PGS.,TS. Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế:

Tình huống chưa từng xảy ra và chính sách tài khoá chưa từng có 

Trần Huyền (thực hiện)

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Tài chính, PGS.,TS. Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế cho rằng, với tình huống chưa từng xảy ra - đại dịch COVID-19 và những chính sách tài khoá chưa từng có đã cho thấy sự cố gắng nỗ lực rất lớn của Bộ Tài chính để kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp cũng như phục hồi và phát triển kinh tế.

Phóng viên: Thưa ông, từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát năm 2020 đến nay, Bộ Tài chính đã nhanh chóng trình cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền hàng loạt chính sách tài khoá để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Ông đánh giá như thế nào về nỗ lực này của Bộ Tài chính?

PGS.,TS. Đinh Trọng Thịnh
PGS.,TS. Đinh Trọng Thịnh

PGS.,TS. Đinh Trọng Thịnh: Từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, Bộ Tài chính đã chủ động đề ra các chính sách về giãn hoãn, miễn giảm thuế cũng như các loại phí, lệ phí và các chính sách liên quan đến nguồn thu của doanh nghiệp như: Giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí; miễn giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp có doanh thu không quá 200 tỷ đồng; giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất trong nước; giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất... Đồng thời, có hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với các khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội…

Tôi cho rằng, những chính sách trên được ban hành rất kịp thời, phù hợp với tình hình thực tiễn của đại dịch cũng như khó khăn của doanh nghiệp, người dân. Đây là những hỗ trợ rất lớn từ ngân sách nhà nước đối với người dân, doanh nghiệp và đảm bảo an sinh xã hội. Các chính sách được ban hành vừa nhanh chóng, kịp thời, vừa đảm bảo chặt chẽ, an toàn có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong bối cảnh cực kỳ khó khăn và cũng cực kỳ cấp bách.

Bên cạnh đó, cần phải nhận thức rõ rằng: Tài chính có vai trò rất quan trọng, nên khi nói đến chính sách tài chính thì rất cần được thực thi một cách nhanh nhất, kịp thời nhất để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp phục hồi và tồn tại được trong bối cảnh đại dịch. Tuy nhiên, cũng đòi hỏi chính sách phải đảm bảo an toàn, chi tiêu đúng người đúng việc; đảm bảo kiểm tra, giám sát sau này, tránh thất thoát, đảm bảo yêu cầu chi tiêu ngân sách.

Điều này Bộ Tài chính đã làm được rất kịp thời, đảm bảo thực thi các chính sách cơ bản tốt. Các chính sách được hoàn thiện, ngày càng phù hợp hơn để đi vào đời sống một cách nhanh nhất, đáp ứng yêu cầu của mỗi thời điểm, bối cảnh cụ thể.

Với tình huống chưa từng xảy ra và những chính sách chưa từng có đã cho thấy sự cố gắng nỗ lực rất lớn của Bộ Tài chính để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, từ việc hoạch định, xây dựng các cơ chế chính sách cho đến đưa ra lấy ý kiến và ban hành một cách nhanh nhất nhưng vẫn đảm bảo trình tự yêu cầu và chặt chẽ trong thực thi.

Phóng viên: Có thể nói, chưa từng có gói hỗ trợ phục hồi kinh tế nói chung và gói miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất nói riêng nào lớn như hiện nay với hơn 90 nghìn tỷ đồng. Ông có thể phân tích rõ hơn về tác động của chính sách miễn giảm thuế với người dân, doanh nghiệp và rộng hơn là sự phục hồi của nền kinh tế, thưa ông?

PGS.,TS. Đinh Trọng Thịnh: Gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế xã hội 350 nghìn tỷ là rất lớn và chưa từng có trong tiền lệ để giúp nền kinh tế hồi phục, trong đó có gói hỗ trợ về miễn giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất. Đây là sự cố gắng rất lớn của Quốc hội, Chính phủ cũng như nỗ lực cân đối của Bộ Tài chính.

Mặc dù đưa ra tháng 1/2022 nhưng chính sách miễn giảm thuế theo Chương trình phục hồi đã được triển khai ngay bằng việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng với những mặt hàng có thuế suất 10%. Với việc chuẩn bị kỹ lưỡng, tỉ mỉ, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng đã tạo tác động kép đến chính sách tài khoá tiền tệ cũng như nền kinh tế.

