Chọn sản xuất tinh gọn hay Six Sigma để cải tiến chất lượng sản phẩm?

Hạ Băng

Để lựa chọn phương pháp nào được sử dụng trong các chương trình cải tiến chất lượng, các doanh nghiệp cần xác định rõ vấn đề đang gặp phải và mục tiêu của các phương pháp này.

Doanh nghiệp nên áp dụng Six Sigma khi muốn giảm sự khác biệt và đầu ra của quá trình đồng nhất cao. Ảnh: Internet
Doanh nghiệp nên áp dụng Six Sigma khi muốn giảm sự khác biệt và đầu ra của quá trình đồng nhất cao. Ảnh: Internet

Đều thực hiện văn hóa cải tiến liên tục

Tư duy tinh gọn, còn được gọi là sản xuất tinh gọn (SXTG) được phát triển từ Hệ thống sản xuất Toyota (TPS) liên quan đến việc xác định giá trị của bất kỳ quá trình nào bằng cách phân biệt các hoạt động tạo giá trị gia tăng với các hoạt động không tạo giá trị gia tăng và loại bỏ lãng phí để mỗi hoạt động đều tăng thêm giá trị cho quá trình.

SXTG sẽ giúp giảm thời gian chờ, hàng tồn kho, thời gian ngừng hoạt động của thiết bị, phế liệu, làm lại... Ngoài tập trung vào việc loại bỏ lãng phí và cải thiện dòng chảy, SXTG cũng đem lại những lợi ích khác như: chất lượng được cải thiện, quá trình xử lý sản phẩm ít tốn thời gian hơn, giảm nguy cơ sai hỏng, đơn giản hóa các quá trình.

Six Sigma được phát triển tại Công ty Motorola vào giữa những năm 1980. Đây là một trong những phương pháp cải tiến quá trình.

Six Sigma đã phát triển và hệ thống hóa nhiều công cụ thống kê và kinh doanh để phân tích quá trình từ đó thực hiện giảm chi phí, sai sót và thời gian chu kỳ sản xuất, cũng như tăng thị phần, duy trì khách hàng...

SXTG và Six Sigma đều thực hiện văn hóa cải tiến liên tục trong toàn bộ tổ chức.

Có một số điểm tương đồng giữa SXTG và Six Sigma đối với việc quản lý và cải tiến quá trình: tập trung vào quá trình; cần sự hỗ trợ của ban quản lý để đạt được thành công, đặc biệt là tạo cơ sở hạ tầng, phân bổ ngân sách và thời gian cần thiết để thay đổi văn hóa của doanh nghiệp.

Có thể được sử dụng trong môi trường phi sản xuất; tập trung vào nhu cầu của khách hàng; sử dụng các nhóm đa lĩnh vực để giải quyết các vấn đề kinh doanh; cung cấp các công cụ hỗ trợ nhau, cung cấp một phương tiện toàn diện để chuyển đổi doanh nghiệp từ thái cực hoạt động hỗn loạn sang thái cực sang hoạt động xuất sắc.

Một số điểm khác biệt cơ bản giữa phương pháp SXTG và Six Sigma là việc áp dụng phương pháp Six Sigma đòi hỏi phải được đào tạo cường độ cao hơn; thực hiện Six Sigma đòi hỏi đầu tư nhiều hơn.

SXTG giải quyết các vấn đề về dòng chảy hiệu quả kém, trong khi Six Sigma chủ yếu được sử dụng để giải quyết các vấn đề cụ thể trong quá trình.

Six Sigma loại bỏ các lỗi trong các quá trình nhưng nó sẽ không giải quyết câu hỏi làm thế nào để tối ưu hóa quá trình; trong khi SXTG giúp tối ưu hóa quá trình và nâng cao năng suất.

Xác định rõ vấn đề gặp phải để chọn phương pháp phù hợp

Để lựa chọn phương pháp nào được sử dụng trong các chương trình cải tiến chất lượng, các tổ chức cần phải xác định rõ vấn đề đang gặp phải và mục tiêu của các phương pháp này.

SXTG giải quyết các vấn đề về dòng chảy hiệu quả kém, trong khi Six Sigma chủ yếu được sử dụng để giải quyết các vấn đề cụ thể trong quá trình. Ảnh: Internet
SXTG giải quyết các vấn đề về dòng chảy hiệu quả kém, trong khi Six Sigma chủ yếu được sử dụng để giải quyết các vấn đề cụ thể trong quá trình. Ảnh: Internet

Cụ thể là nên áp dụng Six Sigma khi tổ chức muốn giảm sự khác biệt và đầu ra của quá trình đồng nhất cao; hoặc nên áp dụng SXTG khi tổ chức muốn loại bỏ lãng phí để thời gian của dòng chảy quá trình giảm xuống.

Ngoài ra, việc lựa chọn phương pháp cải tiến quá trình còn phụ thuộc vào văn hóa của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp coi trọng phân tích nghiên cứu và các mối quan hệ của dữ liệu, biểu đồ và phân tích, Six Sigma là tiếp cận hoàn hảo để bắt đầu. Nếu doanh nghiệp coi trọng sự thay đổi trực quan, thì tư duy tinh gọn có thể là cách đi tốt.

Việc sử dụng kết hợp cũng là lựa chọn đang được quan tâm. Six Sigma nhấn mạnh đến phân tích định lượng sẽ bổ sung cho cách tiếp cận định tính của SXTG.

Các dự án Six Sigma tập trung nỗ lực vào việc giảm thiểu sự biến động so với tiêu chuẩn đưa ra, điều này có thể khiến doanh nghiệp mất tập trung vào các yêu cầu của khách hàng. Khi đó, dòng giá trị của SXTG sẽ bổ sung hạn chế này.

Cụ thể là áp dụng các công cụ và kỹ thuật SXTG ở giai đoạn đầu của chương trình cải tiến như: VSM, thực hành 5S, công việc tiêu chuẩn hóa... Sau khi lãng phí sẽ được loại bỏ khỏi hệ thống, đến lúc này, các công cụ và kỹ thuật của Six Sigma được sử dụng để giải quyết các vấn đề diễn ra kinh niên.

Trong khi SXTG đóng vai trò quan trọng trong việc loại bỏ lãng phí và các hoạt động không mang lại giá trị gia tăng trong toàn tổ chức thì Six Sigma, thông qua việc sử dụng các công cụ và kỹ thuật thống kê sẽ giúp doanh nghiệp cải thiện về hiệu suất và năng lực của quy trình.

Có thể nói rằng, việc tích hợp cả 2 sẽ đem lại kết quả tốt hơn so với việc áp dụng 1 trong 2 phương pháp này.