Cho vay ngang hàng: Để tránh đi vào "vết xe" của Trung Quốc
Trong Quyết định số 999 của Thủ tướng Chính phủ ký ngày 12-8-2019, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được giao xây dựng cơ chế cho hoạt động cho vay ngang hàng. Vậy đâu là những điểm cần lưu ý khi xây dựng cho chế này?
Cho vay ngang hàng ở một số quốc gia
Theo Nemoto và cộng sự (2019), trong ba quốc gia có quy mô cho vay ngang hàng lớn nhất thế giới là Mỹ, Trung Quốc và Anh thì Mỹ là quốc gia có xu hướng siết chặt các quy định cho vay trên nền tảng này, nhờ đó bảo vệ tốt người cho vay và người đi vay.
Trong khi đó, khung pháp lý ở Anh nhìn chung mang tính tạo điều kiện, ủng hộ cơ chế thử nghiệm (sandbox), và cho phép nhiều loại nền tảng để phục vụ cho các phân khúc khác nhau trên thị trường cho vay ngang hàng.
Đối với Trung Quốc, trong thời gian đầu chính phủ hạn chế can thiệp vào lĩnh vực cho vay ngang hàng, dẫn đến sự phát triển nóng của lĩnh vực này. Một số nghiên cứu đã cho thấy hơn một phần ba nền tảng cho vay này của Trung Quốc có các vấn đề bất ổn, đặc biệt là hành vi gian lận, lừa đảo và điều này dẫn đến việc phá sản của nhiều công ty công nghệ tài chính (FinTech).
Kinh nghiệm của các nước cho thấy việc quản lý cho vay ngang hàng cần đảm bảo các yếu tố sau: (1) nền tảng cho vay ngang hàng cần là một kênh đầu tư an toàn và hiệu quả cho một bộ phận xã hội rộng lớn; (2) cần tạo điều kiện cho người vay tiếp cận với nguồn vốn đáng tin cậy và hợp lý với các điều khoản công bằng; (3) có khả năng phân loại được những người vay dựa trên rủi ro vỡ nợ; (4) cung cấp cho nhà đầu tư các hiểu biết chính xác về rủi ro tín dụng và các nhà đầu tư nên kiểm soát một số rủi ro để ngăn ngừa rủi ro đạo đức; (5) các nền tảng cho vay yếu có thể ra khỏi thị trường mà không gây thiệt hại cho các nhà đầu tư hoặc gây ra thiếu hụt tài trợ cho người vay; (6) phía cho vay phải đủ mạnh trong thời kỳ suy thoái kinh tế để ngăn ngừa việc dừng cho vay đột ngột, lãi suất cho vay quá cao và các vấn đề bất ổn hệ thống từ sự sụp đổ của các nền tảng cho vay; (7) cần duy trì thị trường cạnh tranh giữa các nền tảng cho vay ngang hàng để thúc đẩy sự lựa chọn của người tiêu dùng; ngăn chặn độc quyền, hoặc thực hành độc quyền; và tránh rủi ro hệ thống của sự phụ thuộc quá mức vào một hoặc một số ít nền tảng; (8) nền tảng này phải hữu ích cho xã hội và phục vụ nền kinh tế thực sự.
Khung pháp lý ở Việt Nam
Tại Việt Nam, hiện có khoảng 40 công ty hoạt động theo mô hình cho vay ngang hàng như Tima, Vaymuon, InterLoan, ứng dụng Mofin P2P lending... Quy mô của hoạt động này đang ngày càng gia tăng, tính đến thời điểm chúng tôi viết bài này thì Tima đã giải ngân hơn 82.620 tỉ đồng.
Cũng như ở các quốc gia khác, hoạt động cho vay ngang hàng tại Việt Nam đã có những biến tướng không lành mạnh. Chính vì thế, NHNN gần đây đã khuyến cáo người dân cẩn trọng khi tham gia mô hình này. Với người vay, cần cân nhắc khi cung cấp thông tin cá nhân khi đăng ký khoản vay, xem kỹ nội dung hợp đồng vay trước khi ký, đặc biệt là khoản phải trả.
Ngày 12/8/2019, Thủ tướng đã ký Quyết định số 999/QĐ-TTg phê duyệt đề án Thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ. Quyết định này đã đề cập đến cơ chế Sandbox để thử nghiệm các mô hình mới, trong đó NHNN đã được giao xây dựng cơ chế cho hoạt động cho vay ngang hàng. Điều này là phù hợp, vì nếu muốn khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh mới đưa ra áp dụng sẽ mất nhiều thời gian và kìm hãm khả năng phát triển và đổi mới sáng tạo, làm thiệt hại cho nền kinh tế số.
Từ kinh nghiệm các nước, mục tiêu của các quy định đối với cho vay ngang hàng nên bao gồm việc duy trì trật tự thị trường tài chính, đồng thời tránh kìm hãm đổi mới sáng tạo, duy trì sự tăng trưởng của lĩnh vực FinTech này, giảm chênh lệch pháp lý và bịt các lỗ hổng pháp lý.
