Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển công nghiệp hỗ trợ

Theo tapchithue.com.vn

Công nghiệp hỗ trợ được xác định là ngành xương sống của nền công nghiệp quốc gia, nhưng hạn chế lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam là tính liên kết kém nên khó tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn nước ngoài. Bên cạnh việc hỗ trợ của Nhà nước, thì sự nỗ lực và kết nối của các doanh nghiệp mới có thể vực dậy nền Công nghiệp hỗ trợ trong nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Còn nhiều trở ngại

Những năm gần đây, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển Công nghiệp hỗ trợ (CNHT). Tuy nhiên, theo các chuyên gia, do còn hạn chế về nguồn lực, CNHT trong nước hiện nay chỉ ở giai đoạn phát triển sơ khai, manh mún, doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm hỗ trợ còn rất ít, công nghệ lạc hậu, khả năng cạnh tranh kém. Các sản phẩm hỗ trợ trong nước còn nghèo nàn về chủng loại, kiểu dáng, giá lại cao hơn các nhiều sản phẩm cùng loại nhập khẩu. 

Theo ông Kiều Huỳnh Sơn, Tổng giám đốc Công ty TNHH sản xuất máy và sản phẩm thép Việt, mặc dù được xác định là chìa khóa thúc đẩy nền công nghiệp phát triển, nhưng CNHT ngành cơ khí Việt Nam còn tồn tại nhiều bất cập cần tháo gỡ.

Cụ thể, hiện nay có quá ít doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực CNHT, phần lớn đều mang tính tự phát, manh mún, chưa có quy hoạch, thiếu chuyên môn hóa nên hiệu quả mang lại chưa cao. Các chính sách hỗ trợ phát triển CNHT chưa đủ mạnh, nên chưa tạo được tính hấp dẫn thu hút doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư vào. Bên cạnh đó, theo ông Đặng Ngọc Quý, Giám đốc công ty TNNH kỹ nghệ Nam Sơn, ngay cả các doanh nghiệp trong nước cũng có tư tưởng dè chừng trước các thương hiệu Việt Nam.

Điểm mấu chốt là do các doanh nghiệp nội có quy mô nhỏ, lại  thiếu liên kết, thiếu sự tin tưởng và không có tính chuyên nghiệp. Chẳng hạn như trong các cụm CNHT, hay khu công nghiệp có những nhóm sản xuất liên quan nhau như nhuộm, xi mạ… thay vì liên kết hình thành nhóm sản xuất ra sản phẩm hoàn chỉnh, thì các doanh nghiệp trong nước lại muốn làm đơn độc vì không tin tưởng nhau. 

Tiếp sức cho công nghiệp hỗ trợ

Theo các chuyên gia, trong phát triển CNHT, cần xác định thị trường ở đâu và phải sản xuất gì là quan trọng hàng đầu. Ngoài việc tạo dung lượng thị trường và kết nối được các doanh nghiệp với thị trường đó, Nhà nước cần xây dựng chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp có thể sản xuất các sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. 

Ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công thương) cũng nhìn nhận, trong thực tế việc kết nối giữa các doanh nghiệp CNHT còn rất hạn chế. Trong đó đặc biệt là vai trò của các hiệp hội ngành nghề cũng còn mờ nhạt, chưa trở thành vai trò kết nối giữa các doanh nghiệp trong ngành hàng khác nhau.

Các chính sách ưu đãi hỗ trợ của Nhà nước hiện nay cũng đang hướng đến việc kêu gọi một số tập đoàn công nghiệp mang tính chất đầu tàu dẫn dắt ngành công nghiệp Việt Nam. Theo ông Hoài, Chính phủ cũng đã có định hướng phát triển cho 6 ngành CNHT gồm ô tô, dệt may, da giày, điện tử, máy nông nghiệp, đóng tàu, tập trung vào những ngành có dung lượng thị trường đủ lớn.

Và quan trọng phải gắn kết được các doanh nghiệp CNHT với các tập đoàn trong và ngoài nước, thành một chuỗi sản xuất và từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhằm tạo dung lượng thị trường, Bộ Công thương sẽ tiếp tục kết nối với các tập đoàn Samsung, LG nhưng quan trọng nhất là là sự nỗ lực và cố gắng của chính doanh nghiệp nội.

Khi đã có dung lượng thị trường, Nhà nước sẽ có các chính sách và các biện pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp về mặt công nghệ sản xuất, trình độ quản lý sản xuất và đào tạo nguồn nhân lực để sản xuất những sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường.

Vừa qua, Bộ Công thương đã trình Chính phủ chương trình hỗ trợ phát triển CNHT quốc gia, bao gồm tất cả các nội dung về đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ. Dự kiến, Bộ Công thương sẽ xây dựng các trung tâm phát triển CNHT theo điều 9 của Nghị định 111/2015/NĐ-CP tại một số thành phố trọng điểm.

Hiện nay, TP. Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên trong cả nước thành lập trung tâm phát triển CNHT. Trong tương lai sẽ phát triển theo hướng chuyển giao máy móc thiết bị để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ và sản xuất thử nghiệm những sản phẩm trước khi đưa ra sản xuất hàng loạt, đồng thời hỗ trợ cho các tỉnh lân cận trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong tương lai.