Chuẩn bị kỹ để mua được nhà ở xã hội
Nếu biết nắm bắt cơ hội và chuẩn bị từ sớm, người có nhu cầu có thể mua được nhà ở xã hội thuộc các dự án đang triển khai tại TP. Hồ Chí Minh.
Quỹ đất cho nhà ở xã hội
Hồi tháng 12/2018, chính quyền TP. Hồ Chí Minh đã chấp thuận chủ trương dành chín khu đất rộng hơn 60.000 m² để xây dựng nhà ở xã hội. Chín khu đất này nằm ở nhiều quận, huyện: quận 4 (gần 4.000 m²); quận 6 (gồm hai khu đất với tổng diện tích hơn 5.000 m²); quận 9 (8.872 m²); quận 12 (gồm hai khu đất với tổng diện tích gần 12.000 m²); quận Thủ Đức (7.000 m²); huyện Bình Chánh (gần 13.500 m²); huyện Củ Chi (gần 4.500 m²).
Trong số chín khu đất thì khu đất rộng gần 12.000 m² tại phường Tân Thới Nhất, quận 12 đã được xác định chỉ tiêu quy hoạch khoảng 540 căn hộ. Còn tám khu đất còn lại các quận, huyện đã xác định chỉ tiêu quy hoạch làm cơ sở để đấu thầu chọn chủ đầu tư. Với việc xác định các khu đất để xây nhà ở xã hội, từ nay đến năm 2020, TP. Hồ Chí Minh có thêm khoảng 20.000 căn nhà ở xã hội và 35.000 chỗ ở tập trung cho công nhân tại các khu công nghiệp.
Với việc TP. Hồ Chí Minh sắp xây dựng các dự án nhà ở xã hội kể trên, người có nhu cầu mua nhà ở xã hội căn cứ vào chín khu đất mà TP. Hồ Chí Minh công bố ở các quận huyện để chọn nơi phù hợp.
Những điều kiện mua nhà ở xã hội
Để mua được nhà ở xã hội, trước tiên người mua cần xác định xem mình có thuộc đối tượng mua nhà ở xã hội hay không. Theo quy định, người được mua nhà ở xã hội phải thỏa mãn hai điều kiện. Điều kiện cần là người mua phải thuộc 10 đối tượng như người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị; người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan; cán bộ, công chức, viên chức…
Điều kiện bao gồm: chưa sở hữu nhà ở, đất ở tại TP. Hồ Chí Minh; thu nhập không phải đóng thuế thu nhập cá nhân thường xuyên; nếu đã có gia đình thì vợ chồng đều phải là người không đóng thuế thu nhập cá nhân thường xuyên; người mua phải có sổ hộ khẩu hoặc KT3 hoặc có xác nhận tạm trú trên một năm tại TP. Hồ Chí Minh. Trường hợp không có sổ hộ khẩu, người mua phải có thêm hợp đồng lao động trên một năm, và xác nhận đang tham gia bảo hiểm xã hội tại TP. Hồ Chí Minh trên một năm.
Khi xác định được mình thuộc đối tượng mua nhà ở xã hội, người mua cần chuẩn bị hồ sơ theo hướng dẫn của Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh. Điều 22 nghị định 100 năm 2015 quy định hồ sơ mua nhà ở xã hội gồm đơn đăng ký mua, ba bản chứng thực căn cước công dân, ba bản chứng thực đăng ký hộ khẩu hoặc giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Người mua cần phải có giấy xác nhận đối tượng mua nhà ở xã hội và thực trạng nhà ở.
Hiện nay, nhà ở xã hội theo quy định có giá bán không quá 15 triệu đồng/m², với mức giá này mỗi căn hộ có giá từ 580 triệu đồng đến gần 1 tỉ đồng. Do vậy, người mua cần chuẩn bị số tiền ít nhất là khoảng 20% tổng số tiền mua căn hộ, phần còn lại sẽ được vay ngân hàng.
Theo dõi thông tin dự án
Khi đã chuẩn bị đẩy đủ hồ sơ, người mua cần theo dõi thông tin về dự án, thời gian khởi công, thời gian mở bán qua các kênh thông tin như website của chủ đầu tư, website của Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh hoặc qua các phương tiện truyền thông… Việc xác định và chuẩn bị trước hồ sơ trước khi dự án mở bán sẽ giúp người mua có thể chọn được số căn và số tầng theo ý muốn và cơ hội mua được nhà sẽ nhiều hơn.
Một điều đáng lưu ý là Bộ Xây dựng dự kiến sẽ ban hành quy chuẩn xây dựng mới cho phép xây dựng căn hộ chung cư có diện tích dưới 45 m² với tỷ lệ nhất định để cho thuê. Những người không đủ điều kiện mua có thể chọn hình thức thuê. Bởi vì những căn nhà có diện tích từ 25 m² đến 40 m², mức giá trung bình từ 200-400 triệu đồng, tính ra tiền thuê khoảng 1,3 triệu/tháng. Người thuê có thể thuê căn nhà lên tới 20 năm. Dù diện tích nhỏ nhưng các căn nhà tại khu nhà cho thuê dài hạn được thiết kế bài bản gồm phòng ngủ, bếp, nhà vệ sinh…
So với hình thức mua nhà ở xã hội thì việc thuê nhà lâu dài không phải đáp ứng các điều kiện khắt khe. Chỉ cần có số tiền từ 250-350 triệu đồng, người thuê có thể an cư ổn định 49 năm mà không lo bị tăng giá hàng năm như nhà trọ.
Với phương án thuê, gánh nặng về tài chính sẽ nhẹ hơn rất nhiều so với phương án vay tiền để mua căn hộ. Tuy nhiên, nhược điểm của loại hình thuê là người thuê không được đăng ký cư trú như cấp sổ hộ khẩu nên có thể gặp khó khăn khi đăng ký cho con em đi học hoặc một số giao dịch cần sổ hộ khẩu.
Khác với hợp đồng mua nhà ở người mua phải đóng phí bảo trì ban đầu 2%, người thuê không phải đóng phí bảo trì nhưng suốt quá trình thuê nếu công trình hư hỏng, xuống cấp thì phải trông chờ hoàn toàn vào ý kiến, tài chính của bên cho thuê trong việc sửa chữa khắc phục. Người thuê phải nộp phí quản lý hàng tháng, dịch vụ trông giữ xe, giá điện nước nhưng mức giá, chất lượng dịch vụ, và việc sử dụng không gian chung hoàn toàn phụ thuộc vào sự quyết định của bên cho thuê.