trước khi xuất khẩu.
Giải pháp đặt ra là cần thiết lập cơ chế kiểm tra tự nguyện cho DN trước khi họ xuất hàng đi. Cơ chế này giống như một hình thức thử nghiệm giúp DN đánh giá được khả năng tuân thủ quy định về tính hợp pháp của nguồn gốc gỗ ngay tại Việt Nam, từ đó có thể xử lý ngay trước khi hàng hóa sang đến thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, để cơ chế đạt được hiệu quả như mong muốn cần đảm bảo các yêu cầu sau:
(i) Cơ chế kiểm soát phải hoàn toàn tự nguyện, tránh việc tạo thêm các thủ tục mới không cần thiết cho DN;
(ii) Việc kiểm soát được thực hiện theo yêu cầu riêng của từng thị trường, nhằm tránh tình trạng DN xuất đi một thị trường nhưng lại phải đánh giá sự phù hợp của hàng hóa với yêu cầu của nhiều thị trường;
(iii) Việc kiểm soát được thực hiện miễn phí, thúc đẩy các DN thực hiện việc kiểm soát tự nguyện; đồng thời, đây cũng là hình thức hỗ trợ cho DN từ phía Nhà nước;
(iv) Kết quả kiểm soát/đánh giá chỉ có giá trị tham khảo với DN, không phải là loại giấy tờ bắt buộc mà DN phải có trước khi xuất khẩu.
Thứ hai, hỗ trợ DN xây dựng hệ thống kiểm soát chuỗi cung hiệu quả.
Ngành Chế biến gỗ đang thu hút được khoảng 300.000 lao động. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 1-2% trong tổng số là lao động có trình độ đại học; 20-30% trong tổng lao động được đào tạo bài bản, còn lại là lao động phổ thông (70-80%).
Giải pháp cho vấn đề này là hỗ trợ tài chính hoặc kỹ thuật từ Nhà nước, cụ thể như:
(i) Hỗ trợ một phần chi phí xây dựng chứng chỉ: DN có các chứng chỉ được liệt kê có thể xuất trình hồ sơ chi phí xây dựng chứng chỉ để hỗ trợ một phần theo tỷ lệ cố định (ví dụ khoảng 30-50%). Trường hợp nguồn ngân sách không đủ hỗ trợ, có thể giới hạn hỗ trợ ở các DN nhỏ và vừa theo từng tiêu chí cụ thể;
(ii) Ưu đãi thuế thu nhập DN đối với DN gỗ có một trong các chứng chỉ liệt kê;
(iii) Cơ quan Nhà nước cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật như tư vấn chuyên môn, hướng dẫn việc thực hiện miễn phí cho các DN đang xin một trong các chứng chỉ trên.
Thứ ba, hỗ trợ DN xử lý rủi ro về lao động.
Khảo sát cho thấy, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho DN ngành Gỗ cải thiện chất lượng lao động là không nhiều, do vậy Nhà nước có thể hỗ trợ hoặc hỗ trợ một phần chi phí đào tạo lao động nghề mộc cho DN/trung tâm đào tạo nghề; khuyến khích tuân thủ pháp luật lao động thông qua biện pháp ưu đãi đãi về thuế. Qua đó, khuyến khích và thu hút lao động nghề này, đồng thời tạo điều kiện để người lao động học nghề mộc một cách bài bản với chi phí hợp lý.
Thứ tư, hỗ trợ DN nâng cao nhận thức, hiểu biết, thông tin về thị trường xuất khẩu. Cụ thể gồm:
(i) Thiết lập một hoặc các đầu mối thông tin về quy định pháp luật bắt buộc của thị trường xuất khẩu gỗ trọng điểm. Nội dung thông tin cung cấp phải bao hàm đầy đủ về quy định của từng thị trường xuất khẩu lớn hoặc có nguy cơ cao. Trường hợp các quy định dẫn chiếu tới quy định khác thì cần nêu cả nội dung của các quy định được dẫn chiếu. Do vậy, các thông tin cung cấp phải là những thông tin được xử lý phù hợp với trình độ và sự quan tâm của DN.
(ii) Tổ chức các khóa đào tạo, xuất bản các cẩm nang hướng dẫn DN về quy định của thị trường xuất khẩu về tính hợp pháp của gỗ nguyên liệu.
Thứ năm, thúc đẩy việc tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật Việt Nam về nguồn gốc gỗ.
Trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế trong vấn đề này, có một số giải pháp nên cân nhắc để tăng cường hiệu quả tuân thủ pháp luật như sau:
(i) Tăng mức xử phạt đối với hành vi vi phạm pháp luật về khai thác, lưu thông, chế biến gỗ sao cho lợi nhuận thu được từ nhiều hành vi vi phạm/nhiều lần vi phạm không đủ bù đắp cho một lần bị xử phạt;
(ii) Xem xét các cơ chế khoan hồng trong trường hợp tự nguyên thông báo về hành vi vi phạm với cơ quan có thẩm quyền;
(iii) Có cơ chế thưởng xứng đáng cho cá nhân và các cơ quan chức năng cho các trường hợp phát hiện vi phạm hoặc tố giác hành vi vi phạm;
(iv) Công khai các trường hợp vi phạm trên các website của cơ quan quản lý để làm gương…
Tài liệu tham khảo:
1. Kỷ yếu “Hội thảo Tận dụng không gian chính sách để hỗ trợ các ngành kinh tế nội địa”, năm 2016;
2. VCCI, Báo cáo Nghiên cứu “Rủi ro chính đối với ngành Chế biến xuất khẩu gỗ trong bối cảnh hội nhập: Thực trạng và đề xuất giải pháp”, năm 2016;
3. Một số website: Moit.gov.vn, trungtamwto.vn, baocongthuong.vn…