Chống buôn lậu, gian lận thương mại khi thực thi các FTA

Trần Huyền

Việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) giúp mở ra nhiều cơ hội, ưu đãi thuế quan cho Việt Nam khi tham gia các thị trường của các thành viên. Bên cạnh những thuận lợi này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ về việc lợi dụng chính sách tạo thuận lợi thương mại, ưu đãi thuế quan nhằm trốn thuế thông qua buôn lậu, gian lận thương mại, giả mạo xuất xứ, chỉ dẫn địa lý.

Ngành Hải quan tập trung đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại. Ảnh: internet
Ngành Hải quan tập trung đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại. Ảnh: internet

Đối phó với nhiều thủ đoạn tinh vi, khó lường

Khi Việt Nam hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, đặc biệt tham gia ngày càng nhiều vào các FTA với các nước trên thế giới và khu vực, hàng hóa Việt Nam sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan. Lợi dụng ưu đãi này, một số doanh nghiệp từ các nước không được hưởng ưu đãi thuế quan đã lợi dụng Việt Nam để xuất khẩu hàng hóa không đảm bảo xuất xứ Việt Nam sang các nước mà hàng hóa Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan.

Theo ông Nguyễn Văn Hoàn - Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), qua công tác theo dõi, tổng hợp tình hình và kết quả bắt giữ một số vụ việc buôn lậu, gian lận trốn thuế của ngành Hải quan cho thấy, bên cạnh phương thức, thủ đoạn mà các đối tượng buôn lậu thường sử dụng như khai sai tên hàng, chủng loại, số lượng, trị giá hàng hóa... đã xuất hiện phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi, khó lường nhằm gian lận, trốn thuế. Điển hình như: khai sai xuất xứ hàng hóa, làm giả xuất xứ hàng hóa do cơ quan có thẩm quyền cấp, hoặc tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa không phù hợp với bản chất xuất xứ hàng hóa, chỉ dẫn địa lý của hàng hóa...

Trước tình hình trên, để kịp thời phát hiện và ngăn chặn, xử lý kịp thời các vụ việc hàng hóa xuất khẩu giả mạo xuất xứ Việt Nam, Bộ Tài chính đã ban hành Kế hoạch số 1195/KH-BTC ngày 14/10/2019 về điều tra, kiểm tra sau thông quan đối với hàng giả mạo xuất xứ Việt Nam trong hoạt động xuất, nhập khẩu. Tổng cục Hải quan cũng ban hành các văn bản về việc tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định, chuyển tải bất hợp pháp và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; Kế hoạch Kiểm soát chống buôn lậu hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (năm 2021, 2022, 2023 và 2024).

Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo cơ quan Hải quan tiến hành thu thập thông tin, phân tích đánh giá các nguy cơ gian lận xuất xứ và thực hiện công tác điều tra, xác minh đối với một số nhóm mặt hàng có kim ngạch tăng đột biến từ Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ với mức thuế Mỹ áp dụng với mặt hàng tương tự nhập khẩu từ Trung Quốc như: xe đạp, xe đạp điện, pin năng lượng mặt trời, đồ gỗ nội thất, mặt hàng thủy sản...

Qua quá trình thực hiện, cơ quan hải quan đã phát hiện nhiều vụ việc vi phạm về xuất xứ hàng hóa và chuyển tải bất hợp pháp. Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu cho biết, trong thời gian thực hiện kế hoạch từ ngày 18/10/2019 đến ngày 30/4/2020, cả nước đã phát hiện 42 vụ vi phạm về gian lận xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Trong đó, đã ra quyết định khởi tố 02 vụ án hình sự, chuyển tin báo tội phạm và cung cấp hồ sơ vụ việc cho cơ quan an ninh điều tra 01 vụ.

Trong năm 2020, đã kiểm tra phát hiện một số phương thức gian lận xuất xứ của các doanh nghiệp, tịch thu 3.590 xe đạp nguyên chiếc, hơn 4.000 bộ linh kiện xe đạp và hơn 12 nghìn bộ linh kiện lắp ráp tủ bếp là tang vật vi phạm, thu hơn 47 tỷ đồng. Cơ quan hải quan đã phối hợp với Bộ Công an điều tra dấu hiệu làm giả giấy chứng nhận xuất xứ của Công ty cổ phần giám định Đại Minh Việt.

Trong quý III/2021, đã phát hiện một số vụ việc gian lận xuất xứ, điển hình tại Cục Hải quan Lạng Sơn, 03 doanh nghiệp khai sai xuất xứ hàng hóa nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị. Những doanh nghiệp này nhập khẩu chủ yếu các mặt hàng từ Trung Quốc, nhưng lại khai xuất xứ made in Japan, Germany, Mexico, India, USA; khai chỉ dẫn sai về tình trạng pháp lý, bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp...

