Chưa có doanh nghiệp nào đề xuất tạm dừng đóng BHXH

Theo Phạm Thọ/baobaohiemxahoi.vn

Ngày 23/3, BHXH TP. Hồ Chí Minh đã có hướng dẫn chính thức về việc tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất cho NLĐ đối với những doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn, phải tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh do dịch bệnh Covid-19…

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

rao đổi với phóng viên Báo BHXH, ông Phan Văn Mến- Giám đốc BHXH TP. Hồ Chí Minh cho biết, đến thời điểm ngày 23/3, trên địa bàn thành phố vẫn chưa có DN nào chính thức ngừng hoạt động và đề xuất tạm dừng đóng BHXH (theo quy định là tạm dừng đóng vào 2 quỹ hưu trí và tử tuất) cho người lao động (NLĐ). Tuy nhiên, qua nắm bắt tình hình, có thể trong tuần tới sẽ xuất hiện một số DN phải tạm dừng sản xuất kinh doanh.

Chưa có doanh nghiệp nào đề xuất tạm dừng đóng BHXH - Ảnh 1

Cũng theo ông Mến, để thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Công văn số 797/LĐTBXH-BHXH của Bộ LĐ-TB&XH và Công văn số 860/BHXH-BT của BHXH Việt Nam, ngày 23/3, BHXH TP. Hồ Chí Minh đã ban hành văn bản số 553/BHXH-QLT về tạm thời hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, tổ chức, DN thực hiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Theo đó, đối tượng áp dụng là các DN thuộc các ngành nghề dịch vụ vận tải hành khách, du lịch, dệt may, lưu trú, nhà hàng và các ngành nghề đặc biệt khác gặp khó khăn bởi dịch Covid-19 được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất (22%) khi có một trong các điều kiện sau: Không bố trí được việc làm cho NLĐ, trong đó số lao động thuộc diện tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất kinh doanh trở lên; bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do dịch bệnh gây ra (không kể giá trị tài sản là đất). Thời gian được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đến hết tháng 6/2020 đối với DN đủ điều kiện; nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp và DN có đề nghị, sẽ tiếp tục giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đến tháng 12/2020.

BHXH TP. Hồ Chí Minh cũng đề nghị các DN liên hệ với cơ quan LĐ-TB&XH tại địa phương để xác định số lao động thuộc diện tham gia BHXH tạm thời nghỉ việc so với tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất kinh doanh; hoặc liên hệ với cơ quan Tài chính xác định giá trị tài sản bị thiệt hại được tính so với giá trị tài sản theo báo cáo kiểm kê gần nhất trước thời điểm bị thiệt hại theo đúng quy định tại Khoản 1, Điều 88 Luật BHXH 2014; các Khoản 1, 2, 3 và 4, Điều 16 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP của Chính phủ và Điều 28 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐ-TB&XH.

Trong thời gian được tạm dừng đóng vào hai quỹ trên, DN vẫn phải đóng vào quỹ ốm đau và thai sản, quỹ BH TNLĐ-BNN, quỹ BHYT, quỹ BH thất nghiệp với tỷ lệ là 10% quỹ tiền lương để bảo đảm quyền lợi cho NLĐ. Sau thời gian tạm dừng đóng, DN tiếp tục đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, BHTNLĐ-BNN theo phương thức đã đăng ký và đóng bù cho thời gian tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Tiền đóng bù không bị tính lãi chậm đóng”.