Chọn cổ phiếu phòng thủ nào cho nửa cuối năm 2022?
Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc phân tích của Công ty chứng khoán VNDIRECT cho rằng, trong bối cảnh thị trường nhiều thách thức và rủi ro như hiện nay, nhà đầu tư nên quan tâm đến các cổ phiếu phòng thủ, nên có chiến lược phòng thủ.
Phóng viên: Thưa bà, thị trường đã giảm sâu từ tháng 4 đến nay, đây đó có nhiều ý kiến cho rằng thị trường đang rẻ, liệu thị trường có thật sự rẻ khi dòng tiền vào thị trường vẫn rất khiêm tốn?
Bà Trần Thị Khánh Hiền: Có thể thấy nửa cuối năm 2022, thị trường sẽ còn nhiều khó khăn nhưng đâu đó có một số điểm sáng, đó là sự quay lại của nhà đầu tư nước ngoài, tiềm năng thị trường được thăng hạng.
Để tìm kiếm cơ hội cho nửa cuối năm, tôi cho rằng chúng ta nên thay đổi góc nhìn định giá thị trường. Để định giá thị trường Việt Nam trong mối tương quan với lãi suất tăng, chúng tôi sử dụng lợi tức thu nhập thị trường là EPS của thị trường chia cho giá chỉ số. Chúng tôi tin rằng chỉ số định giá lợi tức thu nhập thị trường có thể hữu ích khi có lo ngại về lãi suất tăng và khi các nhà đầu tư mong muốn phân bổ tài sản tối ưu.
Nhìn lại lịch sử thị trường, vào đầu năm 2018, khi lợi tức thị trường thấp hơn lãi suất tiền gửi khoảng 2% thì sau đó, thị trường chứng khoán tăng nhưng khi mức chênh lệch này giảm xuống thì thị trường giảm điểm.
Vào tháng 3 - 4/2020, khi thị trường giảm điểm do phản ứng của nhà đầu tư quá tiêu cực vì dịch bệnh COVID-19, lợi tức thị trường tăng lên, mức chênh lệch này được kéo giãn và chúng ta chứng kiến dòng tiền ồ ạt đổ vào thị trường.
Nhìn từ đỉnh VN-Index 1.500 điểm vào tháng 1/2022 đến tháng 4/2022, lợi suất thị trường và lãi suất tiền gửi có vẻ đang tiệm cận với nhau. Nhưng đến nay, khi thị trường sụt giảm mạnh thì tỷ lệ lợi suất này đã tăng lên. Tôi cho là thị trường hiện tại khá hấp dẫn, khá rẻ. Thời điểm hiện tại, dòng tiền còn lại trên thị trường là tiền tươi thóc thật, rất ít sử dụng đòn bẩy.
Phóng viên: Vậy trong 6 tháng cuối năm, các ngành nào sẽ có cơ hội? Bà có nhận định gì cho nhà đầu tư?
Bà Trần Thị Khánh Hiền: Nhìn về 6 tháng cuối năm, chúng tôi cho rằng các ngành dịch vụ đang có bước phục hồi mạnh mẽ, tỷ trọng GDP của khối bán lẻ tăng khá mạnh, khoảng 7 - 8% nhưng thị trường đã phản ánh hết sự tăng trưởng này.
Cổ phiếu của các doanh nghiệp bán lẻ mức tăng trưởng khá tốt, vài cổ phiếu có lúc vượt đỉnh. Một số doanh nghiệp liên quan du lịch, hàng không thì đà tăng của thị trường chưa phản ánh hết, họ đang chờ đợi khách du lịch quốc tế quay trở lại. Tôi cho là nửa cuối năm 2022, các nhóm ngành dịch vụ du lịch, hàng không có mức tăng trưởng tốt hơn so nhóm ngành khác.
Ở nhóm hàng hóa cơ bản, các mặt hàng nguyên vật liệu cơ bản đều có đà tăng khá mạnh, được thúc đẩy bởi việc đứt gãy chuỗi cung ứng do chính sách không COVID của Trung Quốc và xung đột Nga – Ukraine.
Nhưng đà tăng của các mặt hàng sẽ có sự phân hóa, một số nguyên vật liệu sẽ hạ nhiệt trong nửa sau của năm. Thông thường thị trường chứng khoán sẽ phản ánh trước những dự báo của 3 - 6 tháng sau.
Hiện các mặt hàng như ngô, đường, sữa bột đang có xu hướng tạo đỉnh, làm giảm nhẹ biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp thuộc nhóm sản xuất thực phẩm đồ uống sữa. Do đó, nửa cuối năm, nhóm này sẽ có sự tăng trưởng tốt hơn so với thị trường chung.
Nhóm đầu tư công phát triển chậm lại do ảnh hưởng tăng giá các mặt hàng liên quan vật liệu xây dựng. Sắt thép và một số nguyên vật liệu xây dựng có xu hướng tạo đỉnh cùng với việc Chính phủ nỗ lực thúc đẩy các dự án liên quan đầu tư công đặc biệt 11 dự án thành phần của Dự án đường cao tốc Bắc-Nam. Doanh nghiệp đầu tư công là điểm sáng và có thể quay lại “sân khấu” vào quý IV/2022.