Cơ quan hải quan đã phát hiện nhiều vụ việc vi phạm về xuất xứ hàng hóa, buôn lậu. Ảnh: internet
Cơ quan hải quan đã phát hiện nhiều vụ việc vi phạm về xuất xứ hàng hóa, buôn lậu. Ảnh: internet

Qua công tác thu thập thông tin kiểm tra sau thông quan, điều tra nghiên cứu nắm tình hình, cơ quan hải quan nhận thấy, một số đối tượng người Trung Quốc thành lập các doanh nghiệp ở Trung Quốc, ở Việt Nam và ở Hoa Kỳ để thực hiện việc xuất khẩu sản phẩm từ Trung Quốc sang Việt Nam nhằm mục đích thay đổi nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Ngoài ra, còn thông qua các công đoạn sản xuất đơn giản chưa đáp ứng được tiêu chí chuyển đổi mã số HS hoặc tiêu chí tỉ lệ phần trăm giá trị nhưng vẫn khai báo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang Hoa Kỳ nhằm lẩn tránh thuế quan.

Ở trong nước, một số doanh nghiệp lợi dụng cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" để thực hiện việc nhập khẩu, mua nguyên liệu, sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc sau đó sản xuất hàng giả mạo, gian lận xuất xứ Việt Nam trong địa bàn hoạt động hải quan nhằm lừa dối người tiêu dùng.

Tiếp tục đấu tranh có hiệu quả

Trong bối cảnh Việt Nam thực thi các FTA, ngành Hải quan xác định tiếp tục đấu tranh có hiệu quả đối với hành vi gian lận, trốn thuế giả mạo xuất xứ, nhưng không làm gián đoạn việc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Trong đó, tiếp tục thực hiện phân tích số liệu, lập danh sách mặt hàng, đối tượng trọng điểm có kim ngạch xuất khẩu tăng đột biến, các mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa có rủi ro cao về gian lận xuất xứ đề xuất giao các đơn vị nghiệp vụ, Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố áp dụng các biện pháp điều tra, xác minh làm rõ hành vi vi phạm.

Ngành Hải quan tiếp tục tăng cường công tác thu thập, phân tích rủi ro, xác định các doanh nghiệp có rủi ro cao tiến hành kiểm tra sau thông quan, tập trung vào kiểm tra chống gian lận xuất xứ. Cùng với đó, triển khai thực hiện kế hoạch chống gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp; tích cực xúc tiến đàm phán với Hoa Kỳ về các nội dung hợp tác cụ thể liên quan đến lĩnh vực đấu tranh chống gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp để thực hiện có hiệu quả Hiệp định về hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực Hải quan giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. 

Tổng cục Hải quan sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, VCCI và các Hiệp hội ngành hàng xác định đối tượng doanh nghiệp có rủi ro cao, có dấu hiệu gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp để áp dụng các biện pháp nghiệp vụ phù hợp.

Theo quy định pháp luật, hiện nay, thẩm quyền điều tra theo thủ tục tố tụng hình sự của cơ quan Hải quan còn bị hạn chế. Pháp luật hiện hành chỉ quy định cho cơ quan Hải quan có thẩm quyền điều tra theo tố tụng hình sự đối với 3 tội danh: “Điều 188. Tội buôn lậu", “Điều 189. Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới" và “Điều 190. Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm".

Tuy nhiên, đối với tội danh trốn thuế, khi phát hiện, bắt giữ, cơ quan Hải quan phải chuyển cho cơ quan điều tra, mất rất nhiều thời gian về thủ tục hành chính, không bảo đảm được tính nhanh chóng kịp thời trong phát hiện, điều tra tội phạm. Do vậy, cần bổ sung, mở rộng thẩm quyền của cơ quan Hải quan khởi tố, điều tra đối với tội danh trốn thuế theo Điều 200 Bộ luật hình sự.

Ngoài ra, để tránh trường hợp cách hiểu, cách xác định khác nhau về việc định tội danh, tránh trùng lắp về hành vi khách quan đối với tội trốn thuế, cần sửa đổi, bổ sung điểm i khoản 1 Điều 200 Bộ luật hình sự thành Sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng với cơ quan quản lý thuế, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật này.

 

Từ ngày 16/12/2023 đến ngày 14/09/2024, ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 12.949 vụ việc vi phạm pháp luật Hải quan (trong đó có 04 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự về hành vi trốn thuế), trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 23.757 tỷ đồng.