Chính sách thuế ứng phó với biến đối khí hậu: Nhìn từ các nước khu vực và thế giới

Theo Thuý Nga/tapchithue.com.vn

Nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bên cạnh chính sách hạn chế sản xuất, tiêu dùng sản phẩm gây hại, một số nước còn áp dụng chính sách ưu đãi thuế đối với sản phẩm thân thiện môi trường. Tuy nhiên, do đặc thù của mỗi nước, nên các chính sách này cũng có sự khác biệt.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Hạn chế tiêu dùng, sản xuất sản phẩm gây hại

Theo nghiên cứu của Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính), các chính sách thuế và thu ngân sách giúp hạn chế sản xuất, tiêu dùng sản phẩm gây nguy hại cho môi trường bao gồm, thuế bảo vệ môi trường (BVMT), thuế carbon (CO2), thuế phương tiện (giao thông), thuế đối với nhiên liệu hoá thạch, phí ô nhiễm, thuế tài nguyên.

Trong đó, thuế BVMT có khả năng làm thay đổi hành vi gây ô nhiễm, khuyến khích các hành động BVMT.

Tại châu Âu, Malaysia, Indonesia đặt tên chung là thuế môi trường, trong khi một số nước lại chia nhỏ các khoản thuế và đặt tên riêng theo đối tượng như thuế CO2, thuế năng lượng, thuế khí thải, thuế ô nhiễm, thuế xanh, thuế nhiên liệu…

Trong các loại thuế BVMT, thuế CO2 được sử dụng tương đối phổ biến. Đây là loại thuế tính vào lượng CO2 của thiên nhiên- một trong những tác nhân làm trái đất nóng lên và gây ảnh hưởng biến đổi khí hậu.

Đối tượng chịu thuế CO2 chủ yếu là nhiên liệu hoá thạch như xăng dầu, methanol, butan, khí hoá lỏng, than bùn, than đá. Cơ sở tính thuế là lượng khí thải CO2 tính theo tấn khí thải. Thuế suất CO2 có thể được xác định tương đối theo tỷ lệ phần trăm hay thuế suất tuyệt đối hoặc hỗn hợp.

Theo OECD, thuế CO2 có tác động làm giảm rõ rệt lượng khí nhà kính, đồng thời tạo ra nguồn thu đáng kể cho ngân sách quốc gia. Các nước Đông Á có thể tăng thu ngân sách them 0,5-2% GDP vào năm 2020, nếu áp dụng mức thuế 20 USD/tấn CO2. Nguồn thu này đặc biệt cao hơn ở các nước đang phát triển bởi lượng phát thải lớn.

Năm 2016, số lượng các nước áp dụng thuế CO2 đã tăng gấp 2 lần so với năm 2012, từ 20 nước lên 40 nước. Theo đó, lượng khí CO2 được định giá khoảng 7 tỷ tấn/năm, chiếm 12% tổng lượng phát thải toàn cầu. 

Tại châu Âu, từ tháng 1/1990 Phần Lan là nước đầu tiên sử dụng thuế CO2 như một công cụ để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Sau đó, thuế CO2 đã được cải cách vào năm 1997 với mức thu tăng lên và thuế CO2 được bổ sung cùng với thuế đánh vào tiêu dung điện năm 1997.

Đến năm 2011, thuế CO2 phát triển thành một loại thuế kết hợp với thuế năng lượng với mức phí 18,05 euro/tấn CO2 và 66,2 euro/tấn CO2. Năm 2013, mức thu thuế CO2 là 35 euro/tấn.

Thuỵ Điển cũng áp dụng thuế CO2 từ năm 1991 đối với nhiên liệu đốt và nhiên liệu sử dụng cho phương tiện cơ giới với mức thuế có xu hướng ngày càng tang từ 27 euro/tấn lên 114 euro/tấn vào năm 2011 và 168 euro/tấn vào năm 2014. 

Tại châu Á, Nhật Bản là nước đầu tiên áp dụng thuế CO2 vào tháng 10/2012 tính theo mức sử dụng các loại nhiên liệu hoá thạch như dầu mỏ, khí thiên nhiên và than. Thông qua sử dụng hệ số phát thải CO2 cho mỗi ngành, thuế suất trên 1 đơn vị khối lượng được xác định là 2 USD/tấn.

