Chính sách thuế: Không có chuyện phân biệt giữa doanh nghiệp trong nước và FDI

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Sau khi trở thành thành viên chính thức của WTO, Việt Nam đã nghiêm túc thực hiện nguyên tắc không phân biệt đối xử thông qua việc sửa đổi hệ thống chính sách thuế trong giai đoạn vừa qua. Theo đó, chính sách thuế được áp dụng bình đẳng giữa DN trong nước và DN nước ngoài.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Không phân biệt doanh nghiệp FDI hay trong nước

Tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII, cử tri thành phố Hồ Chí Minh đã nêu kiến nghị ngành Thuế cần điều chỉnh các chính sách thuế phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các DN trong nước phát triến, đủ sức cạnh tranh với các DN nước ngoài...

Ngoài ra, cử tri TP. Hồ Chí Minh còn đề nghị cần có chính sách hợp lý cho ngành cơ khí phát triển; xem xét miễn giảm thuế VAT cho máy móc khuôn mẫu chế tạo trong nước, qua đó, tạo sự bình đẳng cho DN trong nước và DN đầu tư nước ngoài về chính sách, không nên phân biệt DN đầu tư nước ngoài thì được miễn giảm, còn DN trong nước thì thuế suất cao hơn.

Trongvăn bản vừa được gửi tới cử tri TP. Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, một trong các nguyên tắc hoạt động cơ bản của Tổ chức thương mại quốc tế (WTO) mà các thành viên tham gia phải tuân thủ là nguyên tắc không phân biệt đối xử (đối xử tối huệ quốc và nguyên tắc đối xử quốc gia). Trong đó, “đối xử quốc gia quy định phải dành cho hàng hóa, dịch vụ và DN nước ngoài sự đối xử bình đẳng như dành cho hàng hóa, dịch vụ và DN trong nước”.

Theo Bộ trưởng, sau khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WTO, Việt Nam đã nghiêm túc thực hiện nguyên tắc này thông qua việc sửa đổi hệ thống chính sách thuế trong giai đoạn vừa qua. Theo đó, chính sách thuế được áp dụng bình đẳng giữa DN trong nước và DN nước ngoài.

Vì vậy, ý kiến về “chính sách thuế đối với các DN trong nước còn nhiều bất cập, không công bằng, các DN trong nước luôn bị thua thiệt khi phải nộp thuế nhập khẩu các linh kiện, nguyên vật liệu sản xuất, còn các DN FDI thì lại ưu tiên miễn thuế” là chưa hợp lý.

Cụ thể, thuế GTGT là thuế gián thu, thu trên phần giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, nhập khẩu, lưu thông đến tiêu dùng không phân biệt đối tượng sử dụng hàng hóa, dịch vụ. Luật thuế GTGT không có quy định về việc miễn, giảm thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ và đối tượng sử dụng hàng hóa, dịch vụ.

Do vậy, các mặt hàng máy móc, thiết bị để tạo tài sản cố định trong nước áp dụng mức thuế suất theo quy định của Luật thuế GTGT, không có sự phân biệt người mua (nhập khẩu) là DN FDI hay DN trong nước.

Cùng với đó, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2005 đã quy định cụ thể chính sách miễn thuế nhập khẩu đối với các dự án khuyến khích đầu tư. Theo đó, hàng hóa nhập khẩu qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam đều thuộc đối tượng chịu thuế nhập khẩu. Hàng hóa khi nhập khẩu đều phải kê khai, tính thuế nhập khẩu theo các mức thuế suất thuế nhập khẩu quy định tại các biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt, không phân là DN trong nước hay DN nước ngoài…

Đề nghị miễn giảm thuế GTGT là chưa hợp lý

Cũng tại văn bản trả lời, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, theo quy định hiện hành, dự án sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm cơ khí trọng điểm theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ được hưởng ưu đãi miễn thuế nhập khẩu tạo tài sản cố định theo quy định tại khoản 6, 8 Điều 12 Nghị định 87/2010/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Kể từ ngày 11/2/2011, các vật tư, thiết bị nhập khẩu để sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm và để phục vụ dự án đầu tư sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm được áp dụng mức thuế nhập khẩu ưu đãi 0% hoặc bằng mức thấp nhất do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định.

Đối với máy móc gia công cơ khí trong nước chưa sản xuất được, theo quy định của Thông tư số 139/2014/TT-BTC, kể từ ngày 7/11/2014, các mặt hàng máy gia công cơ khí thuộc nhóm 84.54 đến nhóm 84.63 của Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi ban hành kèm theo Thông tư số 164/2013/TT-BTC thuộc loại trong nước chưa sản xuất được có mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi quy định tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi lớn hơn 0% thì được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi bằng 0%. Danh mục mặt hàng trong nước đã sản xuất được căn cứ theo quy định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương

Ngoài ra, ngày 6/4/2016, Quốc hội đã thông qua Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu, trong đó có quy định nguyên tắc ban hành biểu thuế, thuế suất. Cụ thể, khuyến khích nhập khẩu nguyên liệu, vật liệu, ưu tiên loại trong nước chưa đáp ứng nhu cầu; chú trọng phát triển lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ nguồn, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường.

Đồng thời, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội và các cam kết trong các điều ước quốc tế; góp phần bình ổn thị trường và nguồn thu NSNN; đơn giản, minh bạch, tạo thuận lợi cho người nộp thuế và thực hiện cải cách thủ tục hành chính về thuế.

Áp dụng thống nhất mức thuế suất, đối với hàng hóa có cùng bản chất, cấu tạo, công dụng, có tính năng kỹ thuật tương tự; thuế suất thuế nhập khẩu giảm dần từ thành phẩm đến nguyên liệu thô; thuế suất thuế xuất khẩu tăng dần từ thành phẩm đến nguyên liệu thô.

Theo đó, Bộ Tài chính đang rà soát lại mức thuế nhập khẩu hiện hành để trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi cho phù hợp với nguyên tắc ban hành Biểu thuế quy định tại Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016, trong đó các mặt hàng sẽ được điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu theo nguyên tắc quy định tại Luật này.

Về đề nghị miễn giảm thuế GTGT cho máy móc khuôn mẫu chế tạo trong nước, theo quy định về chính sách thuế GTGT thì không có quy định về việc miễn, giảm thuế GTGT đối vớỉ hàng hóa, dịch vụ và đối tượng sử dụng hàng hóa, dịch vụ. Do vậy, các mặt hàng linh kiện, nguyên vật liệu; máy móc, khuôn mẫu chế tạo trong nước áp dụng mức thuế suất theo quy định của Luật thuế GTGT, không có sự phân biệt người mua (nhập khẩu) là DN FDI hay DN trong nước.

“Vì vậy, đề nghị miễn, giảm thuế GTGT đối với máy móc khuôn mẫu chế tạo trong nước là chưa hợp lý. Ngoài ra, nếu thực hiện miễn giảm thuế GTGT đối với máy móc, khuôn mẫu chế tạo trong nước sẽ vi phạm cam kết WTO (phân biệt đối xử giữa hàng hóa sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu)”, văn bản được Bộ trưởng Bộ Tài chính ký ban hành nêu rõ./.