Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư trong giai đoạn 2011-2015
Khởi đầu giai đoạn 2011-2015, để khắc phục những bất cập trong quản lý và sử dụng vốn đầu tư theo phương thức cũ, việc tái cơ cấu đầu tư, đặc biệt là Luật Đầu tư công đã được thông qua. Qua hơn 3 năm thực hiện, quá trình tái cơ cấu đầu tư công bước đầu đã có chuyển biến tích cực, tỷ lệ vốn đầu tư/GDP có xu hướng giảm dần.
Một trong những văn bản quan trọng nhất của việc thể chế hóa đầu tư công thời gian qua là Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13 được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 18/6/2014 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2015.
Đây là văn bản pháp lý quan trọng được coi là tạo điều kiện cho việc thực hiện quá trình tổng thể tái cơ cấu đầu tư công và tái cơ cấu nền kinh tế.
Bên cạnh đó, nhiều thể chế quan trọng khác được ban hành liên quan tới việc định hướng đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư, chuẩn bị đầu tư, phê duyệt đầu tư và thực hiện, giám sát đầu tư .
Cùng với việc quản lý chặt chẽ đầu tư công, khu vực kinh tế tư nhân cũng được khuyến khích mở rộng phát triển . Về cơ bản, các chính sách đã góp phần bước đầu khắc phục tình trạng bố trí vốn phân tán, dàn trải, thất thoát lãng phí; nâng cao hiệu quả đầu tư.
Xét về cơ cấu vốn đầu tư, tỷ trọng vốn đầu tư của khu vực kinh tế Nhà nước đã giảm dần từ 59,1% (năm 2000) xuống còn 33,9% (năm 2008) và tăng nhẹ trở lại lên mức 40,4% năm 2013 và 38% năm 2015 nhằm duy trì ổn định và phát triển kinh tế khi khu vực đầu tư ngoài Nhà nước và đầu tư nước ngoài gặp nhiều khó khăn, cầu tăng thấp do chịu tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế.
Tỷ trọng vốn đầu tư của khu vực kinh tế ngoài Nhà nước tăng nhanh (khoảng 16 điểm % từ năm 2001 đến 2015), nguyên nhân chủ yếu là do việc cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước; nhiều cơ sở mở rộng sản xuất kinh doanh và thành lập mới.
Tỷ trọng vốn đầu tư của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài không ổn định nhưng nhìn chung có xu hướng tăng dần. Trong đó, đáng chú ý, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, vốn FDI giải ngân giai đoạn 2011-2015 vẫn duy trì ở mức khoảng 10,5-12 tỷ USD (trong đó năm 2015 đã tăng mạnh lên mức 14,5 tỷ USD).
Tỷ trọng vốn đầu tư của khu vực Nhà nước vẫn ở mức cao (bình quân giai đoạn 2011 – 2015 đạt khoảng 39,1%). Trong đó, vốn từ NSNN tuy có xu hướng giảm nhưng vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất.
Riêng năm 2015, vốn từ NSNN tăng cao hơn so với các năm trước do tính bổ sung thêm 30.000 tỷ đồng giai ngân vốn nước ngoài nguồn ngân sách nhà nước theo các hiệp định đã ký kết với các nhà tài trợ và tiến độ thực hiện . Vốn tín dụng nhà nước cũng tăng nhanh trong những năm gần đây.
Tình trạng đầu tư dàn trải vẫn chưa có giải pháp khắc phục triệt để: năm 2010, các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương phân bổ vốn ngân sách nhà nước cho tổng số 16.658 dự án với số vốn bình quân phân bổ cho dự án là gần 7 tỷ đồng; vốn bình quân phân bổ cho dự án nhóm A ở trung ương năm 2010 xấp xỉ 115 nghìn tỷ đồng.
Đến năm 2011, quy mô trung bình một dự án đầu tư là 11 tỷ đồng/dự án; năm 2012 tăng lên là 17 tỷ đồng dự án .
Tình trạng đầu tư phong trào, rập khuôn của nhiều ngành, địa phương vẫn diễn ra phổ biến và không thực sự chú trọng tới hiệu quả lợi thế so sánh của địa phương. Hiệu quả đầu tư vẫn còn thấp, thể hiện qua chỉ số ICOR vẫn tiếp tục tăng và ở mức cao.
Nguyên nhân làm cho ICOR của Việt Nam cao một phần là do Việt Nam đang trong giai đoạn tập trung đầu tư cho hạ tầng cơ sở, bao gồm cả hạ tầng cơ sở ở vùng sâu, vùng xa và đầu tư cho xoá đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Nhưng mặt chủ quan vẫn là cơ chế quản lý đầu tư xây dựng lỏng lẻo, lãng phí nghiêm trọng, quy hoạch đầu chưa hợp lý… chính vì vậy, so với các quốc gia khác đã trải qua giai đoạn phát triển tương đồng như Việt Nam thì hệ số ICOR của Việt Nam hiện nay vẫn ở ngưỡng cao.