Chính sách mới xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng
Ngày 21/6/2017, tại Kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Nghị quyết 42/2017/QH14 có hiệu lực kể từ ngày 15/8/2017 và được triển khai áp dụng trong thời hạn 5 năm. Những điểm mới được đề cập trong Nghị quyết 42/2017/QH14 kỳ vọng góp phần hạn chế phát sinh nợ xấu mới trong tương lai. Bài viết làm rõ một số điểm mới trong Nghị quyết này nhằm góp phần định hướng hoạt động xử lý và hạn chế nợ xấu trong giai đoạn 2016-2020.
Ngày 21/6/2017, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD). Nghị quyết này có hiệu lực trong 05 năm từ ngày 15/8/2017. Nghị quyết 42/2017/QH14 cho phép áp dụng nhiều chính sách mới (so với pháp luật hiện hành) về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, góp phần tạo lập cơ sở pháp lý thuận lợi hơn cho việc xử lý nợ xấu. Cụ thể như:
- Về phạm vi điều chỉnh: Nghị quyết 42/2017/QH14 triển khai thí điểm một số chính sách về xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của TCTD (VAMC). Đồng thời, cho phép áp dụng các quy định tại Nghị quyết để xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu tại ngân hàng chính sách. Bên cạnh đó, để xác định rõ phạm vi điều chỉnh, Nghị quyết 42/2017/QH14 cũng quy định cụ thể về tiêu chí, phạm vi, cách thức xác định một khoản nợ là nợ xấu…
- Về nguyên tắc xử lý nợ xấu: Nghị quyết 42/2017/QH14 quy định, phải bảo đảm 04 nguyên tắc xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu: (1) Bảo đảm công khai, minh bạch, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; (2) Phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống; (3) Không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu; (4) Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật để xảy ra nợ xấu và trong quá trình xử lý nợ xấu phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
- Về bán nợ xấu, tài sản bảo đảm thấp hơn giá trị khoản nợ: Để tháo gỡ vướng mắc, e ngại bị xử lý về trách nhiệm khi bán nợ xấu, tài sản bảo đảm, Nghị quyết 42/2017/QH14 cho phép TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, VAMC được bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu công khai, minh bạch, theo quy định của pháp luật, giá bán phù hợp với giá thị trường, có thể cao hơn hoặc thấp hơn dư nợ gốc của khoản nợ. Quy định này nhằm khẳng định rõ hơn về quyền của người bán, kể cả việc bán thấp hơn dư nợ gốc của khoản nợ.
- Về mua, bán nợ xấu của VAMC: Nghị quyết 42/2017/QH14 đã cho phép VAMC thực hiện các hoạt động mua bán nợ như sau:
- Mở rộng các khoản nợ được mua bán của VAMC. Hiện nay, VAMC chỉ được mua nợ xấu hạch toán trong bảng. Quy định này hạn chế đối tượng các khoản nợ xấu được mua bán theo giá thị trường. Do vậy, Nghị quyết 42/2017/QH14 cho phép VAMC được mua các khoản nợ xấu đã sử dụng dự phòng rủi ro đang hạch toán ngoài bảng và chuyển đổi các khoản nợ xấu mà VAMC đã mua bằng trái phiếu đặc biệt sang mua theo giá trị thị trường.
Đồng thời, việc cho phép chuyển khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt sang mua bán theo giá trị thị trường, qua đó giúp tạo lập thị trường mua bán nợ theo giá thị trường, bảo đảm nguyên tắc thị trường trong xử lý nợ xấu.
- Bổ sung đối tượng được bán nợ. Nghị quyết 42/2017/QH14 đã bổ sung quy định cho phép VAMC được bán nợ xấu cho các tổ chức, cá nhân bao gồm cả pháp nhân không có chức năng kinh doanh mua, bán nợ. Quy định này của Nghị quyết 42/2017/QH14 khắc phục bất cập giới hạn chủ thể được mua nợ của VAMC tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và bảo đảm quyền bình đẳng trong hoạt động xử lý nợ của VAMC như các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
- Bổ sung thêm phương thức mua bán nợ theo giá thị trường của VAMC. Cụ thể, Nghị quyết 42/2017QH14 cho phép VAMC được thỏa thuận với TCTD Việt Nam: (i) Mua khoản nợ xấu với giá mua bằng giá trị định giá của tổ chức định giá độc lập; (ii) Xử lý, bán, thu hồi nợ theo quy định của pháp luật và phân chia phần giá trị còn lại của số tiền thu hồi được từ khoản nợ xấu này sau khi trừ giá mua và các chi phí xử lý.
