Chống lạm phát bằng ... cà chua

Theo Trí thức trẻ

(Taichinh) - Rosmaya Hadi, người đứng đầu chi nhánh Tây Java của Ngân hàng Trung ương (NHTW) Indonesia, đang cố gắng kiểm soát lạm phát. Đây là nhiệm vụ thường thấy của các NHTW. Tuy nhiên, cách làm của bà rất khác biệt: thu hoạch cà chua.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Với chiếc khăn choàng đầu (hijab) màu xám, bà đang nói chuyện với những người nông dân tham gia dự án cải tạo năng suất các cây trồng như khoai tây, cà rốt và nhiều loại rau củ khác. Hadi hỏi thăm về con cái của họ và lắng nghe những chia sẻ về vụ mùa sắp tới.

Dự án nông nghiệp ở Pangalengan (vùng nằm ở phía Nam của tỉnh Bandung) là một trong rất nhiều dự án được dẫn dắt bởi 18 văn phòng của NHTW Indonesia. Từ những cánh đồng ngô ở Medan cho tới những đàn gia súc ở Kupang, các cán bộ NHTW như Hadi trực tiếp xuống tận cơ sở để giải quyết vấn đề nguồn cung nhằm cân bằng công thức tính lạm phát.

“Đây là biện pháp bình ổn giá đơn giản nhất. Ổn định giá cả vẫn là mục tiêu cốt lõi của chúng tôi, nhưng trong một nền kinh tế như Indonesia, các biện pháp như lãi suất có độ trễ rất lớn vì dân số không tập trung và điều kiện cơ sở hạ tầng bị hạn chế”, bà nói.

Tỷ lệ lạm phát của Indonesia vẫn ở mức trên 6%, do đó Thống đốc NHTW Agus Martowardojo không thể mạnh tay cắt giảm lãi suất để thúc đẩy nền kinh tế đang có tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong hơn 5 năm. Tháng trước, Phó Thủ tướng Jusuf Kalla khẳng định NHTW nước này nên dần dần hạ chi phí đi vay.

Cách tốt nhất để đối phó với lạm phát ở nền kinh tế đông dân thứ tư thế giới là bắt đầu với thực phẩm – loại hàng hóa đóng góp 20% vào chỉ số giá tiêu dùng. Nhiệm vụ càng trở nên khó khăn hơn khi 200 triệu người Hồi giáo ở đây sắp bước vào tháng ăn chay Ramadan.

Ngoài ra, Indonesia còn phải hứng chịu ảnh hưởng của El Nino – hiện tượng thời tiết tiêu cực khiến nhiều vùng ở nước này bị hạn hán. Theo dự báo trong tháng 5 tỷ lệ lạm phát ở Indonesia sẽ cao hơn cả mức 6,79% của tháng 4 (vốn đã là mức cao nhất ở châu Á). Martowardojo ước tính chi phí về thực phẩm sẽ khiến tỷ lệ lạm phát tháng 5 vượt mức 7%.

“Hầu hết người dân Indonesia vẫn dành phần lớn thu nhập để mua thực phẩm”, Aldian Taloputra, chuyên gia kinh tế trưởng tại công ty chứng khoán PT Mandiri Sekuritas, nói. Chi tiêu của các hộ gia đình đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi các sự kiện như gián đoạn nguồn cung do hạn hán kéo dài hay mất mùa. “Chúng ta có thể kiểm soát mùa màng tốt hơn và sau đó lạm phát sẽ ít biến động hơn”.

Đó chính là lý do giải thích tại sao Hadi đang tới thăm những nhà kính mà ngân hàng của Nga mua cho nông dân để bảo vệ những cây cà chua ở Pangalengan – vùng đồi nổi tiếng với những suối nước nóng và cây chè. Cùng với các chuyên gia từ ĐH Padjadjaran, bà hướng dẫn 12 người nông dân cách gai tăng sản lượng và giảm thiểu rủi ro. Từ một cánh đồng mẫu, mô hình đã được nhân rộng ra 50 cánh đồng khác.

Sau khi thu hoạch, những nông sản này sẽ được gửi thẳng tới siêu thị PT Hero sau khi ngân hàng và trường đại học ký hợp đồng với nhà bán lẻ một tháng trước.

“Chúng tôi không còn phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên”, Dedi Gunawan – người đã nâng năng suất trên các cánh đồng khoai tây thêm 20%, chia sẻ. “Chúng tôi còn có thêm lợi thế khi trả giá, không còn cảnh thương lái ép giá nữa”.

Gunawan đang chờ đến lượt áp dụng những công nghệ mới để trồng giống khoai tây chuyên dùng trong món salad thay vì dùng để nấu súp như giống khoai truyền thống. Năng suất cao hơn giúp Tổng thống Joko Widodo hoàn thành chương trình an ninh lương thực hướng đến mục tiêu đến năm 2018 Indonesia có thể tự cung cấp gạo, ngô và đậu tương.

Trong khi NHTW Indonesia có thể khuyến khích các biện pháp trồng trọt tốt hơn giúp nâng cao năng suất, nỗ lực ổn định giá cả đang bị ảnh hưởng bởi hệ thống cơ sở vật chất nghèo nàn khiến giá tăng lên. Vấn đề nằm ở khâu phân phối. Thực phẩm được gửi đi từ Java nhưng đường sá ở Sumatra không thuận tiện và do đó giá ở Sumatra sẽ bị đội lên.

Tuy nhiên, các nỗ lực của ngân hàng đang tỏ ra hiệu quả. Năng suất được cải thiện cũng đồng nghĩa với thu nhập của người nông dân tăng lên và do đó họ có thể nhận được các khoản vay dễ dàng hơn. “Người nông dân càng ổn định về tài chính, giá cả càng ổn định. Đó là lý do tại sao chúng tôi xắn tay áo và bước xuống ruộng”, Hadi nói.