Chủ động kiểm soát, ổn định thị trường giá cả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần

Trần Huyền

Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị, tổ chức thuộc Bộ Tài chính và các sở tài chính, cục thuế, kho bạc, hải quan, dự trữ khu vực tại các tỉnh, thành phố thực hiện đồng bộ, hiệu của các nội dung công việc nhằm tăng cường quản lý, điều hành và bình ổn giá dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Chủ động đề xuất các biện pháp điều hành giá phù hợp

Trong 10 tháng đầu năm 2021, dịch COVID-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp và đã tác động đến nền kinh tế. Công tác quản lý điều hành giá của một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cũng phải chịu áp lực rất lớn, việc kiểm soát lạm phát theo mục tiêu tại một số thời điểm rất khó khăn.

Với kết quả chỉ số giá tiêu dùng bình quân 10 tháng đầu năm 2021 ở mức 1,81% cùng với diễn biến mặt bằng giá cơ bản nằm trong kịch bản điều hành giá là những điều kiện thuận lợi và tạo dư địa để kiểm soát lạm phát cả năm 2021 theo mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra.

Tuy nhiên, giá một số mặt hàng tiêu dùng không nằm trong danh mục Nhà nước định giá đã và đang tiếp tục gây áp lực đến mặt bằng giá, nhất là vào những tháng còn lại của năm và thời điểm Tết Nguyên đán.

Để thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng – Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá trong việc kiểm soát lạm phát trong năm và những tháng đầu năm 2022; bình ổn giá cả thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có Chỉ thị số 02/CT-BTC ngày 25/11/2021 về tăng cường quản lý, điều hành và bình ổn giá dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.

Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị, tổ chức thuộc Bộ Tài chính; Giám đốc Sở Tài chính, Cục trưởng Cục Thuế, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Cục trưởng Cục Hải quan, Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính, Cục trưởng Cục Dự trữ nhà nước khu vực theo chức năng nhiệm vụ chủ động triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nội dung công việc.

Cụ thể, bám sát diễn biến giá cả thị trường, thường xuyên đánh giá, dự báo cụ thể để có biện pháp quản lý, điều hành và bình ổn giá cả thị trường phù hợp, nhất là trong thời điểm trước, trong và sau Tết để chủ động kiểm soát ổn định thị trường giá cả.

Đồng thời, tăng cường công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; qua đó, tránh để xảy ra các biến động bất thường ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội. Kiểm soát chặt chẽ việc kê khai, quyết toán thuế, công tác hoàn thuế; Chủ động sử dụng nguồn dự trữ quốc gia để ứng phó kịp thời các tình huống.

Cục Quản lý giá có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ có liên quan tổ chức nắm bắt thông tin, theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường, giá cả; nhất là đối với một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu; mặt hàng tư liệu sản xuất quan trọng có giá biến động lớn; tham mưu kịp thời cho Bộ các biện pháp quản lý, điều hành giá phù hợp nhằm ổn định mặt bằng giá cả thị trường và kiểm soát lạm phát.

Cùng với đó là đẩy mạnh công tác tổng hợp thông tin, phân tích dự báo diễn biến giá cả thị trường, chỉ số giá tiêu dùng; chủ động xây dựng kịch bản điều hành giá trong năm 2022, trong đó tính toán chi tiết tác động các yếu tố có thể ảnh hưởng đến kinh tế nói chung và lạm phát nói riêng, chú trọng đánh giá các tác động từ tình hình dịch bệnh, thiên tai, bão lũ có thể xảy ra. Trên cơ sở đó, chủ động tham mưu, đề xuất các biện pháp điều hành phù hợp.

Kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện quy định về giá tại địa phương

Bộ trưởng giao Sở Tài chính có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành chủ động tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh tăng cường công tác quản lý, điều hành, bình ổn giá trên địa bàn.

Trong đó, chủ động theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, cung, cầu và giá cả thị trường trên địa bàn trước, trong và sau Tết, nhất là đối với các mặt hàng tiêu dùng lớn như gạo, thịt lợn, rau củ quả... dịch vụ vận chuyển hành khách, tham quan, lễ hội... và các mặt hàng thiết yếu khác liên quan đến sản xuất để kịp thời tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh các biện pháp bình ổn giá theo quy định của pháp luật. 