- Về xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản: Để khắc phục bất cập quy định tại Điều 49 Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) về điều kiện chuyển nhượng dự án BĐS không phù hợp với việc xử lý tài sản bảo đảm là dự án BĐS, tạo cơ sở pháp lý cho bên nhận thế chấp xử lý được tài sản bảo đảm là các dự án BĐS, Nghị quyết 42/2017/QH14 cho phép TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, VAMC được chuyển nhượng tài sản bảo đảm là dự án bất động khi có đầy đủ các điều kiện sau đây: (i) Dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật; (ii) Có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; (iii) Dự án không có tranh chấp đã được thụ lý chưa giải quyết hoặc đang giải quyết tại Tòa án có thẩm quyền về quyền sử dụng đất; không đang bị kê biên để bảo đảm thi hành án hoặc để chấp hành quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; (iv) Không có quyết định thu hồi dự án, thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Đặc biệt, để bảo đảm quyền lợi của các bên liên quan, Nghị quyết 42/2017/QH14 quy định bên nhận chuyển nhượng dự án phải: (i) Đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật về kinh doanh BĐS; (ii) Kế thừa các quyền, nghĩa vụ của chủ đầu tư dự án và tiến hành các thủ tục để tiếp tục thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về xây dựng.
- Về bán nợ xấu có tài sản bảo đảm đang bị kê biên: Nghị quyết 42/2017/QH14 cho phép TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được quyền bán nợ xấu mà khoản nợ xấu đó có tài sản bảo đảm đang bị kê biên cho VAMC, doanh nghiệp có chức năng kinh doanh mua, bán nợ. Tuy nhiên, để bảo đảm quyền lợi của các bên liên quan, các TCTD có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, trung thực thông tin về tình trạng bị kê biên của tài sản bảo đảm trước khi thực hiện mua, bán khoản nợ xấu…
Nhằm đảm bảo việc áp dụng các quy định trên phù hợp Nghị quyết số 42/2017/QH14 cũng đã quy định rõ về việc áp dụng pháp luật trong xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm như sau:
- Việc xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, VAMC được áp dụng theo quy định của Nghị quyết 42/2017/QH14. Trường hợp Nghị quyết không có quy định thì áp dụng theo quy định của pháp luật hiện hành.
- Trường hợp có quy định khác nhau giữa Nghị quyết 42/2017/QH14 và luật khác về cùng một vấn đề trong xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu thì áp dụng quy định của Nghị quyết 42/2017/QH14.
Đồng thời, Nghị quyết 42/2017/QH14 cũng đảm bảo cơ chế xử lý chuyển tiếp sau khi Nghị quyết này hết hiệu lực thi hành, cụ thể gồm: (i) Thỏa thuận giữa VAMC với TCTD quy định tại khoản 3 Điều 6 của Nghị quyết 42/2017/QH14 đã có hiệu lực trong thời hạn Nghị quyết có hiệu lực được tiếp tục thực hiện cho đến khi hết thời hạn của thỏa thuận đó; (ii) TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, VAMC được tiếp tục thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm theo quy định tại Điều 7 của Nghị quyết 42/2017/QH14 trong trường hợp đã thực hiện việc công khai thông tin theo quy định tại Khoản 3 hoặc Khoản 4 Điều 7 trong thời gian Nghị quyết có hiệu lực; (iii) Tòa án tiếp tục áp dụng thủ tục rút gọn theo quy định tại Điều 8 của Nghị quyết 42/2017/QH14 đối với vụ án đã được thụ lý trong thời gian Nghị quyết có hiệu lực...
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 42/2017/QH14 (Ngày 21/6/2017) của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng;
2. Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020”;
3. Các website: sbv.org.vn, mof.gov.vn, tapchitaichinh.vn, thoibaonganhang.vn…