Tái cơ cấu doanh nghiệp, xử lý nợ xấu: Những thành công ban đầu của DATC
Được đánh giá là đơn vị đi đầu trong tái cơ cấu doanh nghiệp thông qua xử lý nợ xấu, từ nhiều năm nay Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) vẫn miệt mài, nỗ lực giải cứu nhiều doanh nghiệp bên bờ vực phá sản trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển vững mạnh…
Chính thực đi vào hoạt động từ năm 2014, đến nay, sau hơn 13 năm xây dựng, phát triển DATC đã tạo lập cho mình thế và lực vững chắc để phát triển trong bối cảnh hội nhập. Bên cạnh các hoạt động mua bán nợ và tài sản tồn đọng tại doanh nghiệp (DN), góp phần đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, đổi mới DNNN, DATC cũng đã không ngừng mở rộng, phát triển nhiều các nghiệp vụ hoạt, đáp ứng yêu cầu mới.
Một trong những điểm sáng của DATC thời gian qua là sự thành công của mô hình hỗ trợ tái cơ cấu DN thông qua xử lý nợ xấu. Đây là một hình thức xử lý nợ đặc biệt, được DATC tập trung triển khai từ năm 2007 đến nay và hiện nay trên thị trường chỉ có DATC đang thực hiện thành công hoạt động này.
Trong những năm qua, thông qua tái cơ cấu phục hồi DN, DATC đã tái cơ cấu, chuyển đổi sở hữu cho 83 DN (trong đó 36 DNNN thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu không đủ điều kiện cổ phần hoá, 40 DNNN đã được cổ phần hoá nhưng tiếp tục hoạt động thua lỗ do gặp khó khăn về tài chính), giúp xử lý nợ tồn đọng trong nền kinh tế, phục hồi DN trở lại hoạt động bình thường.
DATC đã trực tiếp giúp trên 20 tổng công ty nhà nước thuộc các bộ, ngành, địa phương xử lý tồn tại để cổ phần hóa thành công theo lộ trình của Chính phủ, giúp Nhà nước thu hồi nợ đọng thuế và tăng thu cho ngân sách qua số thuế nộp mới hàng năm. Hơn thế nữa, các hoạt động này không chỉ giúp DN hồi sinh phát triển mà còn tái tạo việc làm cho hàng chục vạn lao động, góp phần ổn định tình hình kinh tế, xã hội, phát triển kinh tế địa phương nơi DN đó hoạt động.
Đặc biệt, sau khi xử lý nợ xấu, tham gia tái cơ cấu DN, đưa DN trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, DATC cũng đã nhanh chóng tính đến việc thoái vốn tại các DN khách nợ.
Trong giai đoạn từ 2010 đến nay, DATC đã tập trung rà soát các khoản vốn góp thông qua hoạt động tái cơ cấu các DNNN, có kế hoạch và nhanh chóng thoái vốn tại các DN đã ổn định sản xuất kinh doanh theo quy định của Bộ Tài chính, nhằm quay vòng vốn để tiếp tục phục vụ hoạt động kinh doanh.
Phương thức thoái vốn của DATC đều thực hiện theo hình thức bán đấu giá công khai, minh bạch và nhằm mục tiêu bảo toàn vốn của DATC. Luỹ kế đến cuối năm 2016, Công ty đã thoái vốn tại 70 DN với doanh thu 520,4 tỷ đồng.
Cùng với đó, DATC đã tập trung xử lý tài sản, quyết liệt thực hiện thu hồi nợ nhằm tận thu cho ngân sách, tạo điều kiện cho các DN đã cổ phần hoá sớm triển khai được các kế hoạch phát triển sản xuất, kinh doanh đã đề ra.
Từ năm 2003 đến 2016, Công ty đã hoàn thành việc tiếp nhận nợ và tài sản loại trừ khỏi giá trị DN khi cổ phần hoá của 2.628 DN, với tổng giá trị các khoản nợ và tài sản tiếp nhận là 4.573,63 tỷ đồng.
Ngoài việc thực hiện các mục tiêu kế hoạch đặt ra, hàng năm DATC còn thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được Chính phủ, Bộ Tài chính giao, cụ thể là nhiệm vụ mua bán, xử lý nợ.
Trong giai đoạn 2010 - 2016, DATC đã triển khai thực hiện tốt công tác đàm phán xử lý nợ của các tổ chức tín dụng để hỗ trợ tái cơ cấu một số doanh nghiệp có quy mô lớn, sử dụng nhiều lao động, góp phần lành mạnh hoá nền kinh tế như Vinashin, Vinalines, Công ty thực phẩm miền Bắc, Công ty Haprosimex...
Bên cạnh vai trò là công cụ Nhà nước trong xử lý nợ xấu, DATC còn là một kênh quan trọng tiếp nhận tri thức, hợp tác nước ngoài về tiếp nhận, mua bán, xử lý nợ và tài sản tồn đọng.
Cùng với xu thế hội nhập, DATC đã có những bước đột phá khi mở rộng quan hệ hợp tác với nhiều cơ quan, tổ chức tài chính quốc tế. Đơn cử như các chương trình nghiên cứu, khảo sát tại Công ty Quản lý khai thác tài sản Hàn Quốc KAMCO, phối hợp với JICA (Nhật Bản) triển khai dự án “Tăng cường năng lực quản lý doanh nghiệp, triển khai tái cấu trúc DNNN”…
Đồng thời, DATC tích cực tham gia chia sẻ, cập nhật thông tin, kinh nghiệm tại diễn đàn quốc tế của các công ty quản lý tài sản nhà nước với tư cách thành viên sáng lập và hiện nay đang là chủ tịch luân phiên, hợp tác có hiệu quả với nhiều tổ chức tài chính, tổ chức xử lý nợ quốc tế.
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ để mang lại những kết quả trên, DATC đã được nhiều tổ chức tài chính trong và ngoài nước đánh giá là đơn vị đi đầu trên thị trường mua bán nợ. Những kết quả trên cũng là bước đệm vững chắc để DATC tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong bối cảnh hội nhập.