Nguồn thu thuế được sử dụng cho việc giảm thiểu hiện tượng nóng lên toàn cầu, thúc đẩy bảo tồn năng lượng và triển khai các nguồn năng lượng tái tạo. Hiện, thuế CO2 cũng đã được Chính phủ Nam Phi dự thảo để lấy ý kiến công chúng và dự kiến sẽ tính vào khí thải nhà kính.

Cùng với thuế CO2, thuế phương tiện (giao thông) cũng được nhiều nước áp dụng. Tại Đức, thuế phương tiện được xác định căn cứ vào lượng khí CO2 thải ra và dung lượng của xe.

Mức thuế được xác định gồm mức thu cố định (căn cứ dung tích xi lanh xe) và mức thu tính trên lượng CO2 khí thải khi sử dụng xe. Riêng thuế đối với nhiên liệu hoá thạch (xăng dầu, than) ở mỗi nước có tên gọi khác nhau như thuế xăng dầu, thuế TTĐB.

Về phương pháp tính thuế, có nước thu theo mức tuyệt đối tính trên khối lượng, thể tích sản phẩm (Nhật Bản 48.600 yên/1.000 lít xăng, tương đương 11.780 đồng/lít; Hàn Quốc thì xăng dầu thay thế tương tự 475 won/lít); có nước thu theo tỷ lệ %/giá bán như thuế TTĐB đối với xăng dầu ở Myanmar là 10%, thậm chí ở Croatia, Pháp, Hà Lan và Italia lên tới 40%.

Bên cạnh đó, thuế tài nguyên là thuế gián thu tính vào sản phẩm khai thác tài nguyên thiên nhiên, gồm cả tái tạo và không tái tạo.

Thế giới có 4 phương thức chủ yếu để tính thuế gồm: dựa vào sản lượng khai thác và thu theo mức tuyệt đối (Trung Quốc, Indonesia); dựa vào giá trị tài nguyên, thu theo tỷ lệ % (Myanmar, Philippine); dựa vào lợi nhuận từ việc khai thác (Nam Phi); và thu theo phương thức hỗn hợp (Australia).

Theo TS Lê Thị Mai Liên (Viện Chiến lược và chính sách tài chính), ngoài ra một số nước còn áp dụng thuế TTĐB đối với ôtô.

Đặc biệt, có nước còn áp dụng thuế TTĐB ở mức 10-15% đối với dòng xe dưới 2000cc tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng sạch; 3000cc thì tới 125% (Indonesia), 90% (Lào), 105% (Malaysia).

Ưu đãi cho sản phẩm thân thiện

Để giảm thiểu biến đổi khí hậu, một số nước đã áp dụng ưu đãi thuế cho DN, cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) để nghiên cứu và phát triển, tạo ra sản phẩm thân thiện môi trường, giảm thiểu lượng khí CO2.

Cụ thể Trung Quốc miễn thuế GTGT đối với các dịch vụ trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển, áp dụng mức thuế suất TNDN thấp hơn so với các DN thông thường. Phần Lan, Thổ Nhĩ Kỳ thì giảm thuế TNCN và các khoản đóng góp an sinh xã hội đối với cá nhân làm việc trong lĩnh vực KH&CN.

Thái Lan, Malaysia thì miễn thuế TNDN đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng chỉ giảm phát thải. Croatia, Italia, Nam Phi, Áo cho phép khấu trừ tiền chi phí dành cho nghiên cứu và phát triển với tỷ lệ cao.

Cùng với đó, chính sách xoá bỏ trợ cấp cho nhiên liệu hoá thạch, trợ giá cho năng lượng tái tạo cũng được các nước ở châu Âu áp dụng, trong khi ở châu Á có Philippines, Indonesia và Thái Lan.

Ngoài ra, chính sách tín dụng xanh từ nhà nước và các quỹ tài chính nhà nước cũng được nhiều nước sử dụng nhằm cung cấp khoản tín dụng với mức lãi suất ưu đãi cho người nghiên cứu, sản xuất các thiết bị kiểm soát ô nhiễm và các tổ chức, DN tham gia vào sản xuất xanh như ở Đức, Trung Quốc.