TS. Tô Trọng Hùng - Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư):
Chính sách tài khóa tiếp tục giữ vai trò tiên phong trong hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và phát triển
Việc điều hành các chính sách tài khóa thời gian vừa qua của Chính phủ và Bộ Tài chính được đánh giá là rất linh hoạt, kịp thời, tập trung trọng điểm, phù hợp với bối cảnh dịch bệnh và diễn biến của nền kinh tế trong và ngoài nước. Để làm rõ hơn điều này, Tạp chí Tài chính đã phỏng vấn TS. Tô Trọng Hùng - Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) về hiệu quả, vai trò của chính sách tài khóa được triển khai trong thời gian qua.
Phóng viên: Nhiều chuyên gia đang nói về tính lan tỏa của chính sách tài khóa giúp nền kinh tế nước ta phục hồi và quay lại quỹ đạo tăng trưởng. Quan điểm của ông về nhận định này như thế nào, thưa ông?
TS. Tô Trọng Hùng: Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát với diễn biến nhanh và khó lường, tác động tiêu cực gần như tất cả các nền kinh tế trên toàn cầu, khiến không ít quốc gia rơi vào tình trạng khủng hoảng kép về kinh tế và y tế, tôi cho rằng, có thể chỉ ra ảnh hưởng lan tỏa và vai trò đầu tàu của chính sách tài khóa đối với nền kinh tế nước ta trên một số phương diện cơ bản sau:
Thứ nhất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước đạt mức khá 6,42%. Trong đó, GDP quý II tăng 7,72%, là mức tăng cao nhất của quý II so với cùng kỳ từ năm 2011 đến nay, tạo đà tăng trưởng cho những quý tiếp theo của năm 2022. Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam của Ngân hàng Thế giới vừa công bố mới đây cũng khẳng định, tăng trưởng GDP của Việt Nam được dự báo tăng mạnh từ 2,6% trong năm 2021 lên 7,5% trong năm 2022, còn lạm phát được dự báo tăng trung bình 3,8% năm nay.
Thứ hai, giúp sản xuất công nghiệp phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7/2022 tăng mức cao trong sáu tháng liên tiếp, ước tăng 11,2%. Chỉ số sản xuất của ngành chế biến chế tạo tháng 7/2022 tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2022 tăng 9,7%, trong đó có nhiều ngành công nghiệp trọng điểm tăng trưởng cao. Kết quả này được đánh giá là nhờ các chính sách kiểm soát dịch bệnh linh hoạt, chính sách tài khóa với giảm, giãn hoãn thuế, tiền thuê đất, ổn định chi phí đầu vào cho doanh nghiệp (như giảm thuế, phí đối với xăng dầu) đã giúp hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp phục hồi tích cực.
Thứ ba, chính sách tài khóa đã góp phần kiểm soát giá cả, lạm phát trong bối cảnh đang tăng cao. Có thể thấy điều này qua việc giảm thuế phí (nhất là đối với mặt hàng xăng dầu, thuế giá trị gia tăng…), qua đó, hỗ trợ kiểm soát giá cả. Bộ Tài chính cũng đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong việc theo dõi chặt chẽ tình hình biến động giá cả, thị trường, chủ động công tác điều hành, quản lý giá; Phối hợp hiệu quả giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ, góp phần ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát...
Thứ tư, niềm tin đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp trong và ngoài nước tăng lên. Số liệu điều tra xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp vừa được Tổng cục Thống kê cho thấy, trong quý II/2022 có 42,1% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn so với quý I/2022; 36,3% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 21,6% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn. Về triển vọng sản xuất kinh doanh quý III/2022, có 49,2% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý II/2022; 35,8% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 15,0% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn. Đáng chú ý là khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước lạc quan nhất với 85,5% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý III/2022 tốt hơn và giữ ổn định so với quý II/2022; tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp Nhà nước lần lượt là 84,3% và 82,4%.
Thứ năm, thu ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm đã đạt 66,7% dự toán, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Điều đáng mừng là nhiều khoản thu tăng so với cùng kỳ năm 2021, nhất là các khoản thu từ khu vực sản xuất kinh doanh. Trong thu nội địa, có 10/12 khoản thu và nhóm khoản thu nội địa tiến độ thu đạt khá so dự toán (trên 55%); thu từ 3 khu vực kinh tế (chiếm 52% dự toán tổng thu nội địa) đều có mức tăng khá, trong đó thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 67,4% dự toán, tăng 20,5%. Điều đó cho thấy các chính sách tài khóa đã phát huy hiệu quả giúp cho nền kinh tế nói chung và hoạt động của doanh nghiệp nói riêng phục hồi và phát triển trở lại, qua đó giúp tăng thu cho NSNN.
Thứ sáu, đời sống xã hội được đảm bảo, tiêu dùng phục hồi, kinh tế - xã hội ổn định. Theo đó, tiêu dùng trong nước phục hồi khi qua 7 tháng, tổng mức bán lẻ tăng 16% so với cùng kỳ, cao hơn cả mức tăng 11% của năm 2019. Chính sách miễn giảm thuế, phí đã góp phần gia tăng phần nào thu nhập của người dân, qua đó giải tỏa hàng hóa cho doanh nghiệp trong bối cảnh sức mua đang khá yếu hiện nay. Bên cạnh đó, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P, Moody’s và Fitch đều nâng hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức “tích cực” nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh, ổn định môi trường vĩ mô và kiểm soát giá cả, lạm phát... cũng phần nào cho thấy đánh giá tích cực của cộng động quốc tế đối với kinh tế vĩ mô của Việt Nam.
