Chủ động giải pháp hoàn thành chỉ tiêu
Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa tổ chức Hội nghị đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác thu; phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) và công tác khám, chữa bệnh BHYT tại BHXH các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang, Điện Biên. Tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu yêu cầu, BHXH các tỉnh báo cáo những vấn đề trọng tâm còn vướng mắc, nêu ra kiến nghị, đề xuất cụ thể, qua đó lãnh đạo ngành đưa ra những phương án tháo gỡ kịp thời.
Khó khăn trong việc thực hiện các chỉ tiêu
Báo cáo tại Hội nghị, đại diện BHXH các tỉnh thuộc Cụm số 4 đều khẳng định, thời gian qua, BHXH địa phương luôn nhận được sự chỉ đạo sát sao của BHXH Việt Nam, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối kết hợp của các cấp, các ngành trên địa bàn trong triển khai chính sách BHXH, BHYT. Cùng với đó, các quy trình nghiệp vụ của ngành cũng luôn đổi mới, phù hợp với yêu cầu đề ra và được triển khai đồng bộ, kịp thời tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia và hưởng BHXH, BHYT.
Từ đầu năm đến nay, các địa phương trong Cụm đã tích cực thực hiện các chỉ tiêu được giao. Đặc biệt, với những cách làm hay, sáng tạo trong các đợt ra quân hưởng ứng Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân và Ngày BHYT toàn dân, đã thu hút được số lượng lớn người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Tuy nhiên, các địa phương cũng cho rằng, để hoàn thành được chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2022 vẫn còn không ít khó khăn, cần sự quyết tâm, nỗ lực và linh hoạt hơn nữa.
Chia sẻ về những khó khăn trong công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT, Giám đốc BHXH tỉnh Sơn La Thiều Quang Ngãi cho biết, theo kế hoạch BHXH Việt Nam giao cho tỉnh Sơn La năm 2022, số người tham gia BHXH bắt buộc tăng hơn 3,3 nghìn người, tuy nhiên các doanh nghiệp trên địa bàn không tăng, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Riêng BHXH tự nguyện, tăng trên 10.000 người, nhưng thực tế tỷ lệ người tham gia BHXH tự nguyện tại tháng 12.2021 ở mức thu nhập dưới 1,5 triệu đồng, chiếm tới 71,4%, nên khi mức chuẩn nghèo năm 2022 tăng từ 700.000 đồng lên 1,5 triệu đồng, người dân không có điều kiện tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện, nên số người tham gia giảm mạnh.
Theo đại diện BHXH các tỉnh, công tác phát triển người tham gia BHXH tự nguyện tại địa phương có tăng nhưng tỷ lệ còn thấp, do người dân có mức thu nhập thấp, không ổn định. Hơn nữa, việc thay đổi mức thu nhập làm căn cứ tham gia theo chuẩn nghèo mới dẫn đến nhiều trường hợp trước kia tham gia theo chuẩn nghèo cũ không tiếp tục theo hoặc tạm dừng tham gia.
Tại buổi làm việc, các địa phương cũng nêu rõ một số khó khăn liên quan đến công tác khám, chữa bệnh BHYT như xuất hiện tình trạng thiếu thuốc tại một số cơ sở khám, chữa bệnh BHYT với mức độ vừa; số chi khám, chữa bệnh BHYT đang tăng cao trong các tháng cuối năm 2022 và tăng so với các năm trước; hoạt động giám định còn gặp một số khó khăn; địa phương không tổ chức đấu thầu tập trung vật tư y tế, nên không có sự thống nhất giá giữa các cơ sở khám, chữa bệnh, dẫn đến theo dõi và quản lý thanh toán gặp nhiều khó khăn.
Triển khai đồng bộ các giải pháp
Sau khi nghe báo cáo tình hình, đại diện các vụ, ban nghiệp vụ đã đề nghị BHXH các tỉnh cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển người tham gia; đôn đốc thu, giảm tiền chậm đóng BHXH, BHYT xuống mức thấp nhất; chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan báo cáo, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, nhất là thực hiện Quyết định số 546/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc giao chỉ tiêu thực hiện bao phủ BHYT giai đoạn 2022 - 2025; tăng cường hoàn thiện các phương pháp thanh tra, kiểm tra.
Nhấn mạnh hiệu quả công tác thanh tra, theo Trưởng ban Quản lý Thu - Sổ thẻ, BHXH Việt Nam Dương Văn Hào, nếu tất cả các đơn vị sau thanh tra ban hành quyết định xử phạt hành chính, thì tỷ lệ thu hồi nợ BHXH, BHYT có thể đạt gần 80%. Vì vậy, các địa phương cần phát huy hơn nữa hiệu quả của công tác thanh tra; đồng thời, chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế về trao đổi dữ liệu và rà soát, phát triển BHXH, BHYT hiệu quả.
Trong khi đó, ông Tô Hồng Lương, Phó Giám đốc Trung tâm giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến, BHXH Việt Nam cũng đề nghị, BHXH các địa phương cần chủ động thực hiện tốt Quy trình giám định BHYT, bảo đảm thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT đúng quy định; kiểm tra, rà soát tại các cơ sở khám, chữa bệnh có gia tăng chi phí đột biến, bất thường, từ đó có các cảnh báo trên Hệ thống thông tin giám định BHYT.
Theo Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu, các địa phương đã tích cực triển khai các giải pháp nhằm thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao trong điều kiện còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, do khối lượng công việc trong những tháng cuối năm rất lớn, nhất là về chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, nên nếu không tập trung và nỗ lực cao, BHXH các địa phương sẽ khó có thể hoàn thành.
BHXH các địa phương thuộc Cụm số 4 cần nắm bắt rõ những gợi ý, tháo gỡ của Đoàn công tác để áp dụng trong thực tiễn được hiệu quả. Đồng thời, BHXH các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh thanh tra đột xuất tại các đơn vị nợ đọng bảo hiểm; đề xuất các biện pháp xử lý đối với những đơn vị nợ kéo dài, số nợ lớn.