Tại sao doanh nghiệp "thích" áp dụng Six Sigma?
Six Sigma là một hệ thống quản lý và cải tiến chất lượng được nhiều doanh nghiệp áp dụng hiện nay. Những hiệu quả mang lại từ việc ứng dụng phương pháp Six Sigma là điều không thể phủ nhận.
Six Sigma là một hệ phương pháp quản lý sản xuất do Motorola khởi xướng từ những năm 80 của thế kỷ 20.
Six Sigma hướng đến phương châm loại bỏ hao phí và giảm tối đa lỗi mắc phải (khuyết tật) bằng cách tập trung thực hiện nguyên tắc quản lý chất lượng đã được thừa nhận. Từ đó, Six Sigma giúp giảm thiểu lỗi sai ở sản phẩm và tăng mức độ chính xác của quy trình.
Áp dụng Six Sigma sẽ đem lại cho doanh nghiệp nhiều lợi ích như: Tiết kiệm tối thiểu chi phí sản xuất cho doanh nghiệp bởi phương pháp này giảm lãng phí và thời gian chờ đợi. Phương thức này cũng giúp rút ngắn thời gian sản xuất và cung cấp dịch vụ, giao hàng đúng hạn nhờ vào tiêu chí hạn chế lỗi hoặc thậm chí là không có lỗi.
Ngoài ra, lợi ích nổi cộm còn là tạo mức độ tin cậy, tăng trải nghiệm hài lòng của người dùng nhờ sản phẩm, dịch vụ hoàn hảo; giúp doanh nghiệp xây dựng hệ thống quản lý chất lượng hiệu quả, biết hướng giải quyết các vấn đề một cách khoa học và hợp lý; thay đổi, cải tiến hiệu quả văn hóa doanh nghiệp; tạo điều kiện xây dựng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới.
Không còn xa lạ tại Việt Nam, phương pháp Six Sigma đã được một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhất là trong các lĩnh vực công nghiệp, cơ khí chế tạo áp dụng như: American Standard, Ford, LG, Samsung, V-Tract... áp dụng.
Kể từ khi Ford áp dụng phương pháp giảm thiểu lỗi đến mức tỷ lệ tối thiểu sai hỏng, Xông ty đã có những kết quả đáng kể là đã giảm được 1,2 triệu USD và đạt chỉ số hài lòng của khách hàng ở mức trên 90% qua mỗi năm.
Một trong những dự án mà Ford đã thực hiện vào năm 2005 trong việc áp dụng Six Sigma để giảm lượng container chở linh kiện nhập khẩu.
Ford nhận thấy rằng các thùng chứa linh kiện hai loại xe này trong những container nhập khẩu vào Việt Nam còn rất nhiều khoảng trống, do vậy Ford đã sắp xếp lại không gian cho các xe này.
Phải thẳng thắn thừa nhận rằng, việc tiết kiệm không gian cũng chính là một hình thức tiết kiệm chi phí liên quan đến tiền, qua đó làm gia tăng lợi nhuận. Từ việc tiết kiệm không gian này giúp Ford tiết kiệm được 150.000 USD ngay trong năm thực hiện.
Theo Ford, Six Sigma là công cụ cải tiến quy trình hiệu quả cao gấp 2,5 lần so với ISO 9000 và gấp 5 lần Hệ thống quản lý chất lượng toàn diện (TQM).
Trước đây, Six Sigma thường được áp dụng để giảm khuyết tật, tỷ lệ phế phẩm trong sản xuất, nhưng giờ đây nó cũng được các doanh nghiệp ứng dụng vào khâu dịch vụ nhằm tiết kiệm chi phí và tăng chất lượng phục vụ khách hàng.