Các Sở Tài chính phối hợp với các sở, ban, ngành chủ động tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh đề xuất kịp thời xuất cấp hàng dự trữ quốc gia theo quy định; có phương án điều tiết, hỗ trợ lưu thông nguồn hàng hợp lý, bảo đảm cung cấp đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân đặc biệt là tại các địa bàn xảy ra thiên tai, bão lũ, sạt lở đất, các khu vực có dịch bệnh cần áp dụng biện pháp cách ly, phong tỏa.

Đồng thời, tổ chức triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; Kiểm soát chặt chẽ việc chấp hành các mặt hàng Nhà nước định giá, nhất là đối với hàng hóa, dịch vụ công ích.

Chủ động phối hợp với các Sở, ban, ngành và các đơn vị liên quan xây dựng hoặc lồng ghép với các chương trình, kế hoạch công tác để đẩy mạnh thực hiện kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá, thuế, phí, lệ phí trên địa bàn, nhất là đối với những hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu như giá cước vận tải, nông sản thực phẩm, trông giữ xe...

Xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm, lợi dụng dịp lễ, tết, cao điểm để tăng giá cước vận tải ở mức cao bất hợp lý, các trường hợp đưa tin thất thiệt gây bất ổn thị trường, giá cả. Phối hợp với các đơn vị chức năng thực hiện nghiêm, triệt để, có hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, chống thất thu, gian lận thuế, giảm nợ đọng thuế; tập trung quản lý chi ngân sách nhà nước đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả, tiết kiệm, đúng chế độ.

Tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế

Tại Chỉ thị số 02/CT-BTC, Bộ trưởng Bộ Tài chính giao Thanh tra Tài chính chủ trì thực hiện việc kiểm tra chấp hành pháp luật về tài chính, kế toán, giá, thuế, phí... theo kế hoạch. Tổng cục Dự trữ Nhà nước kiểm soát chặt chẽ mức giá và các chi phí nhập, chi phí xuất cấp, chi phí bảo quản hàng dự trữ quốc gia thuộc phạm vi quản lý trực tiếp; đề xuất và chỉ đạo kịp thời việc xuất cấp hàng dự trữ quốc gia đối với các địa phương bị thiên tai, bão lũ, dịch bệnh và trong thời gian giáp hạt...

Tổng cục Hải quan tập trung lực lượng làm tốt công tác thông quan, giải phóng hàng hóa, không để xảy ra ùn tắc tại các cửa khẩu trong dịp Tết; phối hợp chắt chẽ với các lực lượng Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển trong việc tuần tra, kiểm soát biên giới đường bộ và trên biển, tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ khu vực cửa khẩu đường bộ, cảng biển, cảng sông, cảng hàng không dân dụng quốc tế, bưu điện quốc tế và các địa điểm khác thuộc địa bàn kiểm soát Hải quan; xây dựng và thực hiện các kế hoạch chuyên đề đấu tranh với mặt hàng trọng điểm.

Tổng cục Thuế chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế đối với các doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao về thuế; tăng cường công tác quản lý về hóa đơn nhằm ngăn chặn tình trạng mua bán hóa đơn, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp để hợp thức hóa hàng nhập lậu, trốn thuế; kịp thời trao đổi thông tin, phối hợp với các lực lượng chức năng trong công tác điều tra, xác minh, xử lý các đối tượng buôn lậu, gian lận liên quan đến công tác quản lý thuế.

Kho bạc Nhà nước điều hành ngân quỹ đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu chi tiêu của ngân sách nhà nước các cấp và các đơn vị giao dịch với Kho bạc Nhà nước; quản lý chi ngân sách nhà nước theo đúng dự toán được cấp có thẩm quyền giao, đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, đúng chế độ và quy định của pháp luật hiện hành.

Các cục hải quan, cục thuế, kho bạc nhà nước, cục dự trữ nhà nước khu vực đóng tại địa phương có trách nhiệm phối hợp với Sở Tài chính và các sở, ban, ngành tổ chức triển khai công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trên địa bàn.

Bộ trưởng yêu cầu Ban chỉ đạo 389 Bộ Tài chính tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thuộc Bộ Tài chính thực hiện công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo Kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 của Ban chỉ đạo 389 quốc gia.

Cục Quản lý giá được giao là đầu mối giúp Bộ tổ chức triển khai Chỉ thị; chủ trì phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ có liên quan tổ chức thực hiện các nhiệm vụ quản lý, điều hành và bình ổn giá thị trường; chủ trì triển khai các đoàn kiểm tra, nắm bắt tình hình thực hiện công tác quản lý, bình ổn giá, chống buôn lậu, gian lận thương mại tại địa phương trong dịp Tết nguyên đán Nhâm Dần 2022.