Với nhóm hạ tầng năng lượng, Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ để đáp ứng cam kết zero carbon. Do đó, các cổ phiếu ngành điện và các nhà phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng sẽ có cơ hội tăng trưởng vượt trội trong một vài năm tới
Phóng viên: Trong thị trường nhiều thách thức và rủi ro như hiện nay, bà có gợi ý gì cho nhà đầu tư để “phòng thủ”?
Bà Trần Thị Khánh Hiền: Vâng, chúng ta hay đề cập đến cổ phiếu phòng thủ, chiến lược phòng thủ, nhất là trong bối cảnh thị trường như hiện nay. Đối với tôi, cổ phiếu phòng thủ và chiến lược đầu tư phòng thủ là những việc khác nhau…
Chúng ta đều biết cổ phiếu phòng thủ là các cổ phiếu có mô hình kinh doanh ít chịu ảnh hưởng từ chu kỳ kinh tế, dù kinh tế đi lên hay đi xuống thì doanh nghiệp vẫn có thu nhập ổn định ví dụ như ngành điện, nước, hàng tiêu dùng, dược phẩm, y tế và bảo hiểm. Nhưng các doanh nghiệp hoạt động trong ngành này còn phải có mô hình kinh doanh ổn định, tỷ lệ thâm dụng vốn, tỷ lệ đòn bẩy thấp.
Với tôi chiến lược đầu tư phòng thủ quan trọng hơn, giúp chúng ta có nhiều lựa chọn hơn vì nhiều cổ phiếu phòng thủ thanh khoản thấp, khó mua bán. Chúng ta nên xem xét các cổ phiếu đầu ngành, ít chịu biến động của chu kỳ kinh doanh.
Các doanh nghiệp đầu ngành có tiềm lực về vốn, có tỷ lệ chi phí vốn thấp, thị phần lớn, có thể tự chủ giá cả đầu ra, nguồn nguyên vật liệu đầu vào, làm giảm giảm áp lực bị giảm biên lợi nhuận gộp khi có rủi ro giá đầu vào tăng, chuỗi cung ứng có đột biến. Trong bối ảnh lãi suất tăng lên, chúng ta nên chọn cổ phiếu có lịch sử chi trả cổ tức cao, có lợi tức thị trường cao hơn lãi suất tiết kiệm...
Về nguyên tắc chung, chúng ta vẫn phải tuân thủ kỷ luật đầu tư, nguyên tắc điểm mua bán - ra vào, ít sử dụng đòn bẩy
Ở thời điểm hiện tại, tôi ưa thích nhóm cổ phiếu năng lượng bao gồm dầu khí và điện.
Khá nhiều cổ phiếu dầu khí đang có giao dịch khởi sắc nhờ sự bùng nổ của giá dầu. Tuy nhiên, như giá cả các hàng hóa khác (commodity), giá dầu cơ bản là khó dự báo và đoán định, do đó tôi ưa thích những câu chuyện đầu tư dài hạn hơn.
Có một số tín hiệu cho thấy dự án phát triển mỏ khí Lô B Ô Môn sẽ được trao Quyết định đầu tư cuối cùng trong tháng 7/2022, tạo tiền đề cho toàn chuỗi dự án này được khởi công. Siêu dự án này sẽ là động lực tăng trưởng mới cho các DN trong chuỗi giá trị dầu khí tại Việt Nam.
Với tổng vốn đầu tư gần 10 tỷ USD, chuỗi dự án Lô B - Ô Môn sẽ tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho các nhà cung cấp dịch vụ thượng nguồn và nhà thầu EPC tại Việt Nam. Mỏ khí Lô B với trữ lượng khí ước tính khoảng 107 tỷ m3 cũng sẽ đảm bảo nguồn cung cấp khí cho phát điện, thay thế cho một số mỏ khí trưởng thành đang ở giai đoạn khai thác cuối cùng.
Theo quan điểm của tôi, ở thời điểm khởi đầu của dự án, các doanh nghiệp được hưởng lợi chính từ dự án này bao gồm chủ đầu tư và các công ty cung cấp dịch vụ thượng nguồn và nhà thầu EPC.
Chúng tôi kỳ vọng sản lượng điện khí sẽ tăng trở lại trong 2022 từ mức nền thấp 2021, nhờ sự nhu cầu điện phục hồi mạnh mẽ. Chúng tôi kỳ vọng vào một năm tiếp tục tích cực của thủy điện nhờ pha La Nina sẽ kéo dài đến hết năm 2022.
Dự thảo mới hướng tới một quá trình chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ. Sau 4 bản dự thảo Quy hoạch điện 8, đã có những thay đổi lớn trong cơ cấu phát triển nguồn điện.
Đặc biệt, bản sửa đổi mới nhất nhấn mạnh vào quá trình chuyển đổi năng lượng sạch mạnh mẽ để đáp ứng cam kết "zero carbon" của Việt Nam. Chúng tôi kỳ vọng vào sự gia tăng đáng kể của điện năng lượng tái tạo trong dài hạn và ưa thích các công ty có dự án đang triển khai.
Phóng viên: Xin cảm ơn bà!