Những diễn biến chính trong cán cân thương mại giai đoạn 2011-2015
Trong giai đoạn 2011- 2015, cán cân thương mại được cải thiện góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế và là một trong những tác nhân quan trọng giúp giảm áp lực tăng tỷ giá và cải thiện cán cân tổng thể. Tuy nhiên, tỷ lệ nhập siêu giảm chủ yếu do sự suy giảm của sản xuất trong nước (bao gồm giảm kim ngạch nhập khẩu của các mặt hàng nguyên phụ liệu sản xuất , máy móc, thiết bị, hàng tiêu dùng).
Về xuất khẩu: Giai đoạn 2011-2015, xuất khẩu hàng hóa đã đạt tốc độ tăng trưởng cao, gấp hơn 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP . Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa thế giới đã tăng hơn gấp 3 lần trong 15 năm từ mức 0,25% năm 2001 lên tới 0,8% năm 2015, đặc biệt là nhóm hàng nông sản Việt Nam. Mặc dù tỷ trọng đóng góp còn ở mức thấp song điều này cho thấy mức độ tham gia ngày càng sâu và rộng của Việt Nam trong chuỗi giá trị thế giới, cải thiện đáng kể vị thế của Việt Nam nói chung và hàng hóa Việt Nam nói riêng.
Về nhập khẩu, tỷ trọng nhập khẩu trong tổng kim ngạch xuất khẩu có xu hướng giảm dần, góp phần cải thiện cán cân thương mại Việt Nam. Giai đoạn 2011-2015, nhập khẩu Việt Nam trung bình tăng trên 14,36%/ năm, thấp hơn hẳn 2 giai đoạn (2001-2010) .
Tuy nhiên, giai đoạn 2011-2015, sự cải thiện cán cân thương mại chưa thực sự bền vững, nguyên nhân là:
Xuất khẩu của khu vực FDI có xu hướng ngày càng lớn trong cơ cấu xuất nhập khẩu cho thấy sự lấn át của khu vực FDI cũng như những khó khăn và sự yếu thế của khu vực trong nước.Từ năm 2000 đến nay, kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI liên tục tăng với tốc độ tăng trưởng cao, đặc biệt từ sau năm 2008 đã góp phần củng cố vị thế của khu vực này trong tổng xuất khẩu chung của Việt Nam. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cơ cấu nhập khẩu theo mặt hàng của Việt Nam có những thay đổi, tỷ trọng nhập khẩu các nguyên nhiên phụ liệu cho khu vực FDI liên tục tăng trong khi tỷ trọng nhập khẩu hàng hóa cho khu vực trong nước liên tục giảm.
Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu chủ yếu vẫn là các mặt hàng có giá trị gia tăng thấp. Mặc dù tỷ trọng giá trị các mặt hàng nông lâm thủy sản và công nghiệp nặng và khoáng sản (trừ năm 2012) có xu hướng giảm trong khi tỷ trọng của các mặt hàng công nghiệp nhẹ tăng, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều là các mặt hàng gia công, thâm dụng lao động cao như dệt may, giày da, điện thoại, máy tính… do đó giá trị tăng thêm thực tế đối với Việt Nam ngày càng giảm.
Cơ cấu thị trường xuất khẩu chậm thay đổi. Thị trường tiêu thụ chính của Việt Nam vẫn là khu vực ASEAN, Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc. Điều này làm tăng sự phụ thuộc của Việt Nam vào các quốc gia này, đặc biệt là Trung Quốc. Trong giai đoạn 2001-2015, tốc độ nhập siêu của Việt Nam và Trung Quốc do đó cũng tăng không ngừng, tỷ lệ nhập siêu từ Trung Quốc trên tổng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc là 13,32% năm 2001 và tăng lên tới trên 192% tính tới thời điểm 9 tháng đầu năm 2015.
Tuy nhiên, nếu tính trung bình theo giai đoạn 5 năm có thể thấy tỷ lệ này của giai đoạn 2011-2015 thấp hơn giai đoạn trước đó 2006-2010 và cao hơn giai đoạn 2001-2005. Cụ thể, tỷ lệ nhập siêu từ Trung Quốc trên tổng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc giai đoạn 2011-2015 ước khoảng 161%, giai đoạn 2006-2010 là 190,41% và giai đoạn 2001-2005 là 52,69%.