Năm 2015: Nợ công không tăng về số tuyệt đối
Mặc dù một số chỉ tiêu về cân đối ngân sách năm 2015 cao hơn mức dự kiến, nhưng thực tế con số tuyệt đối về nợ công không tăng mà đạt đúng như kế hoạch đã trình Quốc hội.
Yếu tố khiến tỷ lệ nợ công, bội chi tăng chính là do dự báo mức lạm phát cách xa thực tế, dẫn đến giá trị GDP - căn cứ để tính các chỉ số cân đối ngân sách – giảm so với dự tính.
Lạm phát thấp hơn nhiều so với dự tính
Theo báo cáo đánh giá bổ sung của Chính phủ mới đây về tình hình ngân sách năm 2015, các chỉ số tổng dư nợ công, dư nợ nước ngoài của quốc gia vẫn trong giới hạn an toàn cho phép, song dư nợ Chính phủ là 50,3% GDP, cao hơn mức trần 0,3% (mức trần là 50%). Đồng thời, con số bội chi là 6,1% GDP, cao hơn con số đã báo cáo là 5,71% GDP.
Trước đó, theo số liệu dự tính về ngân sách đã báo cáo trước Quốc hội, số bội chi NSNN điều chỉnh là 256 nghìn tỷ đồng (tương đương 5,71% GDP). Đến nay, mức bội chi thực hiện trong năm 2015 đúng như số đã điều chỉnh là 256 nghìn tỷ đồng, tuy nhiên so với GDP thực hiện năm 2015, tỷ lệ bội chi NSNN lại là 6,1% GDP.
Phân tích về con số này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, có 2 lý do khiến bội chi năm 2015 tăng. Một là do giải ngân thêm 30.000 tỷ đồng ODA để phục vụ cho các dự án đầu tư, làm tăng mức đầu tư, tăng vốn vay. Hai là khi tính toán tốc độ tăng trưởng 6,7%, bội chi tính báo cáo Quốc hội là 5,71%. Tuy nhiên, cuối cùng giá trị GDP tính theo giá thực tế lại thấp hơn GDP theo dự kiến, đẩy tỷ lệ bội chi tăng lên 6,1%.
Giải thích cụ thể tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Bùi Quang Vinh cho biết, nợ công năm 2015 được dự toán 226 nghìn tỷ đồng, cộng với 30 nghìn tỷ đồng ODA giải ngân thêm là 256 nghìn tỷ đồng. Như vậy, con số tuyệt đối của nợ công năm 2015 thực chất không thay đổi so với dự tính.
Tuy nhiên, điều khiến một số chỉ số về nợ, về cân đối ngân sách tăng chính là do giá trị GDP thực hiện giảm. GDP là căn cứ để tính các tỷ lệ về nợ công, bội chi và nhiều chỉ số kinh tế quan trọng khác. Giá trị GDP được tính theo tổng sản lượng hàng hóa dịch vụ được thực hiện nhân với giá cả hiện hành. Theo kế hoạch từ đầu năm, lạm phát năm 2015 vào khoảng 5%. Tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2015, mức lạm phát báo cáo dự kiến chỉ còn 1,5 – 2%.
Đến nay, mức lạm phát thực tế chỉ còn 0,6% do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chính là giá dầu giảm kỷ lục khiến mức lạm phát thấp kỷ lục trong 14 năm nay. Chính yếu tố này đã khiến quy mô GDP giảm hơn nhiều so với dự tính, mặc dù tổng sản lượng vẫn tăng, tốc độ tăng trưởng đạt mức cao hơn dự tính là 6,8%. “Chuyện nợ công bao nhiêu phần trăm, bội chi bao nhiêu phần trăm đều dựa vào con số GDP này”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết.
An toàn nợ công phụ thuộc vào hiệu quả sử dụng vốn
Tại Báo cáo Kế hoạch tài chính trung hạn, Bộ Tài chính đã đề xuất mức bội chi cho 5 năm tới bình quân là 4% GDP và đến năm 2020 chỉ còn 3,1%. Đây là một chỉ tiêu nhận được nhiều sự ủng hộ của các thành viên trong UBTVQH khi xem xét về Kế hoạch tài chính trung hạn.
Đánh giá chỉ tiêu bội chi như vậy là một nỗ lực lớn, tiến bộ và tiệm cận dần với khu vực, tuy nhiên Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cũng chia sẻ về khó khăn trong công tác xây dựng kế hoạch. “Chúng tôi rất muốn nâng mức bội chi lên nhưng Bộ Tài chính không đồng ý. Nếu bội chi giảm được thì rất tốt, nhưng đất nước đang phát triển, nhu cầu đầu tư lớn, nên cũng rất cần phải chi tiêu”, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nói.
Mới đây, trả lời báo chí xung quanh vấn đề ngân sách, ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, thời gian tới việc kiên quyết cắt giảm bội chi là một trong các giải pháp để các chỉ tiêu nợ không vượt trần cho phép, đảm bảo an toàn nợ công. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi nhất trong an toàn nợ công phụ thuộc vào 2 yếu tố. Đó là tính hiệu quả của việc sử dụng nguồn vốn từ nợ công và khả năng trả nợ của chủ thể đi vay cùng với khả năng đáp ứng nguồn vốn vay từ thị trường.
“Nếu giữ mức huy động vốn vay cho đầu tư như giai đoạn 2011 - 2015, vẫn tập trung đẩy mạnh đầu tư từ phía Nhà nước, vẫn còn tâm lý dựa vào Nhà nước mà không cân nhắc đến bối cảnh hiện tại và với tình hình cân đối ngân sách như giai đoạn vừa qua, áp lực huy động vốn vay cho đầu tư là rất lớn và việc nợ công vượt trần là có thể xảy ra, dẫn đến các rủi ro an toàn nợ công”, ông Trương Hùng Long nhấn mạnh.
Trong cuộc họp mới đây, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Vũ Viết Ngoạn đề nghị để tăng cường chất lượng chính sách, các cơ quan hoạch định chính sách cần tăng tính định lượng trong các dự báo, các chỉ tiêu đưa ra cần bám sát hơn vào tính thực hiện, thay cho các chỉ tiêu kế hoạch. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận việc thay đổi sẽ không dễ dàng do Việt Nam còn nhiều hạn chế về công tác thống kê, dữ liệu chưa đầy đủ và chưa được chuẩn hoá.