Phóng viên: Nhiều ý kiến đánh giá cao phản ứng nhanh nhạy của Việt Nam trong việc đưa ra các chính sách tài khóa trong hỗ trợ, phòng chống dịch và tiếp ngay sau đó là hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và phát triển. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
TS. Tô Trọng Hùng: Để ứng phó với đại dịch COVID-19, trên thế giới, chính phủ nhiều nước đã sử dụng chính sách tài khóa bao gồm: tăng chi tiêu bổ sung và giảm thuế. Quy mô của các chính sách tài khóa này là rất lớn. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), trong đại địch COVID-19, tổng chính sách tài khóa của các chính phủ trên thế giới đã thực hiện tương đương 12% GDP toàn cầu.
Việt Nam cũng không ngoại lệ khi tập trung vào các chính sách tài khóa, mà chủ đạo là việc miễn, giảm, gia hạn nhiều khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã được thực hiện hơn 2 năm qua, giúp doanh nghiệp có cơ hội phục hồi, phát triển sản xuất - kinh doanh. Theo đó, kể từ khi dịch COVID-19 xảy ra vào đầu năm 2020 cho đến nay, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền cũng như ban hành theo thẩm quyền các giải pháp về gia hạn các khoản thuế; miễn, giảm các khoản thuế (như thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19. Thống kê cho thấy, trong năm 2020, tổng quy mô các giải pháp hỗ trợ khoảng 129 nghìn tỷ đồng (trong đó số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 97,5 nghìn tỷ đồng; số tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được miễn, giảm hơn 31,5 nghìn tỷ đồng). Trong năm 2021, trước diễn biến rất phức tạp của dịch COVID-19, các giải pháp hỗ trợ đã được tiếp tục triển khai ở mức cao hơn cả về nội dung và giá trị hỗ trợ với tổng quy mô khoảng 145 nghìn tỷ đồng, trong đó: số tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được miễn, giảm khoảng 25 nghìn tỷ đồng; số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 120 nghìn tỷ đồng.
Năm 2022, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành để trình Chính phủ, trình Quốc hội thông qua các Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Nghị quyết số 11/NQCP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, trong đó tiếp tục thực hiện các giải pháp gia hạn, miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất với quy mô khoảng 233 nghìn tỷ đồng... Có thể nói, các chính sách tài khóa cho thấy sự phản ứng nhanh và đúng đắn của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính trong việc khống chế dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Phóng viên: Ông có khuyến nghị gì về chính sách tài khóa trong bối cảnh vẫn phải thực hiện “mục tiêu kép” - vừa đảm bảo hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch, vừa đảm bảo các cân đối vĩ mô?
TS. Tô Trọng Hùng: Trước tiên phải nói rằng, đây là áp lực đối với Bộ Tài chính trong việc điều hành chính sách khi phải làm sao cân đối, để có thể thực hiện “mục tiêu kép” - vừa đảm bảo hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch, vừa đảm bảo các cân đối vĩ mô trong bối cảnh áp lực lạm phát trong nước và trên toàn cầu đang tăng cao. Tuy nhiên, tôi tin rằng với sự chủ động và trách nhiệm, Bộ Tài chính sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ hết sức khó khăn này.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng từng khẳng định, Bộ Tài chính tiếp tục chủ động nghiên cứu ban hành chính sách để đảm bảo mục tiêu tài chính đất nước, tài chính dân cư phát triển, đảm bảo phát triển hài hòa, mạnh mẽ, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Thông qua các giải pháp hỗ trợ để cộng đồng doanh nghiệp an tâm vượt qua khó khăn, sớm khôi phục và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó sẽ đóng góp trở lại cho nền kinh tế, cho ngân sách và cũng là thực hiện nuôi dưỡng nguồn thu ổn định, lâu dài. Đồng thời, trong bối cảnh nguồn thu bị suy giảm nhưng vẫn luôn bảo đảm nhu cầu chi, đặc biệt là chi về an sinh xã hội, chi cho phòng chống dịch bệnh…
Tôi cho rằng, đến nay, chính sách tài khóa cơ bản đã thực hiện được mục tiêu và nhiệm vụ của mình hiệu quả, trên nền tảng đảm bảo an ninh an toàn tài chính quốc gia và ổn định vĩ mô trước áp lực lạm phát, bất ổn của kinh tế toàn cầu. Từ đó vực lại niềm tin kinh doanh cho doanh nghiệp, thu hút đầu tư và tạo đà tăng trưởng cho nền kinh tế. Trong thời gian tới, để thực hiện mục tiêu kép này, việc hoạch định chính sách cần phải rất nhanh nhạy trong điều kiện môi trường bên ngoài có những bất ổn đáng kể. Theo đó, chính sách tài khóa tiếp tục giữ vai trò tiên phong trong hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và phát triển. Tuy nhiên, chúng ta cần tiếp tục nâng cao năng lực dự báo, phân tích các bối cảnh, tình hình, rủi ro có thể tác động đến kinh tế vĩ mô, từ đó có được điều chỉnh linh hoạt, kịp thời để phù hợp với điều kiện kinh tế trong nước. Ngoài ra, cần sự phối hợp hết sức nhịp nhàng giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để ứng phó với nhiều biến động của nền kinh tế toàn cầu.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!