TS. Đinh Thế Hiển:
Chính sách tài khoá là điểm sáng trong phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Tài chính, TS. Đinh Thế Hiển – Chuyên gia kinh tế đánh giá các chính sách tài khóa mà Bộ Tài chính đã đề xuất và triển khai thực hiện trong thời gian qua đã phát huy tác dụng hết sức tích cực, cơ bản hoàn thành được ba mục tiêu chính, đó là: Ổn định kinh tế vĩ mô, tạo dư địa chính sách tài khóa, kết hợp với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác, thực hiện tốt mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế, đảm bảo an toàn xã hội.
Phóng viên: Việc Chính phủ, Bộ Tài chính sớm ban hành các chính sách tài khoá hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 và hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế đã tạo nên những “cú hích” gì cho nước ta thời gian qua, thưa ông?
TS. Đinh Thế Hiển: Thời gian qua, chính sách tài khoá đã có những đóng góp không nhỏ cho sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế của đất nước, nhất là trong bối cảnh căng thẳng của đại dịch COVID-19. Các chính sách tài khoá còn chiếm phần lớn trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nhờ đó mang lại những hiệu quả khả quan, không chỉ trong giai đoạn dịch bệnh mà đến cả ở thời điểm hiện tại và cả trong thời gian tới.
Thứ nhất, việc thực hiện các giải pháp miễn, giảm, gia hạn nhiều khoản thuế, phí, giảm chi phí… đã giúp ích rất nhiều cho doanh nghiệp phát triển, nhất là trong giai đoạn hậu COVID-19, thay vì các doanh nghiệp phải nộp thuế cho Nhà nước, thì nguồn lực đó được dành để đầu tư và sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng. Đặc biệt, trong thời gian tới, việc tiếp tục thực hiện các giải pháp miễn, giảm, gia hạn nhiều khoản thuế sẽ giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực để phục hồi, từ đó, tạo “cú hích” phát triển kinh tế.
Thứ hai, các chính sách tài khóa được ban hành có thể nói là toàn diện, cùng đồng hành với những chính sách như y tế, dân sinh,… giúp Việt Nam chủ động ứng phó với đại dịch, đạt được mục tiêu kép, vừa tăng trưởng kinh tế vừa phòng, chống dịch hiệu quả, trong đó, có thể kể đến như việc hỗ trợ cho những đối tượng yếu thế trong xã hội; tăng cường kinh phí cho những người bị cách ly tập trung, mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế, vắc xin phòng dịch bệnh COVID-19…
Thứ ba, trong bối cảnh giá nguyên nhiên vật liệu thế giới gia tăng tác động lên lạm phát, các chính sách tài khoá đã phát huy được tính hiệu quả trong việc giúp kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Đây là điểm sáng, được nhân dân ủng hộ, cộng đồng quốc tế đánh giá cao trong thời gian qua.
Phóng viên: Từ tình hình thực tế tại Việt Nam, ông đánh giá thế nào về công tác điều hành chính sách tài khóa trong thời gian qua?
TS. Đinh Thế Hiển: Nhờ sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, Quốc hội và Bộ Tài chính là cơ quan trực tiếp điều hành các chính sách tài khóa phù hợp đã mang lại những hiệu quả nhất định trong việc giúp nền kinh tế phục hồi.
Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn do đại dịch, ngành Tài chính đã rất chủ động, tích cực, nhanh chóng nghiên cứu tìm giải pháp, góp phần tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy nền kinh tế, trong đó, điểm đáng chú ý là Bộ Tài chính đã kịp thời trình các cấp có thẩm quyền ban hành các hướng dẫn chính sách về miễn, giảm, gia hạn thu ngân sách nhà nước; các chính sách tín dụng qua Ngân hàng Chính sách xã hội, đảm bảo nguồn lực thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Có thể nói, các chính sách tài khóa mà Bộ Tài chính đã đề xuất và triển khai thực hiện trong thời gian qua đã phát huy tác dụng hết sức tích cực, cơ bản hoàn thành được ba mục tiêu chính, đó là: Ổn định kinh tế vĩ mô, tạo dư địa chính sách tài khóa, kết hợp với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác, thực hiện tốt mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế, đảm bảo an toàn xã hội.
Phóng viên: Theo ông, thời gian tới, để các chính sách tài khoá được đẩy mạnh và phát huy hiệu quả tốt hơn nữa thì Chính phủ, đặc biệt là Bộ Tài chính - cơ quan trực tiếp điều hành sẽ cần phải làm gì?
TS. Đinh Thế Hiển: Thời gian tới, dịch COVID-19 có thể sẽ tiếp tục kéo dài, với nhiều biến thể mới, phức tạp và nguy hiểm hơn nên vắc xin và thuốc điều trị có nguy cơ khan hiếm. Do đó, Bộ Tài chính cần phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội thực hiện các giải pháp phù hợp để bảo đảm sẵn sàng nguồn lực cho phòng, chống dịch bệnh.
Bên cạnh đó, để phát huy tính hiệu quả của các chính sách tài khoá một cách ổn định, lâu dài, Bộ Tài chính cần tiếp tục nghiên cứu, tham mưu với cấp có thẩm quyền nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách thuế phù hợp, đáp ứng yêu cầu về nguồn lực để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó, hướng tới tính đồng bộ, có cơ cấu bền vững, bảo đảm huy động hợp lý các nguồn lực cho ngân sách nhà nước, tạo nên môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng, tạo tiền đề cho sự phát triển của nền kinh tế trong thời gian tới.
Ngoài ra, có thể thấy, việc thực hiện các chính sách tài khoá đặc biệt là các giải pháp hỗ trợ về thuế đối với cộng đồng doanh nghiệp, người dân trong thời gian qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến số thu ngân sách nhà nước. Do đó, để đảm bảo nguồn lực, Bộ Tài chính cần tiếp tục triển khai các đồng bộ giải pháp như: tăng cường quản lý thu ngân sách nhà nước, chống thất thu, trốn thuế, đặc biệt là nguồn thu từ các hoạt động thương mại điện tử, hoạt động kinh tế phát sinh từ nền kinh tế số, nguồn thu từ tài sản, hay kinh doanh bất động sản...
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!