Doanh nghiệp Nhật Bản chấp hành rất tốt pháp luật thuế

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Phát biểu tại buổi tọa đàm với 40 doanh nghiệp Nhật Bản đóng trên địa bàn Thủ đô Hà Nội sáng 10/8, ông Nguyễn Thế Mạnh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, kiêm Cục trưởng Cục Thuế TP. Hà Nội cho biết.

Đóng góp của các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản vào ngân sách khá cao, chiếm gần 30% tổng số đóng góp ngân sách khối DN đầu tư nước ngoài (FDI) và được đánh giá chấp hành tốt chính sách pháp luật về thuế.

Đóng góp 30% ngân sách trong khối FDI

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Thế Mạnh cho biết, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. “Các nghiên cứu gần đây đều rút ra nhận định chung rằng, khu vực có vốn FDI đã đóng góp quan trọng vào GDP với tỷ trọng ngày càng tăng. Khu vực này góp phần tăng cường năng lực sản xuất và đổi mới công nghệ của nhiều ngành kinh tế, khai thông thị trường sản phẩm, đặc biệt là trong gia tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, đóng góp cho ngân sách nhà nước (NSNN) và tạo việc làm cho nhiều lao động”, ông Mạnh nói.

Cũng theo lãnh đạo Cục Thuế TP. Hà Nội, trong các DN có vốn đầu tư nước ngoài, DN Nhật Bản được đánh giá là những DN uy tín nhất, quản trị tốt nhất, kỷ luật chấp hành luật pháp và thực hiện cam kết với Chính phủ cũng xếp hạng nhất. “Tại TP. Hà Nội, trong những năm gần đây, đóng góp ngân sách của các DN Nhật Bản rất cao, chiếm gần 30% tổng số đóng góp ngân sách của các DN khối FDI, trong đó năm 2016 là 4.819 tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2017 con số này đã là 2.854 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2015”, ông Mạnh thông tin.

Do đó, để tạo điều kiện tốt nhất cho người nộp thuế (NNT) thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình, Cục Thuế TP. Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) tại cơ quan thuế, tăng cường hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn, đặc biệt là công tác hỗ trợ DN khởi nghiệp, thu hút đầu tư Nhật Bản vào Hà Nội.

“Vừa qua, UBND TP.Hà Nội đã phê duyệt đề án “Giải pháp phát triển kinh tế của TP. Hà Nội trong bối cảnh thực hiện các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Nhật Bản đến năm 2020”. Trong đó, thành phố giao nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành, cơ quan thuế tiếp tục thực hiện cải cách TTHC theo hướng đơn giản, nâng cao chất lượng khai thuế qua mạng, nộp thuế điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN, đặc biệt là các DN có vốn đầu tư Nhật Bản phát triển và tiếp tục đầu tư vào Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung”, ông Mạnh nói.

DN ngày càng hài lòng với cơ quan thuế

Ông Mai Sơn - Phó Cục trưởng Cục Thuế TP. Hà Nội cho biết, thời gian qua bên cạnh việc nỗ lực thực hiện nhiệm vụ quản lý thu NSNN, công tác cải cách TTHC và hiện đại hóa ngành Thuế được Cục Thuế TP. Hà Nội xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, với mục tiêu cải cách TTHC thuế, đảm bảo công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho NNT, người dân dựa trên 3 nền tảng cơ bản: Thể chế chính sách thuế minh bạch, quy trình TTHC thuế đơn giản, khoa học và phù hợp với thông lệ quốc tế; nguồn nhân lực có chất lượng, liêm chính; ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) hiện đại, có tính liên kết, tích hợp, tự động hóa cao.

“Trong quá trình triển khai, chúng tôi lấy sự hài lòng của NNT làm mục tiêu chính để cải cách. Theo đó, ngành Thuế đã ứng dụng toàn diện CNTT hiện đại vào quản lý, nhằm hướng tới lợi ích của DN để giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho NNT và tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý... Chính cuộc cải cách này đã tạo cho Cục Thuế Hà Nội một sắc thái riêng, một diện mạo mới với những nhận thức thay đổi của cả cán bộ thuế, NNT và nhân dân về công tác thuế”, ông Sơn nói.

Cùng với đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng DN Nhật Bản thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đồng thời hỗ trợ tốt nhất về chính sách thuế, Cục Thuế TP. Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với Hiệp hội DN Nhật Bản Việt Nam để tổ chức các buổi tọa đàm. Đây cũng là dịp để Cục Thuế TP. Hà Nội cung cấp thông tin về chính sách thuế mới, về TTHC thuế, đồng thời tiếp nhận, giải quyết kịp thời những vướng mắc, tháo gỡ khó khăn, bảo đảm quyền lợi chính đáng của DN.

Ghi nhận của phóng viên tại buổi tọa đàm ngày 10/8 cho thấy, những vướng mắc của DN tập trung vào các nội dung chính: Chính sách thuế đối với hoạt động chống chuyển giá, giao dịch liên kết, thuế nhà thầu, thuế suất, chuyển nhượng bản quyền thương hiệu, phần mềm, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt... Những vướng mắc này đã được lãnh đạo Cục Thuế giải đáp thoả đáng tại hội nghị, nên các DN đều cảm thấy hài lòng với hướng giải quyết của Cục Thuế.

Ông Hironori Funahashi - Phó chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam đã ghi nhận những nỗ lực cải cách TTHC của Cục Thuế TP. Hà Nội nói riêng và ngành Thuế nói chung, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục thu thập những phản hồi của cộng đồng DN Nhật Bản về những khó khăn trong thực hiện chính sách thuế, cũng như thái độ ứng xử của cán bộ, công chức thuế để góp ý, kiến nghị với cơ quan thuế. Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục kêu gọi cộng đồng DN thực hiện tốt pháp luật về thuế, đảm bảo nộp đúng, nộp đủ thuế cho ngân sách.