Giảm thuế giá trị gia tăng làm giảm giá bán của hàng hoá trên thị trường, trên cơ sở đó làm sức mua tăng lên, chi tiêu cuối cùng tăng trưởng, hoạt động tiêu dùng tăng lên giúp tạo điều kiện để mở rộng hoạt động sản xuất của nền kinh tế. Cùng với đó, giá hàng hoá giảm cũng làm giảm áp lực lạm phát. Như vậy, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng có tác động kép, vừa kích thích tăng trưởng sản xuất, vừa ổn định kinh tế vĩ mô và giảm áp lực lạm phát.

Trong thời gian gần đây, với xung đột Nga – Ukraine, giá xăng dầu tăng cao, Bộ Tài chính cũng đã kịp thời đề xuất trình Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cắt giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu xuống kịch khung thuế nhằm giảm giá xăng dầu cũng như đảm bảo các cân đối vĩ mô, giảm áp lực lạm phát trong thời kỳ giá xăng dầu tăng rất cao.

Đến nay, có thể thấy, các cân đối vĩ mô đã được đảm bảo, giữ ổn định và đà hồi phục, tăng trưởng của doanh nghiệp cũng như nền kinh tế nói chung đã “vào guồng”. Tăng trưởng GDP của Việt Nam quý I/2022 tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước, GDP quý II/2022 ước tính tăng 7,72% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý II các năm trong giai đoạn 2011-2021.

Phóng viên: Trong bối cảnh vừa giảm thuế, vừa đảm bảo nguồn lực cho phục hồi kinh tế, làm thế nào để cân đối tài khóa, đảm bảo chi tiêu và hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách là thách thức đối với ngành Tài chính. Theo ông, ngành Tài chính cần làm gì để đạt được đa mục tiêu này trong thời gian tới?

PGS.,TS. Đinh Trọng Thịnh: Để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu này, trước hết, ngành Tài chính cần phải đảm bảo quản lý nguồn thu ngân sách nhà nước một cách tốt nhất. Việc áp dụng hoá đơn điện tử, mở các cổng kê khai thuế cả trong nước và nước ngoài là một trong những cách hiệu quả để quản lý nguồn thu, từ đó tránh thất thu thuế ở mức cao nhất.

Ngành Tài chính cũng cần xem xét quản lý chặt chẽ hơn nguồn thu từ đất đai, cho thuê đất và các tài sản công nói chung. Cần có các định mức, cơ chế chính sách quản lý chặt chẽ các tài sản này để có nguồn thu ngân sách.

Với nguồn vốn đi vay, Quốc hội, Chính phủ cho phép Bộ Tài chính huy động nguồn lực đáng kể từ vay nợ. Bộ Tài chính cần xem xét vay nợ phù hợp, đẩy mạnh vay nợ trong nước kết hợp chặt chẽ chính sách tài khoá và tiền tệ để đảm bảo nguồn vốn vay có thời gian dài hơn, lãi suất phù hợp hơn, đảm bảo khả năng trả nợ trong tương lai.

Về chi tiêu, cần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công để tạo động lực cho tăng trưởng và phục hồi kinh tế năm 2022 và các năm tiếp theo. Đầu tư công cần phải được ưu tiên. Đồng thời, cần tiết kiệm các khoản chi tiêu của ngân sách nhà nước. Những năm vừa qua, chúng ta tiết kiệm chi tiêu rất tốt, mỗi năm tiết kiệm được hàng chục nghìn tỷ đồng ngân sách nhà nước. Do đó, cần tiếp tục tiết kiệm chi tiêu, trong đó chú trọng giảm chi thường xuyên, cắt giảm kinh phí hội nghị, công tác phí, các khoản chi chưa thực sự cần thiết…

Đối với những khoản chi cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Tài chính cần cùng các bộ, ngành có liên quan triển khai kịp thời, đồng bộ để đáp ứng yêu cầu khôi phục và tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trong nửa cuối năm 2022 cũng như kế hoạch cả chương trình đến hết năm 2023. Từ đó, tạo động lực tăng trưởng trong thời gian tới.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng cần xem xét triển khai các giải pháp nhằm giữ vững cân đối vĩ mô, nhất là các khoản vay, trả nợ công đảm bảo nằm trong giới hạn Quốc hội cho phép. Đặc biệt, Bộ Tài chính cần phải cùng với các bộ ngành, địa phương triển khai mạnh mẽ các biện pháp ổn định giá cả thị trường để kìm giữ lạm phát ở mức hợp lý nhưng vẫn đảm bảo triển khai các chương trình thay đổi giá dịch vụ giáo dục, dịch công theo kế hoạch đã đề ra.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!