Agribank khởi động chiến dịch phá băng nợ xấu

PV.

Kế hoạch hành động về xử lý nợ xấu của NHNN đang được các ngân hàng thương mại hưởng ứng mạnh mẽ. Agribank là ngân hàng đầu tiên công bố “chiến dịch” bài bản về “giải cứu” nợ xấu với quyết tâm cùng ngành ngân hàng xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu, qua đó góp phần khơi thông nguồn vốn phục vụ phát triển kinh tế đất nước.

Hy sinh lợi nhuận, quyết tâm dọn nợ xấu

Chưa đầy 01 tháng ngay sau ngày Quốc hội công bố Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD, ngày 20/7/2017, Thống đốc NHNN đã có Chỉ thị và Kế hoạch hành động của toàn ngành về xử lý nợ xấu để thực hiện Nghị quyết này.
Gần như ngay lập tức sau chỉ đạo của NHNN, Agribank đã đưa ra chương trình hành động với những giải pháp rất cụ thể, tổ chức Hội nghị quán triệt và ban hành Kế hoạch triển khai trong toàn bộ hệ thống.
Hiện nay, toàn bộ guồng máy của ngân hàng này, đặc biệt là các đơn vị liên quan đến nhiệm vụ xử lý nợ xấu và tất cả các chi nhánh đang tấp nập trong guồng quay xử lý nợ xấu. Từ xây dựng quy trình, cho đến xây dựng phương án xử lý từng món nợ xấu và triển khai thực hiện... được tiến hành ráo riết để nhắm tới mục tiêu khẩn trương xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu, góp phần khơi thông nguồn vốn phục vụ phát triển kinh tế.
Mục tiêu của Agribank không chỉ là quyết tâm dọn nợ xấu mà còn gắn với việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh. Vì vậy, trong các phương án xử lý nợ, có cả phương án chấp nhận giảm lãi suất để góp phần hỗ trợ khách hàng trả nợ.
Agribank cho biết, ngân hàng sẽ phối hợp với Công ty quản lý tài sản VAMC và các đơn vị có liên quan để triển khai ngay một số chính sách động viên, khuyến khích khách hàng có nợ xấu, nợ đã bán cho VAMC, đã được ngân hàng xử lý rủi ro.
Cụ thể, ngân hàng sẽ miễn toàn bộ lãi suất phạt quá hạn; tổng điều chỉnh lãi suất của tất cả các khoản nợ xấu về mức lãi suất cho vay hiện nay.
Ngân hàng cũng áp dụng cơ chế miễn giảm lãi theo thời hạn hoàn thành nghĩa vụ trả nợ, thậm chí có trường hợp được áp dụng tới mức cao nhất miễn 100% lãi đọng để khuyến khích khách hàng nỗ lực tìm nguồn trả nợ.
Ngoài miễn giảm lãi cho khách hàng, Agribank cũng cho biết sẽ áp dụng “nuôi nợ” đối với tất cả khách hàng có nợ đã xử lý rủi ro, nợ đã bán cho VAMC của Agribank nay có nguyện vọng, khả năng và điều kiện khôi phục sản xuất, từng bước tạo nguồn trả nợ ngân hàng.
Trên tinh thần quán triệt nguyên tắc xử lý nợ xấu đảm bảo công khai, minh bạch, các giải pháp trên của Agribank  không chỉ đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu, mà còn mở ra cơ hội cho khách hàng hồi sinh, phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Nâng cao năng lực tài chính, sẵn sàng cho Đề án cổ phần hóa Agribank
Có thể nói, Agribank là ngân hàng thương mại “nặng gánh” nhất trong các ngân hàng thương mại nhà nước trên thị trường hiện nay. Mặc dù cạnh tranh lãi suất huy động trên thị trường bình đẳng với các ngân hàng khác, song Agribank lại gánh trách nhiệm hoạt động trong lĩnh vực có tỷ trọng sinh lời thấp, chi phí cao, một lĩnh vực chịu khá nhiều rủi ro lớn bởi thời tiết thất thường, thị trường bấp bênh… (70% tín dụng của Agribank cho vay tam nông, chiếm hơn 50% tín dụng nông nghiệp toàn hệ thống).
Chưa kể, mỗi năm, ngân hàng phải đóng góp hàng nghìn tỷ đồng tham gia các chương trình tín dụng chính sách. Đơn cử như, chỉ tính riêng năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, Agribank đã thực hiện 12 đợt giảm lãi suất cho vay, triển khai 4 gói tín dụng ưu đãi lãi suất trên toàn quốc, với lãi suất thấp hơn so với lãi suất cho vay thông thường từ 0,5-1,5%/năm để hỗ trợ các đối tượng khách hàng tháo gỡ khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.
Có thể hiểu, việc nỗ lực triển khai Nghị quyết 42 của Quốc hội trước mắt có thể khiến tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng bị ảnh hưởng, song về lâu dài, điều này sẽ giúp ngân hàng tạo lập nền tảng tài chính vững mạnh và minh bạch, hướng tới cổ phần hóa năm 2019.
Rút kinh nghiệm từ sự phát triển nóng giai đoạn trước, bên cạnh ráo riết xử lý nợ xấu, Agribank cũng thực hiện giám sát chặt chẽ nợ tiềm ẩn, hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh. Đồng thời, xử lý nghiêm túc các đơn vị và cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật để xảy ra nợ xấu và các khách hàng chây ỳ.
Đến nay, Agribank là một trong bốn NHTM lớn nhất hệ thống và là ngân hàng giữ thị phần lớn nhất ở lĩnh vực tam nông. Hiện tại, với năng lực tài chính ngày càng được củng cố, hướng tới chuẩn mực Basel II, Agribank đang nỗ lực minh bạch hóa để cổ phần hóa vào năm 2019 và đưa tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước về mức 65% vào thời điểm thích hợp.
Tuy vậy, cũng phải thấy rằng, với sự “nặng gánh” của Agribank hiện nay, để vừa dồn lực xử lý nợ xấu, vừa phải hỗ trợ khách hàng, vừa làm tốt vai trò chủ lực trên thị trường tam nông, vừa hỗ trợ tín dụng chính sách… Agribank cũng cần trợ lực từ Chính phủ.
Điển hình là thời gian qua, trong khi các ngân hàng TMCP có vốn nhà nước tăng mạnh vốn điều lệ do có thể huy động vốn trên sàn chứng khoán thì nhiều năm qua vốn điều lệ của Agribank vẫn đứng im. Trước đó, năm 2010, Bộ Tài chính đã đồng ý cấp cho Agribank trên 10.000 tỷ đồng vốn điều lệ song số vốn mà ngân hàng này được cấp mới rất ít.
Trong bối cảnh ngân sách khó khăn, Chính phủ cũng cần đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa để Agribank vừa tăng tính minh bạch, vừa đảm bảo hoạt động của Ngân hàng an toàn, đáp ứng chuẩn mực quốc tế.