Khuyến khích đổi mới tài chính
Cho vay ngang hàng đóng vai trò quan trọng trong việc phục vụ các cá nhân và doanh nghiệp ít có cơ hội tiếp cận tín dụng từ ngân hàng. Do đó, nếu duy trì một mức độ phù hợp để đổi mới và hướng dẫn hoạt động cho vay ngang hàng đi theo hướng lành mạnh, xã hội sẽ được phục vụ tốt hơn. Cụ thể hơn, Việt Nam cần xác định loại cho vay ngang hàng nào là bất hợp pháp. Điều này sẽ tạo không gian cho cho vay ngang hàng phát triển.
Thứ hai, cho các nền tảng cho vay ngang hàng có thời gian để điều chỉnh trước khi đưa ra các quy định quản lý mới, vì quy định khắc nghiệt ngay từ đầu có thể khiến thị trường cho vay ngang hàng bị thu hẹp và hạn chế đổi mới tài chính.
Thứ ba, việc thử nghiệm sandbox đối với cho vay ngang hàng không nên quá dài, để nhanh chóng rút ra những kinh nghiệm về hiệu quả của mô hình này. Các chủ thể khi đăng ký tham gia khung thử nghiệm sandbox nên là các sản phẩm được thiết kế mang lại các lợi ích, có đặc tính quản lý rủi ro tốt và ít có khả năng gây ra bất ổn đối với hệ thống tài chính.
Quản lý theo chức năng
Về cơ bản, cho vay ngang hàng không thay đổi chức năng hoặc bản chất của tài chính cơ bản và không thay đổi các yêu cầu kiểm soát rủi ro đối với ngành tài chính. Do đó, nếu mô hình cho vay ngang hàng nào đó cung cấp các sản phẩm và dịch vụ giống như các định chế tài chính truyền thống, thì nhà cung cấp dịch vụ phải tuân thủ các quy định kiểm soát rủi ro tương tự.
Vì vậy, các cơ quan quản lý nên áp dụng việc quản lý theo chức năng để đảm bảo rằng các doanh nghiệp giống nhau thì phải tuân thủ các quy định pháp lý như nhau, bất kể họ là tổ chức tài chính truyền thống hay tổ chức tài chính hoạt động trên nền tảng Internet.
Cải thiện môi trường xếp hạng tín dụng để giảm rủi ro
Với thông tin xếp hạng tín dụng tốt hơn, các nền tảng cho vay ngang hàng có thể sàng lọc người vay không đủ tiêu chuẩn, từ đó nâng cao niềm tin của nhà đầu tư. Vì vậy, việc tạo ra các cơ sở dữ liệu tín dụng dùng chung là rất cần thiết.
Cho phép các doanh nghiệp cho vay ngang hàng tiếp cận hệ thống thông tin tín dụng quốc gia cũng là một việc NHNN nên xem xét, vì khai thác dữ liệu lớn là chìa khóa để doanh nghiệp cho vay ngang hàng đánh giá tín dụng, tìm cách phân tích nhu cầu và đặc điểm rủi ro của người dùng.
Tuy nhiên, khai thác dữ liệu không nên được xác định đơn giản là xử lý dữ liệu hiện có, mà nên được sử dụng để tạo ra những hiểu biết mới và có giá trị về các chỉ số rủi ro, từ đó sẽ giúp dự đoán khả năng tín dụng chung của người vay. Điều này đặt ra yêu cầu chia sẻ hồ sơ vay nợ và hồ sơ tín dụng thông qua hợp tác chặt chẽ của các bên liên quan.
Sự phối hợp giữa các cơ quan
Cơ chế phối hợp giữa NHNN và các bộ như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Tài chính... cần được làm rõ, đặc biệt là nhiệm vụ cụ thể của từng đơn vị này để đảm bảo tính thống nhất trong quá trình hoàn thiện khuôn khổ pháp lý lĩnh vực cho vay ngang hàng, tránh tình trạng phân mảnh chồng chéo. Cần bảo đảm đội ngũ nhân lực của cơ quan quản lý có đủ khả năng phân tích, nhận định các biến động trên thị trường.
Kinh nghiệm tại Trung Quốc cho thấy mặc dù các công ty cho vay ngang hàng ở các địa phương có báo cáo về hoạt động, dòng tiền mỗi tháng, quí và năm, nhưng đội ngũ nhân sự xử lý ở các cơ quan hành pháp lại mỏng và thiếu các công cụ hỗ trợ trong phân tích; công tác quản lý chủ yếu chỉ dựa vào báo cáo của các công ty này (Reuters, 2019).
Cuối cùng, cần tăng cường phổ biến kiến thức tài chính để người dùng có trách nhiệm lựa chọn các nền tảng cho vay, khoản vay phù hợp và tránh lừa đảo tốt hơn.